Ký ức về một người thầy…
(Dân trí) - Rời xa mái trường cấp ba nhưng mỗi lần nhìn lại tấm ảnh thầy chụp chung với lớp, ký ức về một người thầy đáng kính lại trào dâng trong tôi khi nhớ về những tháng năm gắn bó với thầy dưới mái trường THPT ngày ấy…
Kính tặng thầy Trần Đăng Khoa - giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng (TP Đồng Hới - Quảng Bình)
Hè năm 2005, tôi thi trượt trong kỳ thi tốt nghiệp vào cấp 3. Vậy là phải làm hồ sơ vào học hệ bán công. Tôi trúng tuyển vào lớp 10 Trường THPT bán công Đồng Hới (nay là Trường THPT Phan Đình Phùng). Đó là lần đầu tiên tôi đi học xa nhà với quãng đường đến trường gần 15km, đạp xe lên đến cả tiếng đồng hồ. Người thầy chủ nhiệm đầu tiên của ba năm học cấp 3 lớp tôi là một thầy giáo trẻ. Tên thầy là Trần Đăng Khoa, giáo viên dạy môn Thể dục. Lớp 10A14 của chúng tôi hồi ấy được mệnh danh là “siêu quậy” của trường khi thành tích thi đua luôn ở hàng “đội sổ”. Nhiều người nghĩ thầy chủ nhiệm của chúng tôi là một thầy giáo dạy Thể dục, ít có thời gian quan tâm, sâu sát đến lớp, thầy lại là cán bộ bên Đoàn nên hay “bỏ” lớp nên kết quả thi đua sa sút. Nhưng sự thật thì không phải như vậy. Thầy rất quan tâm, theo dõi hoạt động của lớp. Nhưng cũng vì thầy là một thầy giáo trẻ, lại vui tính, gần gũi giống như một người bạn của đám học trò chúng tôi nên thầy không nghiêm khắc. Tôi có tật xấu là thường xuyên đi học muộn. Mỗi lần vào lớp với bộ mặt hớt hải nhác thấy thầy ngồi ở bục giảng lúc đầu giờ, tôi lại lén đi lui ra cửa sau. Thầy gọi vào, hỏi lý do đi trễ. Tôi viện cớ là nhà ở xa nên đi học muộn. Thầy nhìn tôi trìu mến: “Nhà ở xa nhưng cố gắng đi sớm em nhé! Lần sau đi học nhớ đội mũ, trời nắng lắm”. Tôi lí nhí: “Dạ”. Đám học trò chúng tôi vì thấy thầy quá…hiền nên thừa nước “lấn tới”. Ở cái tuổi 15, chúng tôi nào có biết được rằng, đằng sau những nụ cười thân thiện, đằng sau những lời nói nhẹ nhàng nhắc nhở của thầy là mong muốn chúng tôi tiến bộ trong học tập, trong phong trào Đoàn.
Những lần sinh hoạt lớp, nghe báo cáo của lớp trưởng về những thành tích yếu kém của cả lớp trong tuần học vừa qua, thầy ngồi yên lặng trên bục giảng, không nói gì. Cả lớp chúng tôi cũng không ai nói gì, chỉ duy nhất bạn lớp trường cúi đầu lí nhí: “Chúng em xin lỗi thầy”. Có một lần, thầy đã khóc trong một buổi sinh hoạt như thế. Chưa bao giờ, buổi học cuối năm lớp 10 lớp chúng tôi lại im lặng và u ám như vậy. Hình như ai cũng nhận ra lỗi của mình trong suốt năm học vừa rồi.
Đầu năm học lớp 11, lớp tôi thay giáo viên chủ nhiệm. Ai cũng bất ngờ với thông tin đó vì trong lớp bạn nào cũng quý thầy, coi thầy như một người bạn để có thể sẻ chia mọi chuyện. Buổi sinh hoạt đầu giờ hôm ấy cũng là buổi chia tay thầy. Thầy cũng không nói gì, chỉ nhắc chúng tôi một câu: “Năm học mới, giáo viên mới, thầy hy vọng các em sẽ tiến bộ hơn”. Cả lớp lặng thinh, trên bục giảng, mắt thầy đỏ hoe, nhòe nước. Đó là lần thứ hai chúng tôi thấy thầy khóc. Còn dưới lớp chỉ nghe thấy những tiếng sụt sịt, những giọt nước mắt khẽ rơi rơi trên trang vở trắng. Một cô bạn nữ đứng lên quệt nhẹ vào gò má: “Chúng em xin lỗi thầy!”.
Thầy chính là người đã dạy cho chúng tôi biết về lòng vị tha cũng như trách nhiệm của một người học sinh là học tập và rèn luyện để trở thành người có ích cho xã hội. Năm học lớp 11, lớp 12, thầy không còn chủ nhiệm lớp chúng tôi nữa nhưng thầy vẫn quan tâm và dõi theo lớp từng ngày. Không phụ lòng thầy, thành tích học tập và phong trào Đoàn của lớp tôi tiến bộ rõ rệt.
Rời xa mái trường nhưng mỗi lần nhìn lại tấm ảnh thầy chụp chung với lớp ký ức về một người thầy đáng kính lại trào dâng trong tôi khi nhớ về những tháng năm gắn bó với thầy dưới mái trường THPT ngày ấy…