Tiếng ồn ở khu dân cư: Sống trong sợ hãi!
Quốc gia đang phát triển nào cũng đầy ắp tiếng ồn: Xe cộ; công trường xây dựng; các hoạt động dân sinh… Và Việt Nam chắc chắn nằm trong nhóm ô nhiễm tiếng ồn hàng đầu. Báo chí đã tốn không biết bao nhiêu "bút mực" để cất tiếng kêu về thực trạng này, trong đó đặc biệt là vấn nạn karaoke, loa thùng hàng rong. Thậm chí đã có án mạng giữa những người hàng xóm chỉ vì không chịu nổi tiếng hát khủng khiếp bất kể ngày đêm.
Tình hình nghiêm trọng đến mức các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM đã phải mở các đợt cao điểm, còn Đà Nẵng thì lập đội phản ứng nhanh về xử lý tiếng ồn. Nhưng cũng chỉ được dăm bữa nửa tháng rồi lại tái diễn, hoặc có giảm nhưng không triệt để. Chính quyền địa phương nhìn chung đều cấm mở loa to sau 21-22h đêm, nhưng nhiều khi lệnh cấm chỉ nằm trên giấy. Mới đây, có du khách phản ánh, ngủ tại khách sạn ở gần bờ biển Đà Nẵng, loa công suất lớn đập ầm ầm cả đêm tới tận 5h sáng và chỉ 6h lại tiếp tục. Đi nghỉ mà như vậy thì quả là tra tấn!
Trong các loại ô nhiễm tiếng ồn thì đáng sợ nhất là nó diễn ra ở khu dân cư. Bởi vì đây là nơi người ta về nhà mong được nghỉ ngơi yên tĩnh sau ngày làm việc vất vả, song khi đôi tai bị tra tấn thì lại chỉ muốn… lao ra khỏi nhà.
Mấy năm trước tôi sống ở một tòa nhà chung cư phía tây thành phố, hàng xóm hầu hết là những gia đình trẻ, trí thức, khá dễ chịu. Cho đến một ngày, khi họ bớt trẻ hơn, những đứa con của họ bắt đầu tập piano. Chung cư giá rẻ, cách âm không tốt, và buổi tối của tôi, những buổi sáng cuối tuần của tôi, không còn yên ả nữa. Dù không phải là nàng Elise nhưng tôi được gửi thư thông qua tiếng đàn từ các căn hộ của họ triền miên. Tất nhiên, tôi không thể cứ thế sang nhắc nhở, một phần vì không muốn trở thành một ông già khó tính trong mắt hàng xóm. Và cũng không thể suốt ngày làm phiền ban quản lý tòa nhà, vì họ không có thiết bị đo để xác định tiếng ồn do piano gây ra có vượt mức cho phép hay không.
Khi có điều kiện, tôi chuyển về một khu đô thị ngoại ô, khi đó đang được coi là lựa chọn của những người yêu thiên nhiên và thích sự yên tĩnh. Ban đầu, đó là một lựa chọn tuyệt vời. Sau đó vì khu đô thị có không gian rộng lớn, nên các công trình vẫn tiếp tục mọc lên, với tiếng máy thi công cơ giới suốt ngày đêm. Vì khu đô thị có nhiều cây xanh, nên trở thành khu vui chơi cuối tuần của người dân khắp những vùng phụ cận. Khi đó, tôi nhận ra, việc sống chung với tiếng ồn trong khu dân cư là điều không thể kháng cự, nếu như cơ quan quản lý không có những công cụ luật pháp đủ mạnh, và dễ thực thi để kiểm soát từ nguồn gây ô nhiễm.
Thực tế thì Luật bảo vệ môi trường 2014 cũng đã quy định khá chi tiết về việc xử phạt vi phạm hành chính về việc gây ô nhiễm tiếng ồn, với chế tài khá mạnh kèm theo. Tuy nhiên, để các quy định trên được thực thi lại không dễ. Ban quản lý các khu dân cư không có thẩm quyền xử phạt, không có năng lực xác định lỗi (thiết bị hợp quy để đo tiếng ồn)… Do đó, theo tôi việc cần làm và khả thi hơn, là kiểm soát nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn.
Nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư là gì? Chúng ta có thể chỉ ra một số nguồn phổ biến: Các hoạt động dịch vụ vui chơi giải trí; các thiết bị âm thanh; các hoạt động giao thông; các hoạt động thi công…
Nếu không kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm, chúng ta sẽ không thể làm gì nếu chỉ dựa vào ý thức sử dụng của người dân. Nhưng kiểm soát như thế nào? Không cấp phép dịch vụ vui chơi giải trí, karaoke trong khu dân cư, hoặc quy định khoảng cách an toàn với đơn vị dân cư, và cần được sự đồng ý của một tỷ lệ nhất định cư dân trong phạm vi ảnh hưởng là một giải pháp.
Quy định thời gian thi công và giải pháp chống ồn đối với các công trường là cần thiết.
Xử lý nghiêm các hành vi mua bán, sử dụng các phụ kiện phương tiện giao thông gây tiếng ồn vượt quy định như ống pô, còi xe…
Quy định về công suất các thiết bị âm thanh khuyến cáo không nên sử dụng trong gia đình, đặc biệt ở các khu chung cư.
Kiểm soát đầu nguồn sẽ khả thi hơn so với việc tuần tra, đo kiểm để phát hiện vi phạm ô nhiễm tiếng ồn. Kiểm soát đầu nguồn có thể không quy định chi tiết để triệt tiêu hoàn toàn các nguồn gây ô nhiễm. Song, nó có thể hạn chế tối đa khả năng gây ô nhiễm tiếng ồn. Nhưng quan trọng hơn, động thái này góp phần tác động tới ý thức của người dân về tầm quan trọng của việc giảm ô nhiễm tiếng ồn.
Ngoài ra, cũng cần xác định cơ quan làm đầu mối trong việc tham mưu chính quyền địa phương xử lý tình trạng nêu trên. Các ngành tài nguyên môi trường, văn hóa, y tế… đều liên quan đến vấn đề này, và có thể vì "đa ngành" nên sẽ không có cơ quan chịu trách nhiệm chính. Tôi cho rằng lực lượng làm nòng cốt trong việc xử lý tiếng ồn ở khu dân cư nên là ngành công an, vì am hiểu địa bàn và có thể phản ứng nhanh.
Theo nhiều chuyên gia y tế, ô nhiễm tiếng ồn hiện chỉ xếp sau ô nhiễm không khí về những tác động tiêu cực đến sức khỏe của người dân. Nếu người Việt không muốn tiếp tục sống trong sợ hãi tiếng ồn thì phải hành động ngay.
Tác giả: Nhà báo Phạm Trung Tuyến hiện là Phó giám đốc kênh radio Giao thông quốc gia 91 Mhz của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!