Tâm điểm
Vân Thiêng

"Không thể chậm trễ hơn được nữa"

Trong hơn 3 tháng qua, kể từ khi Tổng Bí thư Tô Lâm công bố bài viết "Tinh- Gọn-Mạnh - Hiệu năng- Hiệu lực- Hiệu quả" và các cấp có thẩm quyền triển khai chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy, những gì đã và đang diễn ra cho thấy cả hệ thống chính trị chuyển động rất khẩn trương và mạnh mẽ.

Có thể nói là cuộc cách mạng về tinh gọn về tổ chức bộ máy được thực hiện đúng với tinh thần "cách mạng", và đúng với tinh thần phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 1/12/2024: "Hiện nay đã là thời điểm, thời cơ; là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả hay chưa? Câu trả lời là: Không thể chậm trễ hơn được nữa".

Chúng ta phải nói thật với nhau rằng, theo tư duy thông thường, hơn 3 tháng là quãng thời gian khá ngắn để triển khai một chủ trương lớn, thế nhưng thực tiễn chứng minh rằng chủ trương ấy đã nhanh chóng chuyển hóa thành những bản kế hoạch hành động dứt khoát, cụ thể ở tất cả các cơ quan từ trung ương đến địa phương.

Đến nay, các Ban Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận đoàn thể… đều đã xây dựng đề án sắp xếp với lộ trình, số lượng đơn vị cấp Ban, Bộ, Cục, Vụ, Viện… phải sáp nhập, tinh giản được công bố công khai.

Không thể chậm trễ hơn được nữa - 1

Công trường đường dây 500kV mạch 3 (Ảnh: Nam Anh)

Báo cáo của Bộ Nội vụ mới đây cho biết, bộ máy của Chính phủ sau khi sắp xếp dự kiến có 17 bộ, cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ, cơ quan) và 5 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 3 cơ quan). Về tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan, dự kiến sẽ giảm tới hơn 4.250 đầu mối. Trong đó, giảm 100% tổng cục, gần 86% cục và tổ chức tương đương; giảm hơn 54% vụ và tương đương; giảm gần 92% chi cục và tương đương. Cụ thể là: dự kiến giảm 13/13 tổng cục, 519 cục, 219 vụ, 3.303 chi cục, 203 đơn vị sự nghiệp công lập (chưa tính việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng).

Ở Trung ương, đến 15/1, các kênh truyền hình Nhân dân, Thông tấn, Quốc hội, VOVTV, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC đã chính thức dừng phát sóng theo yêu cầu của Ban chỉ đạo. Một số tạp chí của các ban Đảng đang thực hiện việc sáp nhập về Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân dân…

Các địa phương cũng đã chủ động xây dựng phương án sáp nhập, tinh gọn bộ máy các ban đảng, sở, ngành, giảm cấp trung gian với tỉ lệ bình quân 20% đầu mối, khắc phục tình trạng chồng chéo trong quản lý điều hành, để bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn. Bắc Ninh là một trong những tỉnh đầu tiên sáp nhập Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Dân vận Tỉnh ủy, Quảng Ngãi sáp nhập Sở Ngoại vụ về Văn phòng ủy ban; nhiều tỉnh thành sáp nhập Đài truyền hình cấp tỉnh, Báo Đảng địa phương, Cổng thông tin điện tử thành Trung tâm truyền thông của tỉnh như mô hình mà Quảng Ninh, Bình Phước đã làm từ mấy năm nay…

Chỉ trong thời gian ngắn trong tháng 12/2024, Chính phủ đã ban hành liền 3 Nghị định 177, 178, 179/ NĐ- CP với nhiều chính sách ưu đãi vượt trội phục vụ cho việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy gắn với đổi mới và nâng cao chất lượng công vụ, giữ chân cán bộ giỏi, khuyến khích người tài vào làm việc trong bộ máy nhà nước. Nhiều cán bộ lãnh đạo sở, ngành, lãnh đạo cấp huyện đã tự nguyện xin nghỉ hưu sớm, tạo điều kiện cho việc sắp xếp bộ máy và chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng bộ địa phương nhiệm kỳ tới.

Trên đây là công việc tinh gọn bộ máy của cả hệ thống chính trị, hay như chúng ta vẫn thường nói là những việc quốc gia đại sự. Còn ở các địa phương, những công việc tuy không phải cấp quốc gia song rất quan trọng, chẳng hạn như việc "hồi sinh" sông Tô Lịch ở Hà Nội, cũng đang chuyển động với tốc độ khẩn trương cần thiết.

