Mở ra một giai đoạn thi cử văn minh và hiệu quả

(Dân trí) - Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015 kết thúc với sự đánh giá chung là hiệu quả, chất lượng. Những lo lắng trước kỳ thi đã được giải tỏa, mở ra một giai đoạn mới trong việc thi tốt nghiệp THPT và thi vào đại học. Đây được coi như một cuộc “cách mạng” trong lĩnh vực thi cử.

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Với thói quen tổ chức hai kỳ thi THPT và thi đại học kéo dài bao nhiêu năm qua thì việc thay đổi hoàn toàn không dễ dàng. Các chuyên gia giáo dục trăn trở nhiều năm với ý tưởng cải cách kỳ thi quan trọng này, phải mất 10 năm cho đến nay mới thực hiện được. Song, dù muộn cũng còn hơn không.

Hiệu quả trước tiên có thể thấy ngay đó là việc gộp hai kỳ thi thành một đã tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho toàn xã hội. Bao lâu này, phụ huynh và học sinh khổ sở, vất vả vì phải khăn gói đi thi hai lần. Ngành giáo dục, nhà trường, thầy cô cũng vất vả vì chuyện lo thi cử. Nay bớt được một nửa là tiết kiệm được một nửa. Lợi ích mang lại cho xã hội rất lớn.

Không chỉ những lợi ích trực tiếp mà giảm bớt một kỳ thi còn tạo ra lợi ích gián tiếp. Mỗi một kỳ thi là thí sinh tập trung, xáo trộn sinh hoạt ở các khu đô thị, ảnh hưởng tới giao thông. Bỏ bớt một kỳ thi, giảm bớt các ảnh hưởng tiêu cực lên xã hội.

Ở một góc nhìn khác, ngoài giảm áp lực nặng nề thi cử nhiều lần, còn có những cải cách trong việc ra đề thi. Các nhà soạn đề thi đã có những chuyển biến trong tư duy, thoát ly khỏi những khuôn thước cũ kỹ, ra đề thi mở, khơi dậy nguồn cảm hứng sáng tạo cho thí sinh.

Đề thi các môn được đánh giá làvừa sức, sát chương trình học, phù hợp với năng lực của học sinh, đồng thời bảo đảm phân loại được trình độ của thí sinh, đáp ứng yêu cầu cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và yêu cầu nâng cao để xét tuyển vào đại học, cao đẳng...

Điều này không chỉ có có ý nghĩa ở một bài thi cụ thể, một kỳ thi cụ thể, mà lan tỏa trong cộng đồng. Học sinh thế hệ tiếp theo sẽ có xu hướng suy nghĩ độc lập, sáng tạo, tìm tòi cái mới hơn là học vẹt, tiếp thu kiến thức kiểu áp đặt một chiều.

Đối với các chuyên gia giáo dục và người quan tâm đến nền quốc học thì sự thay đổi cách ra đề thi theo hướng mở là một sự cải cách quan trọng và rất căn bản. Với cải cách này, học sinh sẽ không còn máy móc trong học tập, học tủ kiến thức, nhồi nhét bộ đề và học thêm theo kiểu thụ động, mà chủ động trang bị kiến thức.

Sự thoát ly khỏi những bộ đề thi theo cách cũ chính là cảm hứng để học sinh sáng tạo. Việc này không dễ nhưng phải làm, bởi vì đây chính là một mục tiêu quan trọng của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Việc Phó thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Giáo dục và đào tạo trực tiếp kiểm tra các điểm thi, thăm hỏi thí sinh, chia sẻ khó khăn, lắng nghe tâm tư của các phụ huynh vả các hoạt động giúp đỡ cộng đồng, nhất là đối với thí sinh nghèo, ở địa bàn còn nhiều khó khăn… đã để lại những ấn tượng, tình cảm đẹp.

Trong kỳ thi này còn thể hiện sự đoàn kết, nỗ lực, góp sức chung tay của toàn xã hội, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương và người dân… tất cả vì sự nghiệp giáo dục-đào tạo đã kết nối, nhân lên những tấm lòng nhân ái cùng nhiều nghĩa cử cao đẹp.

Tuy vẫn còn một số vi phạm trong kỳ thi như hiện tượng mang điện thoại di động, đặc biệt là cả những thiết bị hiện đại vào phòng thi hay vẫn còn phao thi, song đó là điều khó tránh khỏi.

Cái được lớn hơn, sự thành công chiếm ưu thế, cho nên chúng ta có cơ sở để tin rằng, trong vài năm tới, việc thi cử sẽ khoa học, văn minh như các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến. Hy vọng rằng, trong tương lai không xa, kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức đơn giản nhưng hiệu quả, không nhọc nhằn như hàng chục năm qua.

Lê Chân Nhân


BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!