Tạm biệt trường chuyên cấp 2: Những vấn đề còn bỏ ngỏ
Vào đầu tháng này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết sẽ dừng tuyển sinh lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam từ năm học 2024 - 2025. Còn tại TPHCM, việc tuyển sinh lớp 6 Trường chuyên Trần Đại Nghĩa từ năm học 2024 - 2025 vẫn đang trong giai đoạn xây dựng đề án mới và chờ quyết định của thành phố. Về lâu dài, định hướng của TPHCM là tách Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa thành Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa có tư cách pháp nhân riêng.
Tranh cãi có nên duy trì trường chuyên từ cấp THCS trở lên đã diễn ra lâu nay với nhiều ý kiến khác nhau, cả ủng hộ và phản đối. Tuy nhiên, quy chế trường THPT chuyên và Luật Giáo dục nêu rõ từ năm học 2024 - 2025, trường THPT chuyên không được tuyển sinh lớp 6.
Việc "đóng" trường chuyên cấp 2 được xem là điều tất yếu bởi mô hình khối THCS trong trường chuyên, cụ thể là việc tồn tại hệ THCS ở Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam hay THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa không nằm trong quy định pháp lý nào. Các ý kiến ủng hộ cho rằng chủ trương này đảm bảo ở giai đoạn giáo dục cơ bản (tiểu học và THCS) "mọi trẻ em có điều kiện tiếp cận một nền giáo dục phổ thông tổng quát", duy trì bình đẳng trong giáo dục và bớt cảnh học sinh "vùi đầu" trong lò luyện thi từ cấp tiểu học…
Dù sao, không thể phủ nhận một thực tế là qua gần 30 năm tồn tại, hệ THCS trong các trường chuyên nhìn chung phát triển tốt, tuyển chọn và bồi dưỡng được rất nhiều học sinh giỏi. Không ít phụ huynh băn khoăn rằng, con em họ là học sinh ưu tú, có năng khiếu, vì vậy tốt nhất là cho các cháu này đi học chuyên sớm, mà vào cấp THCS là hợp lý. Một vấn đề quan trọng khác là gia đình họ không có điều kiện để cho con em theo học trường tư chất lượng cao, vì vậy khi thành phố "đóng" trường chuyên cấp 2 thì họ rất bối rối.
Như vậy ở đây cần giải quyết 2 vấn đề dường như mâu thuẫn. Một là tạo ra sự công bằng trong đầu tư vào hệ thống trường công, tránh chạy theo phong trào trường chuyên và tạo ra các lò luyện không cần thiết, làm hại cho sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ khi các em bị quá tải. Hai là cần làm gì để thúc đẩy khả năng học tập, phát huy năng khiếu cho các học sinh giỏi từ nhỏ.
Tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới, họ cũng gặp phải những vấn đề này khi giáo dục học sinh. Tuy nhiên, để giải quyết, họ dùng các cách thức khá linh hoạt.
Ví dụ như ở Mỹ, kể từ 1965 họ đã mở ra hệ thống trường chuyên (gọi là Magnet school) ở cả 3 cấp học tiểu học, THCS và PTTH. Hiện nước Mỹ có tới 3.000 trường chuyên loại này. Sở dĩ họ phát triển Magnet school là nhằm tạo điều kiện cho học sinh không bị phân biệt chủng tộc, có thể nhận được chất lượng giáo dục tốt nhất mà bỏ qua nguồn gốc xuất thân, màu da, thu nhập gia đình và sắc tộc của mình. Bởi vì những học sinh con nhà giàu có thể vào trung học tư thục nội trú hạng tốt nhất.
Cũng cần minh định rằng magnet schools là trường chuyên tập trung giúp các em phát triển trong sự nghiệp chứ không phải luyện thi quốc gia hay quốc tế, luyện "gà nòi". Họ quan trọng về việc học sinh phát triển kỹ năng phục vụ cho định hướng, sự nghiệp tương lai.