Trong diễn biến mới nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa đồng ý và giao cho thành phố Hà Nội thực hiện việc bố trí vốn, lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án bổ cập nước sông Hồng để hồi sinh sông Tô Lịch. Cái gật đầu đồng ý của người đứng đầu Chính phủ sáng 14/1, tức là chỉ 1 tuần, sau khi UBND thành phố Hà Nội có văn bản trình Thủ tướng xin phép đầu tư dự án trong trường hợp khẩn cấp, nhằm cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch và môi trường cảnh quan thủ đô.  

Lãnh đạo thành phố Hà Nội hẳn sẽ rất vui mừng và thêm quyết tâm khi trước đó đã đặt ra mục tiêu hoàn thành công trình trước ngày 2/9 năm nay. Người dân Hà Nội hẳn sẽ còn vui hơn vì chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, nước sông Tô Lịch hứa hẹn sẽ xanh trong, môi trường sống sẽ được cải thiện.  

Không chỉ sông Tô Lịch, mà Thủ tướng còn yêu cầu xây dựng và triển khai ngay các đề án, dự án để huy động nguồn lực xử lý ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông tại Hà Nội, làm sống lại các dòng sông chết, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân… như những gì mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội hôm 27/11/2024. 

Chuyện làm sạch sông Tô Lịch đã được đề cập đến từ lâu với không ít những hội nghị, hội thảo được tổ chức cùng nhiều phương án thử nghiệm. Nhưng có lẽ, chỉ được xử lý dứt điểm khi dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đi vào hoạt động chính thức, và sông Tô Lịch sẽ có dòng chảy khi được bổ cập một lượng nước đủ lớn từ sông Hồng.  

Điều đó chỉ có thể là kết quả của tinh thần quyết đoán từ người lãnh đạo, cùng sự khẩn trương, tích cực, thấy đúng không thể không ủng hộ, không thể không làm, đã làm là hiệu quả của mỗi cán bộ, đảng viên và cả bộ máy.   

Từ chuyện quốc gia đại sự cho đến những việc quan trọng ở địa phương, không khí dựng xây đang diễn ra khẩn trương, hiệu quả và truyền cảm hứng tích cực. Gần đây, dễ thấy nhất là công trình đường dây 500kv mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên). Chỉ hơn 7 tháng huy động tổng lực để thi công, dự án đã hoàn thành, dòng điện từ miền Trung đã vượt nắng thắng mưa ra Bắc, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.  

Hay như việc phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc. Chưa bao giờ tiến độ thi công các dự án hạ tầng lại khẩn trương như vậy. Nếu như trước năm 2010, cả nước mới chỉ hoàn thành 1.163 km đường cao tốc, bình quân 78km/năm, thì giai đoạn 2015-2024, tốc độ xây dựng đã tăng lên 443km/năm. Đặc biệt là trong 3 năm gần đây (2021-2024), cả nước đã hoàn thành 858 km đường bộ cao tốc, gần bằng 20 năm trước cộng lại, để cả nước có hơn 2.000 km cao tốc đi vào khai thác. Với đà này thì mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc vào cuối năm nay và 5.000km vào năm 2030 sẽ không còn xa.

Đây thực sự là một điểm tựa vững chắc để chúng ta tự tin bắt tay xây dựng các đại dự án mới với nhịp độ nhanh và khẩn trương hơn nữa, nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng, đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Có thể nói rằng cả hệ thống chính trị đang chuyển động mạnh mẽ trên tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", "Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở". Thời cơ đã chín, tiềm lực đã đủ, đây là lúc phải hành động để không vuột mất cơ hội phát triển của đất nước. Thời gian lúc này không chỉ là tiền bạc, là nguồn lực, mà là cơ hội cho đất nước cất cánh. Chậm trễ, làm mất cơ hội là có tội với nhân dân, với đất nước. Những ai không chịu thay đổi, không chịu làm mới mình, không tự nâng mình lên ngang tầm nhiệm vụ là tự đào thải ra khỏi xu thế của thời đại, phải đứng sang một bên để không cản trở con đường đi tới của đất nước trên hành trình trở thành quốc gia giàu mạnh, hùng cường.

Tác giả: Ông Nguyễn Vân Thiêng là nhà báo với hơn 30 năm trong nghề, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!