Khi phụ huynh thở dài "mùa thu… mùa chi"
Ngoài các khoản thu đúng theo quy định, không ít nơi phát sinh các loại phí khiến phụ huynh phải xì xào bàn tán.
Hồi cuối tháng 8, báo Dân trí phản ánh trường hợp mỗi học sinh lớp 1C tại Trường Tiểu học Kỳ Trinh (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) phải đóng 550.000 đồng tiền bàn ghế, 173.000 đồng tiền bảng, 250.000 đồng quỹ lớp và rèm cửa. Tổng cộng mỗi em phải đóng 973.000 đồng. Hai lớp 1 khác, mỗi học sinh cũng đóng khoảng 1 triệu đồng.
Nhiều phụ huynh băn khoăn việc học sinh lớp 1 phải đóng tiền bàn ghế, bảng, rèm cửa là không đúng quy định. Tuy nhiên giáo viên chủ nhiệm cho rằng "phụ huynh nào không đồng ý nộp, sang tuần không có bàn, ghế cho con em mình ngồi học thì tự chịu trách nhiệm".
Tuy cuối cùng sự việc đã khép lại khi cô giáo nhận lỗi phát ngôn, ngành giáo dục và chính quyền địa phương đã rút kinh nghiệm, song đã để lại một chuyện ồn ào không hay ngay đầu năm học.
Vấn đề là việc phát sinh các khoản thu dưới hình thức "tự nguyện" như ở Trường tiểu học Kỳ Trinh, có thể là nhà trường thông qua các thầy cô giáo thu trực tiếp hoặc thu qua hội phụ huynh, không phải là cá biệt. Lên công cụ tìm kiếm và gõ từ khóa "lạm thu" trong lĩnh vực giáo dục, dễ thấy tình trạng đã kéo dài nhiều năm nay và phát sinh ở nhiều nơi.
Ngoài các khoản tiền đầu năm học như sách giáo khoa, đồng phục, học phí, tiền bán trú, giáo cụ phục vụ chương trình tiên tiến thì còn nhiều khoản thu khác như mua sắm điều hòa, rèm cửa, trang trí lớp, cây cảnh, ghế nhựa… Thành ra, mỗi đầu năm học lại là "mùa thu" của nhà trường và "mùa chi" của phụ huynh.
Đã đành các khoản đóng góp, cho dù ngoài quy định, thì cũng hướng tới cải thiện cơ sở vật chất nhà trường, phục vụ học sinh và đội ngũ thầy cô giáo. Nhưng các bậc phụ huynh có lý do khi thắc mắc "chẳng hiểu thế nào mà hết đồng phục lớp đến đồng phục trường, năm nay màu vàng sang năm lại đổi sang màu đỏ"; "vở thì phải dùng vở in logo trường"... Nhà có con gần tuổi nhau, muốn em "thừa kế" đồ cũ của anh chị để lại cũng khó!
Với các gia đình có điều kiện không nói làm gì, nhưng đông đảo phụ huynh thu nhập thấp thì không khỏi "chới với" vì các khoản thu dồn dập đầu năm học.
Hầu hết khoản đóng góp ngoài học phí được liệt kê ở trên đều dựa trên sự "tự nguyện", lấy ý kiến thông qua hội phụ huynh đầu năm học rồi mới triển khai. Nhiều người dù "bằng mặt không bằng lòng", dù cảm thấy gánh nặng với tiền trường mỗi khi vào năm học mới nhưng họ cũng đành cố gắng "gồng" vì không muốn con thua thiệt.
Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT đã quy định về các khoản mà ban đại diện cha mẹ học sinh (hội phụ huynh) không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học. Vậy nhưng vì sao vẫn còn nhiều trường không tuân thủ? Nếu nói đóng góp trên tinh thần tự nguyện, vậy nếu không tự nguyện thì học sinh có bị ảnh hưởng, bị phân biệt đối xử trong quá trình theo học ở trường?
Ở đây, hội phụ huynh thay vì trở thành cầu nối giữa gia đình học sinh và thầy cô giáo, nhà trường thì lại trở thành nơi hợp thức hóa các khoản thu, thậm chí có những khoản sai quy định.
Có lẽ trước những ồn ào về chuyện "lạm thu" đầu năm học, Trường THCS Lê Quý Đôn (TPHCM) đã yêu cầu phụ huynh không đóng góp quỹ lớp, quỹ khuyến học, thậm chí cả quỹ phụ huynh; phụ huynh nào muốn tài trợ cho nhà trường phải có văn bản đồng ý của Phòng Giáo dục và Đào tạo. Nhiều ý kiến ủng hộ quan điểm rõ ràng, minh bạch của Trường THCS Lê Quý Đôn và câu hỏi được đặt ra là, "vì sao trường này làm được mà các trường khác thì không?".
Vì sao đã có Thông tư 55 năm 2011 và Thông tư 16 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng bức xúc vẫn kéo dài năm này sang năm khác mà không thể giải quyết rốt ráo?
Quan niệm truyền thống của người Việt Nam là "tôn sư trọng đạo", "Muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy", vì vậy khi đứng trước các khoản thu liên quan đến chuyện học hành của con em mình, tâm lý thông thường của đa số phụ huynh là dù thấy hợp lý hay không cũng cố gắng xoay xở đóng góp.
Vì vậy để giải quyết rốt ráo vấn đề nêu trên, thiết nghĩ trước hết các nhà trường phải gương mẫu trong việc thực hiện các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, công khai chuyện thu chi như cách Trường THCS Lê Quý Đôn đã làm.
Các hội phụ huynh cần hoạt động đúng với chức năng theo tên gọi, tránh chỉ làm mỗi việc hợp thức hóa các khoản "phụ thu". Nếu các phụ huynh thực sự có điều kiện và muốn tài trợ cho lớp học, cho nhà trường thì hãy để đó thực sự là một hành động tự nguyện chứ không phải làm theo thông báo của nhà trường, của giáo viên.
Về phía các cơ quan quản lý cần sớm rà soát, bổ sung quy định về huy động nguồn lực đóng góp tự nguyện trong các trường học; hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện đúng việc quản lý thu, chi tài chính, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "lạm thu" đầu năm học.
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!