Tùy từng trường nhưng nói chung các trường chuyên kiểu này có cách tuyển sinh cực kỳ linh hoạt. Một số trường có quy trình tuyển sinh mang tính cạnh tranh, yêu cầu phải vượt qua bài kiểm tra đầu vào, phỏng vấn hoặc làm bài trắc nghiệm . Nhưng cũng có trường chọn tất cả học sinh nộp đơn hoặc sử dụng hệ thống xổ số trong số những học sinh nộp đơn. Một số trường thì dùng cách kết hợp cạnh tranh đầu vào qua thi cử và cả xổ số giữa những người nộp đơn.
Hầu hết các trường chuyên loại này tập trung vào một chuyên ngành hoặc lĩnh vực học tập cụ thể, trong khi những trường khác (chẳng hạn như các trường dạy bằng tú tài quốc tế) lại tập trung vào một lĩnh vực tổng quát hơn. Các chương trình chuyên có thể tập trung vào học thuật (toán học, khoa học tự nhiên và kỹ thuật ; nhân văn ; khoa học xã hội ; mỹ thuật hoặc nghệ thuật biểu diễn) hoặc có thể tập trung vào giáo dục kỹ thuật/dạy nghề/nông nghiệp. Học sinh sẽ được đưa đón miễn phí.
Ngoài hệ thống nêu trên, tại các trường công hay tư, mỗi trường cũng có thể chia ra thành các lớp thường, và các lớp khó hơn như lớp chuyên và lớp dự bị đại học (với học sinh PTTH). Những lớp khó này học sinh nào thấy có năng lực thì tự xin vào học. Nếu học trong 3 tuần mà không theo kịp thì trở về học lớp thường. Như vậy khỏi cần thi đầu vào và cũng khỏi cần lò luyện.
Sự đa dạng này cho phép phụ huynh và học sinh tha hồ có sự lựa chọn và cũng không cần nhức đầu chạy đua nếu thực sự không thích hay không phù hợp.
Và thật ra họ không hề coi tiêu chí của học sinh trường chuyên, lớp chuyên là phải đi thi học sinh giỏi và bắt buộc phải có thành tích theo chỉ tiêu. Là vì Mỹ có rất nhiều các kỳ thi học sinh giỏi. Những kỳ thi này chỉ mang tính chất yêu thích, chuyên sâu với ai có năng lực. Và cánh cửa của mọi kỳ thi này mở rất rộng với mọi người miễn đáp ứng quy định thi.
Ở vòng ngoài ai cũng có thể đăng ký thi bất kể giỏi hay dở, học trường chuyên hay trường không chuyên, thậm chí học ở nhà do cha mẹ dạy. Các em chỉ cần chọn ra nơi nào thi gần nhà mình nhất thì tới thi, sau khi đóng một ít lệ phí. Nếu đậu thì vào vòng trong, rớt thì thôi. Yếu tố quan trọng ở đây là tự nguyện và đam mê, ưa thích khám phá tìm tòi sáng tạo.
Vì vậy nên trường chuyên, lớp chuyên ở đây chỉ là nhằm đáp ứng nhu cầu của những học sinh có năng lực chuyên biệt nào đó cao hơn người bình thường. Và họ sẽ dạy sâu hơn, kỹ hơn để sau này các em có thể làm chủ và phát huy những kỹ năng nghề nghiệp mà mình có năng khiếu.
Từ mô hình kể trên, thiết nghĩ chúng ta có thể học hỏi cách "đa dạng hóa trường chuyên". Các đề xuất như "cổ phần hóa trường chuyên", trường tư chất lượng cao cấp học bổng cho các cháu học giỏi nhà nghèo (học bổng có thể do nhà trường hoặc ngân sách địa phương tài trợ)… đều cần thiết được nghiên cứu, xem xét.
Rào cản lớn nhất hiện nay, theo tôi là những góc nhìn không đồng thuận với sự tồn tại của "trường chuyên, lớp chọn" từ cấp THCS. Nhưng đừng quên rằng nhu cầu giáo dục trong một xã hội đang phát triển là rất đa dạng. Và thước đo hiệu quả cuối cùng của các trường chuyên, trên thế giới nói chung, là đào tạo ra những học sinh tài năng nổi bật cho từng ngành học mà các em đã được đào tạo tập trung, ví dụ như khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nghệ thuật...
Với cách tiếp cận như vậy, tôi cho rằng chúng ta tạm biệt trường chuyên cấp 2, nhưng vấn đề chưa đóng lại mà còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ.
Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!