(Dân trí) - Trước tình trạng du khách phản ánh nạn nói thách, "chặt chém" của các tiểu thương trên địa bàn TPHCM, Sở Du lịch TP đã đưa ra nhiều biện pháp ngăn chặn.
TPHCM ngăn nạn chèo kéo, đeo bám và "chặt chém" du khách bằng cách nào?
(Dân trí) - Trước tình trạng du khách phản ánh nạn nói thách, "chặt chém" của các tiểu thương trên địa bàn TPHCM, Sở Du lịch TP đã sớm có những biện pháp ngăn chặn.
Vì sao khách quốc tế chưa "mặn mà" với Việt Nam?
Năm 2022, khi dịch Covid-19 dần lắng dịu, Việt Nam đón 3,6 triệu lượt khách quốc tế, thấp hơn con số mục tiêu là 5 triệu.
Năm 2023 được kỳ vọng là năm bứt tốc của du lịch Việt Nam. Trước làn sóng suy thoái kinh tế và sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường Đông Nam Á, du lịch Việt Nam buộc phải chuyển mình, khắc phục quyết liệt những hạn chế và phát huy thế mạnh.
Tuyến bài là trải nghiệm thực tế của khách du lịch, về nạn chặt chém, về chính sách visa, về đường bay, về việc "xuất khẩu" văn hóa đến đa dạng các loại hình du lịch. Việt Nam có nhiều câu chuyện để kể với khách du lịch, nhưng kể như thế nào, và bằng cách nào là vấn đề đáng suy ngẫm.
Năm 2023, du lịch Việt cần phải đổi thay và bùng nổ!
Chốt trực tại hơn 30 tuyến điểm du lịch trọng điểm
Theo Sở Du lịch TPHCM, từ đầu năm 2023 đến nay, Sở vẫn chưa ghi nhận trường hợp du khách phản ánh bị chặt chém hay nói thách. Tuy nhiên, Sở cũng đưa ra nhiều biện pháp nhằm chấn chỉnh, không để tình trạng này tiếp diễn khiến du lịch thành phố trở nên xấu xí trong mắt du khách.
"Trong thời gian qua, không chỉ việc xử lý tình trạng chặt chém, buôn bán hàng rong gây mất trật tự mà tình trạng tự ý nâng giá hay còn gọi chặt chém khách du lịch nói chung đã và đang được các cơ quan chức năng, các đơn vị liên quan phối hợp giải quyết", Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Nguyễn Thị Ánh Hoa, thông tin.
Bà Hoa cho biết, Sở đang phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung một số giải pháp cụ thể như kiểm tra, xử lý những hành vi thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch; phối hợp với Công an TP duy trì thực hiện Quy chế về công tác phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, nâng cao chất lượng quản lý du lịch tại TPHCM và Kế hoạch số 2371/KH-UBND (ngày 19/7/2021) về triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg (ngày 31/3/2021) của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực du lịch trong tình hình mới.
Ngoài ra, Sở Du lịch TPHCM sẽ phối hợp với UBND các quận, huyện tăng cường công tác đảm bảo an ninh tại địa phương, xây dựng các mô hình đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách như "tự quản", "sinh viên tình nguyện", lắp đặt hệ thống camera tại các tuyến đường, quy hoạch khu vực bán hàng rong,...
Khi xảy ra vụ việc chặt chém du khách, Sở sẽ phối hợp với quận, huyện chỉ đạo Công an phường xử lý nghiêm, nhanh chóng. Đồng thời, đơn vị cũng tuyên truyền vận động cộng đồng và du khách hợp tác tích cực với cơ quan Nhà nước khi bị chặt chém.
"Du khách có thể cung cấp chứng cứ, hình ảnh để giảm áp lực đối với việc điều tra xác minh đối tượng, xử lý đúng người đúng hành vi", lãnh đạo ngành du lịch nêu rõ.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch TP còn hướng dẫn lực lượng bảo vệ du khách (thuộc Cty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong) tăng cường công tác tuần tra, chốt trực tại hơn 30 tuyến điểm du lịch trọng điểm.
