Miễn học phí THCS: Không phải mấy chục ngàn thì không cần giảm!

(Dân trí) - Việc thụ hưởng miễn học phí ở bậc THCS có thể xem quyền lợi của học sinh, trách nhiệm của nhà nước. Không thể nói vì đóng nhiều khoản thì cần gì giảm mấy chục học phí mà không bỏ việc thu học phí. Tuy nhiên, việc miễn học phí phải đi cùng việc bỏ các khoản thu vô lý ở trường học.

Bấp bênh miễn học phí THCS

Vấn đề miễn học phí bậc THCS đã được đặt ra từ lâu và gần đây được đưa vào Luật Giáo dục sửa đổi do Bộ GD-ĐT đề xuất nhưng chưa được Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ chấp nhận. Tháng 7/2018 chủ trương này được Chính phủ đồng ý thông qua Nghị quyết số 104/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ, tuy nhiên con đường miễn học phí còn rất bấp bênh.

TPHCM là nơi đầu tiên đề xuất được thực hiện việc miễn học phí bậc THCS bắt đầu từ đầu năm 2019 nhưng mong mỏi này đang không được chấp nhận.


Đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS công lập ở TPHCM chưa được chấp thuận (ảnh minh họa)

Đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS công lập ở TPHCM chưa được chấp thuận (ảnh minh họa)

Làm việc với ngành giáo dục đầu năm học 2018-2019, Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, thành phố sẽ tính toán và cân đối ngân sách để có thể miễn học phí cho HS THCS từ tháng 1/2019.

Sau đó, TPHCM gửi văn bản kiến nghị Bộ Tài chính về đề xuất miễn học phí THCS và cho biết, nguồn kinh phí để bù đắp chi phí khi miễn học phí bậc THCS sẽ cân đối từ ngân sách của thành phố nhưng bị từ chối.

Văn bản trả lời TPHCM, Bộ Tài chính thông tin, việc miễn học phí bậc THCS tại các trường công lập thuộc TPHCM thẩm quyền của Quốc hội. Việc quy định đối tượng không đóng học phí phải được quy định trong Luật Giáo dục - thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Ngoài ra, văn bản phản hồi của Bộ Tài chính cũng cho rằng việc miễn giảm học phí bậc THCS sẽ tạo sự không thống nhất giữa các gia đình có con theo học ở bậc THCS trên địa bàn TPHCM và các địa phương khác. Chưa kể, TPHCM là địa phương có thu nhập đầu người thuộc diện cao trong cả nước nên mức đóng học phí từ 85.000 đến 100.000 đồng/tháng/học sinh, theo Bộ Tài chính, không phải quá lớn, tạo gánh nặng cho cha mẹ HS.

Miễn không được, mới đây TPHCM lại tiếp tục đưa ra đề xuất giảm học phí cho bậc học này. Cụ thể giảm từ 100.000 đồng xuống còn 60.000 đồng/tháng/HS ở khu vực nhóm 1 và từ 85.000 đồng xuống còn 30.000 đồng.

Miễn học phí và bỏ các khoản vô thu vô lý

Không ít ý kiến cho rằng, việc tiền đóng học phí mỗi tháng chỉ vài chục ngàn đến trăm ngàn đồng tháng là không đáng kể, nhất là trong trường học hiện nay "sinh sôi nảy nở" đủ các loại phụ phí. Học phí chưa hẳn là gánh nặng đối với nhiều gia đình ở thành phố.

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu, giáo dục phản bác lập luận này. Với các chính sách giáo dục, điều gì cần vẫn phải làm, không thể dựa vào lý luận "chẳng đáng bao nhiêu, giảm làm gì".

