Hơn 880.000 lao động thiếu việc làm

Xuân Hinh

(Dân trí) - Theo thống kê, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II là 50,5 triệu người, tăng 504.000 người so với quý trước. Có hơn 880.000 lao động thiếu việc làm, giảm 447.000 người.

Hơn 880.000 lao động thiếu việc làm - 1

Lực lượng lao động theo quý, 2020 - 2022, đơn vị tính: triệu người (Ảnh: Tổng cục Thống kê).

Tổng cục Thống kê vừa có thông báo về tình hình lao động, việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2022. Theo đó, thị trường lao động đang tiếp tục có sự phục hồi tốt, tỉ lệ người dân có việc làm tăng, thất nghiệp giảm, thu nhập bình quân tháng tăng.

Cụ thể, số lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II là 51,6 triệu người, tăng hơn 400.000 người so với quý trước và tăng gần 600.000 người so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, lao động ở cả hai khu vực nông thôn và thành thị đều tăng (tương ứng tăng 300.000 người và 100.000 người), lực lượng lao động nữ tăng 300.000 người, nam tăng 200.000 người. So với cùng kỳ năm trước, lực lượng lao động tăng ở khu vực thành thị tăng 600.000 và giảm 60.000 người ở khu vực nông thôn.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý II là 68,5%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước. Trong đó, của nữ là 62,6%, thấp hơn 12,2 điểm phần trăm so với nam (74,8%). Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khu vực thành thị là 66,1%, trong khi đó tỷ lệ này ở nông thôn là 70,1%.

Xem xét theo nhóm tuổi, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn ở các nhóm tuổi rất trẻ và nhóm tuổi già, trong đó chênh lệch nhiều nhất được ghi nhận ở nhóm 55 tuổi trở lên (thành thị: 33,5%; nông thôn: 46,7%) và nhóm từ 15-24 tuổi (thành thị: 36,3%; nông thôn: 44,9%).

Như vậy, người dân tại khu vực nông thôn gia nhập thị trường lao động sớm hơn và rời bỏ thị trường muộn hơn khá nhiều so với khu vực thành thị; đây là đặc điểm điển hình của thị trường lao động với cơ cấu lao động tham gia ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao.

Hơn 880.000 lao động thiếu việc làm - 2

Số người và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động theo quý, 2020-2022 (Ảnh: Tổng cục Thống kê).

Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý II năm 2022 là 26,2%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Trong tổng số 23,7 triệu người từ 15 tuổi trở lên không tham gia thị trường lao động (ngoài lực lượng lao động) của quý II, có 12,7 triệu người trong độ tuổi lao động, tập trung nhiều nhất ở nhóm 15-19 tuổi (5,9 triệu người).

Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II là 50,5 triệu người, tăng 504.000 người (tương ứng tăng 1,01%) so với quý trước và tăng 701,8 nghìn người (tương ứng tăng 1,41%) so với cùng kỳ năm trước.

Lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,7 triệu người (tăng 127.000 người so với quý trước và tăng 673.000 người so với cùng kỳ năm trước), và ở khu vực nông thôn là 31,9 triệu người (tăng 376.000 người so với quý trước và tăng 27.000 người so với cùng kỳ năm trước).

Trong quý II năm 2022, lao động có việc làm trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản là 13,9 triệu người, tăng 12,6 nghìn người với quý trước và tăng 138,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng có 16,8 triệu người đang làm việc, tăng 62,1 nghìn người so với quý trước, và tăng 210,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; lao động có việc làm trong ngành dịch vụ là 19,8 triệu người, tăng 429,8 nghìn người so với quý trước và tăng 353,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý II, có hơn 880.000 lao động thiếu việc làm, giảm 447.000 người so với quý trước và giảm 263,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 1,96%, giảm 1,05 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,64 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị thấp hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 1,37% và 2,32%). Như vậy, tình hình thiếu việc làm của người lao động đã được cải thiện đáng kể với tỷ lệ này giảm ở cả khu vực thành thị và nông thôn (tương ứng là 2,39% và 3,40% ở quý I năm 2022)[3].