Tâm điểm
Hoàng Lam

Mức xử phạt "xe điên" chưa đủ răn đe!

Chiều 3/4, ô tô 7 chỗ lao thẳng vào một cửa hàng bánh mỳ tại Đà Nẵng khiến 5 người bị thương nặng, trong đó có 2 trẻ em. Clip vụ tai nạn được đăng tải trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội khiến người xem không khỏi giật mình. Chiếc ô tô đã lao vào với tốc độ kinh hoàng và gần như san phẳng cửa hàng bánh mỳ. Các nạn nhân được đưa ra từ đống đổ nát và việc sống sót đối với họ dường như là kỳ tích. Tài xế điều khiển chiếc xe này được xác định có sử dụng rượu và ma túy, hiện đã bị công an tạm giữ để điều tra.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng có liên quan đến tài xế sử dụng ma túy. Nhiều độc giả hẳn vẫn còn nhớ vụ tai nạn xảy ra vào chiều 2/1/2019 tại tỉnh Long An, khi một chiếc xe container tông hàng loạt người đi xe máy đang dừng chờ đèn đỏ. Hậu quả 4 người thiệt mạng, 25 người khác bị thương. Tài xế Phạm Thành Hiếu, người điều khiển container nói trên đã sử dụng ma túy và rượu trước khi lái xe.

Người ta thường nhắc tới những chiếc "xe điên" với nhiều nỗi ám ảnh và sợ hãi, nhưng kỳ thực việc gây tai nạn đâu phải lỗi của chiếc xe!. Và người tham gia giao thông, hay thậm chí ngồi ngay trong nhà mình tưởng là an toàn, nhưng không biết rằng họ có thể trở thành nạn nhân của tài xế nào đó ôm vô lăng trong trình trạng say xỉn hoặc "phê" ma túy.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã đưa ra các biện pháp mạnh tay xử lý tài xế sử dụng rượu bia và ma túy. Tuy nhiên, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến chất kích thích đang có xu hướng gia tăng và gây hậu quả nghiêm trọng hơn.

Thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trong năm 2020 phát hiện 1.410 trường hợp lái xe dương tính với ma túy, tăng 59,5% so với năm 2019. Năm 2021, mặc dù Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 nhưng lực lượng Cảnh sát giao thông cả nước đã phát hiện và xử lý 161.324 trường hợp vi phạm nồng độ cồn và 1.802 lái xe dương tính với ma túy.

Dường như mức xử phạt 30-40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe đến 24 tháng đối với tài xế sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện vẫn chưa đủ sức răn đe.

Một thực tế là việc giám sát, sàng lọc, phát hiện và chấm dứt hợp đồng lao động đối với tài xế có sử dụng chất ma túy hiện mới chỉ được siết chặt tại các doanh nghiệp vận tải có trách nhiệm. Trong khi đó, đối với người điều khiển phương tiện cá nhân và các doanh nghiệp làm ăn chụp giật hay khoán trắng xe cho tài xế thì việc kiểm tra, phát hiện và xử lý không dễ dàng. Bởi lực lượng Cảnh sát giao thông không thể dừng tất cả phương tiện đang lưu thông trên đường để xét nghiệm tài xế.

Ngăn chặn tình trạng người sử dụng ma túy cầm vô lăng không chỉ trông chờ vào công tác tuần tra kiểm soát của lực lượng Cảnh sát giao thông và ý thức, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp vận tải. Việc thanh loại tài xế sử dụng ma túy cần phải có sự phối hợp giữa ngành y tế và giao thông trong việc siết chặt công tác quản lý, kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Chế tài mạnh hơn đối với tài xế có sử dụng ma túy là vấn đề cần làm ngay, bao gồm việc tước bằng lái vĩnh viễn nếu vi phạm ở mức độ nghiêm trọng. Các cơ quan quản lý cũng cần sửa đổi quy định theo hướng xem xét trách nhiệm hình sự đối với tài xế sử dụng ma túy ngay cả khi chưa có hậu quả xảy ra. Và khi tài xế vì sử dụng ma túy bị ảo giác mà gây ra các vụ tai nạn chết người đặc biệt nghiệm trọng, nên chăng xử lý về tội "Giết người", vốn có khung hình phạt cao hơn so với mức "kịch khung" 15 năm tù đối với tội "Vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ" như hiện nay.

Để chặn những chiếc "xe điên", nhất thiết phải ngăn người nghiện ma túy lái xe, bởi đó có thể là chiếc xe tội ác.