Nhiều học sinh gặp vấn đề sức khỏe tâm thần do tiếng ồn trường học
(Dân trí) - Khảo sát ở một số trường có cường độ tiếng ồn từ 75dB trở lên cho thấy, tỷ lệ học sinh đáp ứng mức độ lo âu vừa và nặng lên tới 70,2%, đáp ứng mức độ trầm cảm vừa và nặng lên tới 60,9%.
Thực trạng đáng báo động
Tiếng ồn (đơn vị đo là dB) được định nghĩa là những âm thanh không mong muốn, gây khó chịu cho người nghe. Ô nhiễm tiếng ồn có thể gây hậu quả lớn đến sức khỏe cộng đồng, do đó Tổ chức Y tế thế giới đã lấy ngày 25/4 làm ngày "Quốc tế phòng chống tiếng ồn" để nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này.
Nằm trong các thành phố lớn, trường học là nơi có nguy cơ ô nhiễm tiếng ồn cao. Theo Hội phòng chống tiếng ồn và điếc thế giới, trong điều kiện trường học, ngưỡng tiếng ồn dưới mức 50dB đảm bảo cho học tập, tiếp thu tốt. Tiếng ồn 70dB ảnh hưởng đến tư duy, học tập. Tiếng ồn trên 80dB sẽ gây tác hại về cả tinh thần và thể chất như nghe kém, điếc nếu tiếp xúc hàng ngày.
Tại Việt Nam, Thông tư số 24 ngày 30/06/2016 của Bộ Y tế "Quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn - mức tiếp xúc cho phép tiếng ồn tại nơi làm việc" chỉ rõ giới hạn cho phép mức áp suất âm tại các phòng lao động trí óc, nghiên cứu thiết kế, thống kê, lập chương trình máy tính, phòng thí nghiệm lý thuyết và xử lý số liệu thực nghiệm không vượt quá 55dB.
Thông tư số 39 ngày 16/12/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường "Quy định chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường" cũng nêu rõ, đối với khu vực đặc biệt (trong hàng rào của các cơ sở y tế, thư viện, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, đình, chùa…) cũng quy định giới hạn tiếng ồn không được vượt quá 55dB trong khoảng thời gian từ 6h - 21h mỗi ngày.
Tuy nhiên, một nghiên cứu khảo sát mức độ ô nhiễm tiếng ồn trên 431 trường phổ thông thuộc địa bàn Hà Nội của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Giáo dục, ĐH QGHN cho thấy: 100% trường phổ thông tại các quận nội thành bị ảnh hưởng ô nhiễm tiếng ồn từ môi trường bên ngoài với mức độ ồn từ 55-85Db, trong đó có trên 50% số trường có mức ô nhiễm tiếng ồn nghiêm trọng (trên 85 Db).
Học sinh và giáo viên đều chia sẻ, những nguồn tiếng ồn nội sinh trong trường làm họ khó chịu và dễ mất kiểm soát cảm xúc như: tiếng la hét, cười đùa của học sinh trong giờ ngoại khóa hoặc thể chất; tiếng rì rầm trò chuyện của học sinh trong lớp; tiếng ồn do xê dịch bàn ghế. Các nguồn tiếng ồn ngoại sinh (từ bên ngoài trường) gây ức chế và mất tập trung nhất cho giáo viên, học sinh gồm: tiếng ồn do các phương tiện giao thông gây ra; tiếng rao bằng loa của những người bán hàng rong; tiếng ồn từ việc trao đổi, mua bán trong chợ dân sinh hay tiếng ồn từ các công trình xây dựng gần đó.
Tiếng ồn xuất hiện thường xuyên và rất thường xuyên trong giờ học chính thức (27%), trong giờ học sinh tự đọc sách và tự học (34%) và thậm chí trong giờ nghỉ trưa (28,2%) của học sinh và thầy cô.
Nhiều học sinh biểu hiện stress, lo âu, trầm cảm do ô nhiễm tiếng ồn kéo dài
Kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Giáo dục, ĐH QGHN trên 924 học sinh đến từ nhiều trường THCS và THPT địa bàn Hà Nội cho thấy, mức độ tiếng ồn hiện tại có ảnh hưởng tiêu cực đến các khía cạnh cảm xúc, năng lực nhận thức và thể chất của học sinh. Tiếng ồn ảnh hưởng nhiều nhất đến sự tập trung chú ý của học sinh, làm các em bối rối và khó khăn hơn trong việc hiểu nội dung bài học. Nhiều em chia sẻ, trí nhớ dường như kém hơn, quên ngay sau khi được cô giáo hoặc các bạn nhắc nhở.
