GS Đào Trọng Thi: "Miễn học phí THCS, đừng chờ nhau nữa"
(Dân trí) - "Miễn học phí cho cấp THCS rất tốt nhưng điều kiện ngân sách chưa thể triển khai đồng loạt trên cả nước thì địa phương nào có điều kiện, nên để họ thực hiện trước, đừng chờ nhau nữa".
Trên đây là ý kiến của GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về việc miễn học phí cho cấp THCS do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn vừa đề xuất.
Đầu tiên: "Tiền đâu"?
Năm 2018, ông đã rất tiếc nuối khi đề xuất tăng lương cho giáo viên và miễn học phí cấp THCS không được đề cập trong dự thảo luật cũng như trong tờ trình mà Bộ GD-ĐT thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ông nghĩ gì khi hôm qua (4/7), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tiếp tục đề xuất miễn học phí cho cấp THCS?
- Việc miễn học phí cho cấp THCS đã được Bộ GD-ĐT đề xuất nhiều lần. Nếu thực hiện được chủ trương này, chắc chắn rất tốt và không có lý do gì để trì hoãn nữa bởi THCS là cấp phổ cập nên đúng nghĩa mà nói, cần phải miễn học phí.
Sở dĩ chúng ta chưa thực hiện được chủ trương này vì chưa có điều kiện về mặt ngân sách. Nếu hiện nay, sau khi xem xét và có đủ điều kiện để miễn học phí cho cấp THCS thì không còn gì để bàn cãi.
Một chủ trương tốt, hầu hết các ý kiến đều không phản đối, vậy theo ông vì sao nhiều năm nay vẫn chưa thực hiện được?
- Tôi nghĩ rằng từ trước đến nay, khi đề xuất một vấn đề gì đó, Chính phủ phải cân nhắc vì không đảm bảo về mặt tài chính.
Mặc dù chủ trương tốt nhưng Chính phủ cần có thời gian chuẩn bị bởi đây là vấn đề lớn và phải có kế hoạch phân bổ ngân sách.
Do đó khi đưa vấn đề này ra để thảo luận, cho dù không có ý kiến nào phản đối nhưng chủ trương vẫn bị kéo dài nhiều năm bởi quan trọng là "tiền đâu".
Cấp THCS từ lâu được quy định là cấp học phổ cập. Theo ông, Nhà nước có nên tạo điều kiện hỗ trợ chi phí học tập để có tính ràng buộc phụ huynh thực hiện?
- Miễn học phí cho cấp THCS là mong ước cao cả nhưng cần có chiến lược dài hơi hơn.
Định hướng này đã được quy định trong hiến pháp. Hơn nữa, THCS đã được quy định từ lâu là cấp học phổ cập.
Đã phổ cập, không những Nhà nước phải tạo điều kiện cho con em học tập mà còn mang tính bắt buộc phụ huynh và học sinh thực hiện. Bắt thực hiện nhưng không tạo đủ điều kiện để các em thực hiện thì rất vô lý.
Ở các nước khác, phụ huynh không cho con em đến trường là bị ra tòa, không giống ở Việt Nam phải động viên, khuyến khích và tạo điều kiện.
Sở dĩ như vậy vì ở nước ngoài, một số nước có điều kiện, họ miễn học phí hoàn toàn cho cấp học phổ thông. Chẳng hạn ở Đức, học sinh phổ thông không những được miễn học phí mà còn được trợ cấp thêm.
Trong khi đó ở nước ta, chưa thể đưa yêu cầu lên cấp THCS là nghĩa vụ bắt buộc vì Nhà nước cũng chưa thực hiện được việc miễn học phí như cấp tiểu học.
Đừng chờ nhau nữa
Chúng ta đã tính toán và xem xét trong nhiều năm, liệu bây giờ có phải thời điểm thích hợp để miễn học phí cho cấp THCS, thưa ông?
- Nếu Bộ GD-ĐT đề xuất thực hiện chính sách này đồng loạt trên toàn quốc và sử dụng ngân sách của Nhà nước thì thuận tiện.
Vấn đề đặt ra, ở nước ta có nhiều chủ trương không ai phản đối nhưng vướng mắc lớn ở chỗ có cân đối được ngân sách hay không.
Mặc dù không ai phản đối việc ưu tiên cho các cháu nhưng không cân bằng được ngân sách thì đành chịu.
Và bởi năng lực tài chính có hạn nên tôi cho rằng, phải cân nhắc câu chữ sao cho người dân hiểu nghĩa vụ của Nhà nước đến đâu và khó khăn về điều kiện như thế nào.
Nếu chủ trương này không thể thực hiện, tôi nghĩ chúng ta phải chấp nhận và không thể trách được bởi hiện nay ngành nào cũng khó và ưu tiên 20% ngân sách cho Giáo dục đã là ưu tiên cao nhất trong tất cả các ngành.
Thời gian qua, một số địa phương đã chủ động miễn học phí cho con em. Nếu nhiều địa phương cũng thực hiện như vậy, theo ông liệu có phù hợp?
- Thời gian qua, một số địa phương như Hải Phòng đã miễn học phí cho học sinh. Từng tỉnh tự thực hiện việc miễn học phí cũng rất tốt nhưng cũng có một số bất cập.
Ở một số nước khác như Mỹ chẳng hạn, mỗi bang có ngân sách riêng và quyết định riêng về ngân sách ấy nên sự khác biệt giữa các địa phương sẽ không có vấn đề.
Trong khi đó ở Việt Nam, ngân sách Nhà nước là ngân sách thống nhất nên sẽ có những khó khăn riêng và không có sự công bằng giữa các địa phương với nhau. Chẳng hạn một học sinh ở Lào Cai về Hải Phòng học thì thế nào, rồi học sinh các tỉnh lân cận sẽ đổ dồn về địa phương ấy để học thì ra sao…?
Tất cả những vấn đề này có thể chỉ là trường hợp hy hữu và chưa phổ biến nhưng cũng phải đặt ra để tính toán, xem xét.
Trong trường hợp nếu chờ nhau nhiều quá, tôi cho rằng không nhất thiết phải thực hiện cùng lúc trên toàn quốc. Những địa phương nào đủ điều kiện, có thể triển khai trước, đừng chờ nhau nữa.
Trân trọng cám ơn ông!
Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 4/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc từ năm học 2022-2023.
Về nội dung này, Thủ tướng giao các cơ quan phối hợp, nghiên cứu đánh giá kỹ tác động. Bộ Tài chính tính toán các vấn đề liên quan tới ngân sách, theo tinh thần chung đã được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo là cần rà soát, có lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp, không gây khó khăn hơn cho người dân và học sinh.