(Dân trí) - Nguồn vốn vay từ QĐ 22 đã làm thay đổi cuộc đời nhiều người từng mang án. Thêm một người tốt lên, xã hội sẽ bớt đi một mối lo, an ninh trật tự được đảm bảo, bình yên cuộc sống được giữ vững ổn định...

Theo Đại úy Nguyễn Đình Dũng, Trưởng Công an xã Hội Sơn (Anh Sơn, Nghệ An), trên địa bàn có 15 người chấp hành án trở về thuộc đối tượng được vay vốn theo Quyết định 22/2023/QĐ-TTg (QĐ 22) của Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở rà soát về tiêu chí và nhu cầu vay vốn, công an xã phối hợp chính quyền địa phương, Tổ tiết kiệm - vay vốn các xóm hoàn thiện hồ sơ đề nghị Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội huyện Anh Sơn cho 7 trường hợp. Nhờ công tác rà soát, thẩm định chặt chẽ, cả 7 hồ sơ vay vốn đều được phía ngân hàng chấp thuận và giải ngân 100 triệu đồng/trường hợp.
"Người chấp hành xong án phạt tù, nếu không có việc làm, không có thu nhập, sẽ có xu hướng rời nơi cư trú, gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như tăng các mối nguy cơ tiếp tục bị lôi kéo, dụ dỗ thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Nếu được tạo cơ hội về việc làm, về nguồn vốn, được quan tâm, động viên kịp thời, họ sẽ có động lực để quyết tâm làm lại cuộc đời.

Cả 7 trường hợp được vay vốn theo QĐ 22 trên địa bàn xã, qua theo dõi, đều chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, đồng thời phát huy tốt nguồn vốn vay, bước đầu có cuộc sống ổn định, có người đã vươn lên thành hộ khá", Đại úy Nguyễn Đình Dũng thông tin.
Trong quá trình giám sát quá trình sử dụng nguồn vốn, lực lượng công an xã cũng thường xuyên gặp gỡ, động viên, tạo được sự tin cậy đối với người chấp hành án trở về. Không ít trường hợp đã xem công an xã như "kênh tư vấn" về đường hướng phát triển kinh tế, hay chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống cũng như các mối quan hệ xã hội...
Theo chân Đại úy Dũng, chúng tôi đến thăm mô hình vườn rừng của ông Trần Văn H. (trú xã Hội Sơn, Anh Sơn, Nghệ An), 1 trong 7 trường hợp được vay vốn theo QĐ 22.
Quá khứ, ông H. không muốn nhắc lại nhiều. Câu chuyện giữa người đàn ông từng mang hai bản án và Trưởng Công an xã xoay quanh vụ sắn đang thu hoạch, về chiếc máy cày ông H. vừa mua.
"Khi tôi trở về, có người tin, có người không tin tôi có thể làm lại được. Nhưng tôi may mắn khi có vợ con, có làng xóm, có công an xã động viên, hỗ trợ, giúp đỡ để hôm nay, có thể tự hào với thành quả kinh tế của mình.
Được vay vốn ưu đãi 100 triệu đồng, tôi thêm vào mua máy cày, chủ động trong sản xuất trang trại và có thêm thu nhập từ công việc cày bừa thuê cho bà con. Đối với tôi, đây không chỉ là nguồn vốn, hơn hết là sự tin tưởng của các cấp, các ngành để có thêm động lực, quyết tâm làm giàu ngay chính nơi mình đã mắc sai lầm", ông H. tâm sự.

Theo Trung tá Hà Thị Hồng, Phó đội trưởng Đội Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp Công an huyện Anh Sơn, tính đến hết năm 2024, toàn huyện có 487 người chấp hành xong án phạt tù trở về dưới 5 năm. Có 40 trường hợp làm hồ sơ vay vốn ưu đãi theo QĐ 22, trong đó có 36 hồ sơ được giải ngân số tiền hơn 3,1 tỷ đồng.
"Trước khi có QĐ 22, người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương khó tiếp cận các nguồn vốn vay. Bởi vậy QĐ 22 của Thủ tướng Chính phủ là một quyết định mang tính đột phá và tính nhân văn sâu sắc. Nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp, thời hạn trả dài, thực sự là cứu cánh của nhiều trường hợp chấp hành án trở về.
Điều đặc biệt của QĐ 22 là không cho phép ai, từ công an, chính quyền địa phương các cấp, ngân hàng và gia đình, đứng ngoài nhiệm vụ giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng để họ tốt lên mỗi ngày", Trung tá Hà Thị Hồng nói.
Cùng chung quan điểm này, Đại úy Trương Xuân Luân, Phó đội trưởng Đội Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp Công an huyện Nghi Lộc, đánh giá cao hiệu quả, tác động toàn diện, mạnh mẽ của QĐ 22 đối với công tác tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn huyện.

