Hà Nội: Quán bún đông nghẹt khách, chủ quán "vã mồ hôi" phục vụ
(Dân trí) - Những ngày này, nhiều quán quán ở Hà Nội luôn trong tình trạng đông khách từ sáng đến tối. Trong đó, các món bún được nhiều người lựa chọn vì phù hợp giải ngấy sau Tết.
Từ ngày mùng 1 Tết, hàng nghìn lượt khách đã đổ về Phủ Tây Hồ (Hà Nội) để lễ bái đầu năm. Các quán ăn, nhà hàng nằm dọc theo lối vào khu di tích luôn trong tình trạng đông khách, nhân viên không có thời gian nghỉ tay suốt mấy ngày qua.
Tay nhanh thoăn thoắt đóng gói bánh tôm cho khách, anh Tú (chủ nhà hàng Phương Dung) tất tả chạy vào sắp xếp chỗ ngồi cho những người đang chờ. Các dãy bàn được kê bên ngoài và trong quán đều kín chỗ từ đêm 30 Tết.
Được biết, quán của anh Tú đã hoạt động được 30 năm do bố mẹ lập nên. Ngày còn bé, anh đã phụ giúp cả nhà những việc lặt vặt nên không còn xa lạ với cảnh đông đúc dịp Tết.
Năm nay, quán mở cửa xuyên Tết. Để đáp ứng được số lượng khách tăng đột biến, người đàn ông này phải huy động thêm 15 nhân viên, đóng cửa lúc 22h tức muộn hơn 1 tiếng so với bình thường.
Khách đông nhất vào khung giờ trưa và tối, chủ yếu chọn bún ốc và bún cá. Từ sau đêm giao thừa đến nay, nhà hàng này chưa có lúc nào ngơi khách.
"Lượng khách gấp 10 lần so với ngày thường. Giá bán mỗi tô bún tăng thêm 10.000 đồng. Bún cá, bún ốc được nhiều thực khách lựa chọn, vì món ăn này phù hợp để giải ngấy sau những ngày thưởng thức cỗ Tết.
Tuy công việc vất vả hơn, nhưng ai cũng vui vẻ, mong muốn làm hài lòng bà con về lễ Phủ Tây Hồ", anh Tú cho biết.
Ngoài bún, mặt hàng bánh tôm cũng được nhiều khách đi lễ lựa chọn. Giá bán dao động 200.000 đồng-230.000 đồng/hộp, cao hơn so với ngày thường 40.000 đồng - 50.000 đồng/hộp. Theo lời các chủ cửa hàng, giá bán của loại bánh này phụ thuộc vào giá tôm, nên có sự thay đổi.
Với lượng khách đi lễ đầu năm đông, hàng nghìn chiếc bánh tôm được xếp thành tháp cao, nhanh chóng vơi dần sau khi chiên xong. Khách thường mua 3-5 hộp để ăn và làm quà cho người thân. Mỗi quán trung bình bán được 1.000-2.000 hộp/ngày.
Cách đó 30m, quán bún và bánh tôm của anh Uông Thế Tuấn (chủ nhà hàng Bảo Vi) cũng đông đúc không kém. Đầu xuân, vợ chồng anh phục vụ khách khoảng 3.000 tô bún mỗi ngày.
Khách vừa ngồi xuống, nhân viên vội vã chạy tới ghi yêu cầu rồi nhanh chóng trao cho anh Tuấn để chuẩn bị. Sau vài phút, các tô bún bốc khói nóng hổi, thơm nức mùi gia vị được đặt trên bàn.
Nhóm khách này vừa đứng lên, đoàn khác đã ngồi xuống, nhân viên thoăn thoắt cả ngày, không có một phút nghỉ ngơi.
Từ trước Tết, hai vợ chồng anh Tuấn đã lên phương án đặt các nguyên liệu bún, ốc, cá... để đầu mối cung cấp hàng ngày, tránh tình trạng khách vào chỗ ngồi nhưng hết đồ ăn. Ngày thường, khách chủ yếu tập trung ăn vào khung giờ trưa và tối. Sau Tết, khách đến quán đông đúc gần như cả ngày.