Cụ thể, theo thống kê, có 30% học sinh thường xuyên và rất thường xuyên bỏ lỡ một phần kiến thức quan trọng giáo viên giảng trên lớp; 26% không hiểu hướng dẫn nên không hoàn thành được nhiệm vụ; 20% mất tập trung trong giờ kiểm tra dẫn đến mất điểm do cẩu thả; 21,1% bỏ cuộc trong các nhiệm vụ đòi hỏi nỗ lực trí tuệ và 32% hay quên nhiệm vụ hoặc mất đồ cá nhân.
Tiếp xúc với tiếng ồn nhiều cũng khiến các em cảm thấy lo âu, căng thẳng, rơi vào trạng thái hoảng hốt, trở nên dễ cáu kỉnh và bực bội; có những lời nói bột phát, thiếu tôn trọng. Khảo sát ở một số trường có cường độ tiếng ồn từ 75dB trở lên cho thấy, tỷ lệ học sinh đáp ứng mức độ lo âu vừa và nặng lên tới 70,2%, đáp ứng mức độ trầm cảm vừa và nặng lên tới 60,9%; đáp ứng mức độ căng thẳng (stress) vừa và nặng chiếm 55%.
Bên cạnh đó, theo nhiều học sinh, tiếp xúc với những tiếng ồn bất ngờ cường độ cao cũng làm các em cảm thấy hoa mắt, nhìn mọi thứ mờ mờ. Kết thúc một tiết học với nhiều tiếng ồn, đa số thấy mệt mỏi hơn, một số có cảm giác ù tai, nhức đầu, đau tức vùng thượng vị và khó ngủ.
Tiếng ồn ảnh hưởng lớn đến tiến trình dạy học của giáo viên
Tiếng ồn không chỉ ảnh hưởng đến việc học và sức khỏe tâm thần của học sinh mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, sức khỏe tâm thần của giáo viên. Theo kết quả thu được từ khảo sát ý kiến 956 giáo viên của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Giáo dục, ĐH QGHN, có 37,7% giáo viên cho biết trường học của họ ở mức khá ồn và 31.4% thông tin trường học rất ồn so với mong đợi của họ.
Các nguồn tiếng ồn gây ra sự khó chịu lớn nhất đối với giáo viên là âm thanh từ thiết bị điện tử, từ các cuộc trò chuyện, sự va chạm của đồ vật, tiếng hét của học sinh, hoạt động của các câu lạc bộ, giao thông, công trình xây dựng, cửa hàng bên ngoài và các hộ dân xung quanh.
Hệ lụy của tiếng ồn ảnh hưởng khá lớn đến tiến trình dạy học của giáo viên. Do học sinh thường tận dụng tiếng ồn trong lớp để tranh thủ nói chuyện và làm việc riêng, giáo viên mất thời gian hơn để ổn định, quản lý hành vi học sinh, thay vì tập trung vào bài giảng. Nhiều giáo viên cho rằng tiếng ồn cắt ngang đã làm sự thăng hoa trong bài giảng giảm sút, nhiều lúc giáo viên không thể tiếp tục giảng và phải xin lỗi học sinh.
Chịu đựng tiếng ồn cũng làm giảm khả năng chịu đựng của giáo viên. Khung thời gian các thầy cô dễ mất kiểm soát cảm xúc nhất là cuối buổi chiều, khi chuẩn bị kết thúc một ngày dạy học. Dưới ảnh hưởng của tiếng ồn, nhiều thầy cô cũng gặp khó khăn hơn khi phải ghi nhớ các cuộc hẹn hay sắp xếp lại công việc liên quan đến bài giảng. Bên cạnh đó, khó tập trung vào những điều học trò và giáo viên khác nói với mình kể cả khi họ nói trực tiếp; hay quên; hay mắc các sai lầm do bất cẩn.