Theo thống kê, huyện Nghi Lộc là địa bàn có người chấp hành xong án phạt tù tương đối lớn. Riêng năm 2024, địa phương này tiếp nhận 168 đối tượng được tha tù trở về. Bởi vậy, công tác tái hòa nhập cộng đồng, giúp đỡ người từng phạm tội hoàn lương, ổn định cuộc sống, từ đó góp phần ngăn ngừa tái phạm tội đặt lên vai lực lượng công an huyện và công an cấp xã nhiều nhiệm vụ nặng nề.
QĐ 22 không chỉ "giải cơn khát" về nguồn vốn để phát triển kinh tế đối với người lầm lỡ, giúp họ gây dựng lại cuộc sống sau khi ra tù, mà đã phát huy hiệu quả thiết thực, rõ nét đối với công tác tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn.
"Thêm một người tốt lên, xã hội sẽ bớt đi một mối lo, an ninh trật tự được đảm bảo, bình yên cuộc sống vì thế sẽ được giữ vững ổn định", Đại úy Luân đúc kết.


Theo Đại úy Trương Xuân Luân, số lượng người được vay vốn theo QĐ 22 mới chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với người chấp hành án trở về địa phương đang quản lý trên địa bàn. Đặc biệt, mới chỉ có 1 cơ sở kinh doanh được giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi này.
Theo quy định, các cơ sở sản xuất kinh doanh phải sử dụng 10% lao động là người chấp hành xong án phạt tù đáp ứng đủ điều kiện, có thực hiện ký hợp đồng lao động mới đủ điều kiện vay vốn. Tiêu chí này nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh tuyển dụng lao động là người chấp hành xong án trở về, tuy nhiên, đối với doanh nghiệp có quy mô nhiều lao động, thường khó đáp ứng điều kiện về tỉ lệ 10% lao động là người tái hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân cũng được chỉ ra, công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trong việc vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù còn hạn chế. Bởi vậy, tỷ lệ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc còn thấp, dẫn tới số doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi theo QĐ 22 chưa cao.
Đánh giá cao hiệu quả của chính sách tín dụng nhân văn theo QĐ 22, tuy nhiên, Thượng tá Nguyễn Văn Thuận, Phó Trưởng Công an huyện Anh Sơn cho rằng, hạn mức cho vay chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh của phần lớn người vay vốn.

"Hạn mức tối đa mỗi cá nhân được vay 100 triệu đồng chỉ đủ để đáp ứng tối thiểu cho trường hợp vay mở cơ sở sản xuất nhỏ hoặc chăn nuôi hộ gia đình, buôn bán nhỏ lẻ, chứ chưa đủ nguồn lực để mở cơ sở sản xuất kinh doanh theo nhu cầu thị trường", Thượng tá Thuận nói.
Về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Hữu Thịnh, Trưởng phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đã tiếp thu ý kiến, kiến nghị của công an các địa phương. Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Nghệ An tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh để kiến nghị Bộ Công an đề xuất Chính phủ nâng mức vốn vay đối với người chấp hành xong án phạt tù lên hơn 100 triệu đồng/người đối với các trường hợp sử dụng vốn vay có hiệu quả để phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, đề xuất Chính phủ nghiên cứu, điều chỉnh và ban hành cơ chế rộng rãi hơn đối với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tiếp nhận lao động là người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn (có thể được vay vốn nhiều hơn, trên cơ sở số lượng người lao động được tiếp nhận và khả năng, quy mô của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh) để khuyến khích, hỗ trợ họ trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Thực tế với địa phương có người chấp hành xong án phạt tù trở về đông như Nghệ An, trong thời gian tới, dự báo số người có nhu cầu vay sẽ tăng cao. Công an tỉnh Nghệ An cũng đề xuất UBND tỉnh và UBND các huyện, ngoài nguồn vốn của Chính phủ cấp cho Ngân hàng Chính sách, hàng năm bố trí ngân sách bổ sung vào nguồn vốn cho vay để giúp thêm nhiều người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Nội dung: Hoàng Lam - Thanh Hòa