"Tôi đứng chuẩn bị bún cho khách từ 9h sáng đến 21h, không có lúc nào nghỉ tay. Sau khi đóng cửa, hai vợ chồng bắt tay chuẩn bị nguyên liệu cho ngày hôm sau đến tận nửa đêm. Công việc vất vả, toát mồ hôi phục vụ khách cả ngày, nhưng làm nghề đã lâu năm rồi cũng thành quen.
Đầu năm, nhìn không khí bà con đi lễ bái nhộn nhịp, trong lòng mỗi người cũng thấy phấn chấn", anh Tuấn tâm sự.
Theo anh Tuấn, cách đây vài chục năm, khi dân số Thủ đô còn ít, lượng khách chưa đông như bây giờ. Những năm qua, dòng phương tiện kín mít từ ngày mùng 1 Tết. Nhờ sự điều tiết của lực lượng chức năng nên không có tình trạng lộn xộn, bà con kinh doanh thuận lợi hơn.
Đã thành thông lệ, vào ngày mùng 4 Tết hàng năm, chị Phan Thị Hạnh (sống ở Đông Anh, Hà Nội) cùng một số thành viên trong gia đình đều đi lễ ở phủ Tây Hồ. Đường vào khu di tích hơi ùn tắc, nhưng công tác an ninh trật tự đảm bảo, nên người phụ nữ cảm thấy chuyến du xuân trọn vẹn niềm vui.
Bún ốc là lựa chọn quen thuộc của chị Hạnh sau khi lễ bái xong. Lượng khách đông hơn ngày thường nhưng nhân viên phục vụ nhanh chóng, không phải chờ đợi lâu.
"Chỉ sau 5 phút, chúng tôi đã có đồ ăn nóng hổi. Đầu năm, quán ăn nào cũng đông khách, dù nhân viên phục vụ chậm, mọi người đều hoàn toàn thông cảm. Tết năm nào cũng vậy, cứ đến Phủ Tây Hồ, tôi đều ăn bún ốc để lấy may", chị Hạnh cho biết.
Tại khu vực phố cổ, nhiều quán bún và cháo cũng ở trong tình trạng đông khách.
Tranh thủ ngày nghỉ Tết cuối cùng trước khi trở lại với guồng quay công việc, vợ chồng chị Lê Ngọc (sống ở Hà Đông) đưa hai con đi dạo phố.
Do nhiều quán chưa mở cửa nên chị Ngọc khá vất vả khi muốn tìm chỗ ăn sáng. Nhìn thấy quán cháo trên phố Hàng Điếu tấp nập khách ra vào, hai vợ chồng vội tấp xe vào lề đường để mua. Vì lượng khách đông nên chị phải xếp hàng gần 10 phút.
Nhiều thực khách cho biết, muốn ăn cháo để cân bằng lại cơ thể sau những ngày "ngập" trong bánh chưng, giò chả, thịt gà... Ngoài hàng chục khách xì xụp ăn cháo, một số người khác kiên nhẫn xếp hàng mua về nhà.
Quán có bán 4 loại cháo gồm: Cháo quẩy, quẩy ruốc và cháo dành cho trẻ em. Giá bán từ 26 Tết đến hết mùng 5 tăng 5.000 đồng/bát so với ngày thường. Đây là mức giá dễ chịu với mọi người dịp đầu năm.
"Lúc tôi vào, quán đông khách đến nỗi không còn một bàn trống nào. Giá bán chỉ tăng nhẹ không đáng kể nên khách kéo đến nườm nượp. Vì khách đông nên chủ quán phải thường xuyên nhắc nhở mọi người xếp xe gọn gàng, đứng thành hai hàng tránh ảnh hưởng đến giao thông", chị Ngọc cho biết.