Cũng giống như học sinh, càng phơi nhiễm với nhiều nguồn tiếng ồn, giáo viên càng có xu hướng gặp khó khăn về cảm xúc như lo âu, căng thẳng, mệt mỏi và dễ cáu gắt. Các thầy cô cũng có xu hướng gặp nhiều vấn đề thực thể như nhức đầu, ù tai, cảm giác hoa mắt và thị lực ảnh hưởng... Tuy nhiên, với những giáo viên có thâm niên lâu năm, mức hài lòng với nghề giáo cao, khả năng đề kháng với tiếng ồn trường học thường tốt hơn.
Giải pháp cải thiện ô nhiễm tiếng ồn trong trường học
Hiện nay, các trường học đều có những giải pháp cụ thể để giảm tiếng ồn, tuy nhiên chưa bền vững.
Giải pháp được sử dụng thường xuyên và được đánh giá có hiệu quả nhất là đóng cửa sổ để ngăn tiếng ồn. Nhưng giải pháp này chỉ ngăn được tiếng ồn ngoại sinh bên ngoài ảnh hưởng đến lớp học, không ngăn được tiếng ồn nội sinh như tiếng rì rầm nói chuyện của học sinh, tiếng xê dịch bàn ghế,… Việc đóng cửa sổ cũng không thể thực hiện được vào mùa hè, khi nhiều trường chưa đủ điều kiện lắp đặt điều hòa hay điều kiện thông khí tốt.
Giải pháp thứ hai là giáo viên và học sinh nói to hơn để át được tiếng ồn nội sinh. Tuy nhiên, hệ quả là làm tăng mức độ căng thẳng, khiến cả cô và trò đều rất mệt.
Nhóm giải pháp thứ ba là thiết lập các quy định về tiếng ồn trong trường, ví dụ các khẩu hiệu nhắc nhở đi nhẹ, nói khẽ tại khu vực công cộng, khu vực giảng đường và thư viện. Thế nhưng, giải pháp này cũng không thể hạn chế được tiếng ồn ngoại sinh do phương tiện giao thông, tiếng ồn từ khu dân cư, máy móc vận hành tại các công trình xây dựng xung quanh.
Một số nhà trường cũng thực hiện những giải pháp khác như trang bị hệ thống cách âm mới: làm lại hệ thống cửa hoặc thêm tấm ngăn cửa bằng cao su non để tăng hiệu quả cách âm; cho phép học sinh đeo tai nghe cá nhân chống lại tiếng ồn trong giờ tự học;....
Để xây dựng môi trường học đường an toàn, giúp học sinh, giáo viên trở nên hạnh phúc, việc dạy và học được hiệu quả, vấn đề ô nhiễm tiếng ồn cần được nhìn nhận đúng và có những biện pháp hạn chế. Tôi cho rằng có một số nhóm giải pháp về chính sách cần thực hiện ngay.
Thứ nhất, rà soát các quy hoạch đô thị, cấp phép xây dựng... để đảm bảo có quy định về điều kiện giảm thiểu tiếng ồn đô thị trong các nội dung khác nhau của quy hoạch hay quá trình cấp phép. Xây dựng chính sách cho việc thu phí của đơn vị phát sinh tiếng ồn. Giám sát, đánh giá mức độ thiệt hại do tiếng ồn gây ra cho trường học. Chi trả, bồi thường cho người bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn. Hỗ trợ kinh phí cho giáo viên công tác trong môi trường bị ô nhiễm tiếng ồn.
Thứ hai, trong mỗi nhà trường, cần ban hành các quy tắc ứng xử liên quan đến tiếng ồn. Nhà trường nên tư duy tổ chức hoạt động nghỉ giữa giờ phù hợp, tạo hứng thú cho học sinh để không để ý đến tiếng ồn, tăng khả năng tập trung và cân bằng tâm lý như: trò chơi đố vui, nghe một bản nhạc, hát đối đáp, tập thở, yoga...
Thứ ba, các nhà trường và tổ chức xã hội địa phương nên có sự phối hợp để giảm thiểu tiếng ồn ngoại sinh bằng cách nâng cao ý thức của người dân và vận động hạn chế ô nhiễm tiếng ồn từ các nhà hàng, siêu thị, hoặc các hoạt động sinh hoạt của người dân xung quanh trường học. Sử dụng rào chắn tiếng ồn, hạn chế lưu lượng xe lưu thông trên đường phố, lắp đặt biển báo giao thông hạn chế tốc độ và cấm sử dụng còi khi đi qua khu vực trường học.