Từ đó, đơn vị có thể sớm phát hiện và thông báo cho công an những đối tượng có dấu hiệu nghi vấn, hành vi phạm tội, ngăn chặn kịp thời các vụ chèo kéo, đeo bám du khách, phối hợp xử lý các vụ chặt chém du khách.
Những tín hiệu tích cực đầu năm
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, sau đại dịch Covid-19, tất cả các điểm đến, các quốc gia đều đang nỗ lực để phục hồi hoạt động và thu hút khách du lịch. Trong bối cảnh đó, việc thống kê tỷ lệ khách quay lại một điểm đến là chưa cần thiết và chưa đủ điều kiện để thực hiện.
"Thực tế, TPHCM cũng chưa tiến hành điều tra thống kê tỷ lệ khách quay trở lại. Do đó, chúng ta cũng chưa đủ cơ sở để nhận định khách ít quay lại thành phố", đại diện Sở Du lịch phân trần.
Từ quý III/2022 đến nay, TPHCM ghi nhận các thị trường khách du lịch quốc tế mới đang tăng như Ấn Độ, Australia, Thái Lan,... Điều này cho thấy, các nỗ lực của du lịch TP đang có những kết quả nhất định.
Theo số liệu thống kê từ Sở Du lịch TPHCM, trong 3 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến TP ước đạt hơn 1 triệu lượt (tăng 100% so cùng kỳ năm 2022), đạt 20,9% so với kế hoạch năm 2023.
Bên cạnh đó, khách du lịch nội địa đạt là 7,5 triệu lượt (tăng 55,9% so cùng kỳ năm 2022), đạt 21,6% so với kế hoạch năm 2023. Tổng thu du lịch ước đạt 36.112 tỷ đồng (tăng 77,2% so với cùng kỳ năm 2022), đạt 23% so với kế hoạch năm 2023.
"Việc phục hồi của thị trường khách du lịch nội địa đóng vai trò quyết định sự phục hồi của du lịch Việt Nam trong thời gian qua, giúp các doanh nghiệp lữ hành và dịch vụ có liên quan đến du lịch khôi phục hoạt động", bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nhấn mạnh.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cơ cấu khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam sau đại dịch cơ bản không thay đổi, chủ yếu từ thị trường Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan), ASEAN, Australia, Mỹ, một số nước Tây Âu.
Tuy châu Âu là khu vực mở cửa du lịch đầu tiên trên thế giới, nhưng tốc độ phục hồi thị trường khách từ châu Âu đến Việt Nam chưa nhanh bằng các thị trường gần (3 thị trường gửi khách hàng đầu từ châu Âu vào Việt Nam là Anh, Đức, Pháp).
TPHCM có gì để thu hút khách du lịch?
Để thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế đến TPHCM, ngành du lịch cũng triển khai những biện pháp như xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới nhằm tăng thêm sự lựa chọn cho du khách trong nước và quốc tế. Trong đó, nổi bật phải kể đến là chiến lược "mỗi quận, huyện có ít nhất một sản phẩm đặc trưng", nhằm gia tăng sản phẩm du lịch, tăng sức hấp dẫn cho điểm đến.
Ngoài ra, du lịch thành phố ngày càng đa dạng sản phẩm du lịch, tăng cường phát triển điểm đến phục vụ du khách; định hướng phát triển các sản phẩm du lịch có trọng tâm, trong điểm và chủ lực của TPHCM, bao gồm các sản phẩm: du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch mua sắm, du lịch ẩm thực, du lịch đường thủy, du lịch sinh thái - nông nghiệp, du lịch y tế,…
Sở Du lịch còn đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào thông tin, quảng bá du lịch thành phố. Đồng thời, đơn vị sẽ chủ động hợp tác với các cơ quan báo chí hình thành chuyên mục quảng bá du lịch; nghiên cứu định hướng chủ đề và công cụ truyền thông cho từng thị trường khách du lịch trọng điểm.
Từ đó, du lịch thành phố có thể tập trung nâng chất các sự kiện, tăng độ dài lưu trú, chi tiêu bình quân và tỷ lệ quay lại của khách du lịch; nâng cao công tác nghiên cứu thị trường, công tác truyền thông quảng bá du lịch thành phố.
