Vì sao "rừng bê tông" mọc ở đường Lê Văn Lương?
Báo Dân trí gần đây đã công bố kết luận thanh tra công tác quy hoạch, quản lý xây dựng khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, thuộc khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội).
Những cái sai như "nhồi" cao ốc sau khi di dời cơ quan, không ưu tiên xây dựng công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe... đã được chỉ ra. Với người dân thì thực trạng "rừng bê tông" này không xa lạ vì nó đã tồn tại hai chục năm nay giữa Thủ đô. Là một công dân Hà Nội, tôi đã và đang nếm trải cảnh tắc đường, khói bụi mỗi khi có việc đi qua tuyến đường này. Câu hỏi đặt ra là tại sao mật độ sai sót về quy hoạch và quản lý đầu tư xây dựng lại tập trung cao như vậy? Có nhiều lý do, trong đó theo tôi một trong những lý do quan trọng nhất: Đây là khu vực đất vàng. Với đất vàng, nếu không quản lý chặt chẽ thì thay vì phát triển đô thị đúng nghĩa, người ta sẽ chỉ phát triển các dự án bất động sản. Cuối cùng đó đơn thuần là các chung cư bê tông nằm cạnh nhau chứ không phải một không gian sống cho người dân với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công cộng…Và mỗi mét vuông đều được bán giá rất cao.
Tuyến đường nêu trên bắt đầu hình thành vào khoảng năm 2000-2005, như một khởi đầu mở rộng Hà Nội về phía Tây (lúc đó là tỉnh Hà Tây). Hẳn nhiều người sẽ thắc mắc thủa ban đầu nó được quy hoạch ra sao để rồi hiện nay lại thành ra như thế. Nói về quy hoạch, tôi nghĩ rằng các kiến trúc sư đều nhận thức rõ công việc của mình, họ vẽ ra bản quy hoạch đẹp đẽ không khó, nhưng để các bản quy hoạch ấy trở thành công cụ giao cho ai lập dự án, sẽ khai thác thế nào? Ai hưởng lợi? Đó là những vấn đề ngoài tầm tay của họ. Ví dụ, sơ đồ quy hoạch phát triển không gian của một công viên sẽ được vẽ màu xanh cây cỏ như vốn dĩ công viên phải vậy - là lá phổi của thành phố, nơi vui chơi giải trí, rèn luyện sức khỏe của người dân sau những giờ làm việc căng thẳng. Nhưng bản đồ quy hoạch sử dụng đất sau đó thì người ta có thể xén một góc công viên và tô mầu nâu chú thích là đất công cộng, để dọn đường cho việc giao đất xây dựng khách sạn chẳng hạn. Những sự "đổi mầu" bản vẽ quy hoạch như vậy mang lại lợi ích nhóm nhỏ, còn cộng đồng xã hội thì nhận đủ thua thiệt.
Chúng ta đang thiếu cơ chế minh bạch toàn bộ thông tin liên quan đến quy hoạch sử dụng đất để cộng đồng, xã hội giám sát. Bởi vậy mới phát sinh các vụ việc thực hiện "đúng quy trình" song vẫn cho ra kết quả sai tai hại.
Giờ đây, hàng chục tòa nhà cao tầng nhồi vào một khu vực nhỏ dẫn đến chất lượng sống đô thị suy giảm, nhưng "cắt ngọn" hay chỉnh sửa các công trình đã dày đặc dân cư là việc làm không tưởng. Khi cơ quan chức năng vào cuộc, đưa ra kết luận và xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan thì người dân được an ủi phần nào. Tuy nhiên, điều người dân mong đợi hơn là làm sao chỉnh sửa, bổ sung hạ tầng kỹ thuật và xã hội đang thiếu hụt giữa "rừng bê tông". Việc này dù là trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức làm sai song chắc chắn sẽ vượt quá năng lực của họ.
Một sự đã rồi thì không thể thay đổi được nữa. Vậy thời gian tới, giải pháp nào để các nhà quản lý đô thị sửa các bản quy hoạch yếu kém và có công cụ giám sát, đánh giá kịp thời nhằm ngăn chặn các sai phạm? Tôi nghĩ rằng chúng ta phải chấm dứt "độc quyền quy hoạch" và mở rộng lĩnh vực này để huy động trí tuệ xã hội vào quá trình xây dựng cũng như quản lý quy hoạch. Một điều may mắn cho Hà Nội là trong khi nhiều cơ quan đang loay hoay "chuyển đổi số" thì toàn bộ bản đồ quy hoạch thủ đô đã được các công ty công nghệ số hóa, giúp người dân dễ dàng truy cập trên điện thoại, máy tính.
Chúng ta cũng cần áp dụng mô hình tổ chức và công cụ mới. Chẳng hạn, thay việc vẽ tay trên máy bằng hệ thống thông tin địa lý (GIS - Geographic Information System) kèm theo phân tích giải đoán hình ảnh phân giải cao với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI). Việc áp dụng công nghệ sẽ giúp không chỉ các nhà quản lý mà cả xã hội cập nhật hiện trạng quy hoạch, xây dựng, môi trường, giao thông… theo thời gian thực. Một thay đổi nhỏ về xây dựng so với quy hoạch sẽ được phát hiện ngay. Việc này các nước trên thế giới và các nước cạnh ta như Campuchia đã dùng để quản lý nước, đất ruộng và đất rừng, chỉ Hà Nội là chưa có.
Tác giả: Ông Trần Huy Ánh là Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, đồng thời là nhà nghiên cứu về lịch sử kiến trúc và xây dựng Thủ đô qua các thời kỳ.
Bài cùng tác giả: Cứ mưa là ngập!
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!