PGS.TS Trần Hữu Quang cho rằng cần miễn học phí bậc THCS và các khoản thu vô lý trong trường học
PGS.TS Trần Hữu Quang cho rằng cần miễn học phí bậc THCS và các khoản thu vô lý trong trường học

Theo khảo sát "Từ phụ huynh đến nhà giáo" do TS Trần Hữu Quang thực hiện tại 5 tỉnh thành (TPHCM, Đăk Lăk, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang), có đến 56% phụ huynh cho rằng các khoản chi cho học hành của con là "nặng", trong đó 18% cho là "quá nặng", 38% ở mức "tương đối nặng".

Ngay cả TPHCM, ngay cả những hộ gia đình thuộc nhóm khá giả nhất cũng có tỷ lệ đáng kể nhận xét các khoản chi cho học hành của con là nặng, nhiều phụ huynh cũng thường xuyên không đủ sẵn tiền để đóng học phí và các khoản khác ở trường cho con.

Tại tọa đàm "Từ phụ huynh đến nhà giáo" do Viện Social Life tổ chức vừa diễn ra tại TPHCM, PGS.TS Trần Hữu Quang cho rằng chúng ta đang đi thụt lùi, trước năm 1975, trường công ở miền Bắc hay miền Nam đều hoàn toàn miễn phí. Các khoản thu" đẻ" ra giai đoạn khủng hoảng kinh tế xã hội đầu những năm trong thập niên 1980 với mục đích "hỗ trợ đời sống giáo viên", chỉ là biện pháp tình thế. Vậy nên bây giờ đã đến lúc cần phải xem xét và trả lại vấn đề về đúng chỗ.

Hiến pháp Việt Nam (sửa đổi tháng 12/2001) ghi "phải thực hiện phổ cập giáo dục THCS". Và cho dù tiểu học là "bắt buộc, miễn học phí" thì việc "phổ cập", theo ông Quang cũng đã bao hàm cả sự cưỡng bách và sự miễn phí. Vì nếu không hiểu như vậy thì không thể có đủ điều kiện để thực hiện sự "phổ cập".

Ông kiến nghị cần miễn phí hoàn toàn ở trường công lập cấp tiểu học và THCS. "Không chỉ miễn học phí mà phải bỏ tất cả các khoản thu vô lý trong nhà trường hiện nay, chỉ ngoại trừ những khoản thu chính đáng như tiền ăn bán trú, tiền xe đưa đón... Các khoản phi lý như tiền sổ học bạ, sơn bảng, tiền mua đèn, quạt, mua ghế ngồi ở sân chào cờ, tiền vệ sinh, bảo vệ... đương nhiên nhà trường công lập phải đảm nhiệm", TS Trần Hữu Quang thẳng thắn.

ThS Hồ Sỹ Anh, Hiến pháp những năm 1959, 1980 đều quy định giáo dục bắt buộc ở cấp học phổ thông và không thu học phí. Đây là tư tưởng giáo dục bắt buộc miễn phí đối với học sinh phổ thông là một quan điểm nhân văn và tiến bộ. Nhưng chúng ta chỉ mới áp dụng giáo dục bắt buộc và miễn phí đối với tiểu học. Do đó nảy sinh nhiều hệ lụy, mà nguy cơ lớn nhất là vào “bẫy giáo dục trung bình thấp”.

Nhiều người nói vài chục, vài trăm ngàn không đáng bao nhiêu. Theo ThS Hồ Sỹ Anh, việc của nhà nước là đảm bảo công bằng, dù giàu hay nghèo thì mỗi người vẫn có quyền lợi được hưởng chính sách từ nhà nước, kể cả 1.000 đồng.

"Tôi đã từng nhiều lần phải nói rằng chúng ta đừng bỏ một tư tưởng nhân văn. Cần phải thực hiện cho bằng được giáo dục bắt buộc miễn phí ít nhất đến cấp THCS như rất nhiều nước, kể cả những nước nghèo hơn Việt Nam đang làm. Campuchia cũng đã miễn học phí bậc THCS", ThS Hồ Sỹ Anh nêu quan điểm.

Hoài Nam