"Sở Du lịch cũng tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo về nguồn nhân lực; đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đối với cán bộ, công chức, viên chức trong ngành, lực lượng quản lý, điều hành của doanh nghiệp du lịch, lực lượng lao động trực tiếp - cộng đồng dân cư địa phương", bà Ánh Hoa nói.
Trong năm 2023, Sở Du lịch đề ra kế hoạch nỗ lực hình thành các sản phẩm mới và kêu gọi đầu tư xây dựng các sản phẩm mới để phục vụ du khách. Dưới sự chỉ đạo của UBND TPHCM, các sở ngành đang tích cực phối hợp để tổ chức các sự kiện, lễ hội quy mô lớn, dài ngày và định kỳ.
Ngoài ra, các đơn vị cũng đang triển khai nhiều kế hoạch quảng bá, xúc tiến tại các thị trường trọng điểm. Trong đó, ngành du lịch sẽ tập trung dòng khách MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện, khen thưởng) và khách trung - cao cấp từ các thị trường gần trong châu Á.
Đồng thời, Sở Du lịch cũng chuẩn bị công bố sản phẩm du lịch mới. Gần đây nhất, Sở vừa triển khai các gói du lịch golf nhằm thu hút nguồn khách du lịch cao cấp; phát triển kinh tế đêm tại các quận huyện trên địa bàn.
Đơn vị cũng phối hợp với Sở Công thương TPHCM đẩy mạnh chương trình khuyến mại mua sắm tại các Trung tâm thương mại, các cơ sở mua sắm đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; triển khai cuộc thi thiết kế hàng lưu niệm nhằm đưa ra các sản phẩm đa dạng.
Nhiều hoạt động văn hóa, du lịch từ nay đến dịp lễ 30/4-1/5
Từ ngày 6/4 đến ngày 9/4, UBND TPHCM giao Sở Du lịch TPHCM tổ chức "Ngày Hội du lịch TPHCM lần 19" tại Công viên 23/9 (quận 1, TPHCM).
Ngày hội du lịch với nhiều hoạt động phong phú và hấp dẫn như chương trình quảng bá giới thiệu du lịch nội địa; Tọa đàm Đào tạo và tuyển dụng ngành du lịch TPHCM năm 2023; Các cuộc thi gian hàng đẹp…
Dự kiến, Ngày hội Du lịch TPHCM 2023 có quy mô hơn 100 gian hàng hội chợ - triển lãm.
Từ ngày 20-23/4, tại khu Du lịch Văn Thánh, TPHCM sẽ diễn ra Lễ hội Văn hóa Ẩm thực, Món ngon 2023. Thực khách sẽ được thưởng thức các món ăn được chế biến từ các đầu bếp khách sạn 5 sao như Caravelle Sài Gòn, New World Sài Gòn, Rex Sài Gòn, Majestic Sài Gòn, Grand Sài Gòn... Bên cạnh đó, lễ hội năm nay còn có sự góp mặt của các đơn vị đến từ tỉnh Bến Tre, Tây Ninh...
Đến ngày 10/3 âm lịch (tức 29/4), tại khu du lịch văn hóa Suối Tiên sẽ tổ chức Lễ hội Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương, với chuỗi các hoạt động như nghi lễ dâng hương tưởng niệm long trọng tại đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương, Lễ rước kiệu "Quốc Tổ Hùng Vương vi hành miền đất tứ linh", chiêm ngưỡng không gian văn hóa lịch sử tại tượng đài Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, đền thờ Đinh Tiên Hoàng....
Hoàng Lê
Mời độc giả đọc những bài liên quan:
- 3 khảo sát đặc biệt và kế vực ngành công nghiệp tỷ đô của "vua hàng hiệu"
- Khách Tây than vì bị ép mua hai quả dừa giá 300.000 đồng
- Khách quốc tế "một đi không trở lại" vì nạn chặt chém, văn hóa nói thách
- Ế khách quốc tế chưa từng thấy, giám đốc công ty du lịch bán khách sạn để trả nợ
Nội dung: Nguyễn Vy
Ảnh: Hoàng Giám, Hải Long