Chuyển đổi số báo chí: Những kinh nghiệm từ thực tiễn
Chuyển đổi số là câu chuyện nóng hiện nay, và một trong băn khoăn đối với những cơ quan báo chí chưa xây dựng được đội ngũ công nghệ mạnh trong tòa soạn. Nếu không có nhân viên công nghệ trong tay thì phải làm thế nào trong cuộc đua về lĩnh vực này?
Nhìn ra quốc tế, có rất nhiều mẫu hình báo chí - công nghệ (media-tech: các cơ quan báo chí nhưng phát triển mạnh mảng công nghệ, bên cạnh xu hướng tech-media: các công ty công nghệ đầu tư phát triển nội dung) nở rộ và rất thành công, chẳng hạn như New York Times, Washington Post, Financial Times ở Mỹ, Axel Springer, Schibsted, Hubert Burda, BBC ở châu Âu hay Times of India, South China Morning Post, SPH ở châu Á. Song ở Việt Nam, không nhiều cơ quan báo chí có thể xây dựng đơn vị công nghệ thật chuyên nghiệp, mà lý do chính là quá tốn kém và các cơ quan báo chí truyền thống không có năng lực quản trị trong lĩnh vực này.
Trong trường hợp đó, nếu tìm được đối tác công nghệ phù hợp thì dường như thuê ngoài là một giải pháp hiệu quả về chi phí. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng thuê ngoài sẽ giúp các cơ quan báo chí tiết kiệm thời gian và không phải chật vật tuyển dụng, thậm chí ra mắt sản phẩm mới nhanh hơn là sử dụng đội ngũ công nghệ riêng.
Năm 2002, khi Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) xây dựng trang thông tin đối ngoại, công việc thiết kế được giao cho Trung tâm kỹ thuật với đông đảo nhân sự nhưng chưa chuyên sâu về lập trình nên chỉ có vài nhân viên thiết kế web. Website ra đời, hệ thống quản trị nội dung (CMS) khá đơn giản nhưng nhìn giao diện thì cũng giống như hầu hết các website tin tức khác trên thế giới. Không lâu sau đó, chúng tôi có cơ hội tiếp cận với một số CMS của nước ngoài, tích hợp cả phần thiết kế báo in lẫn phần quản trị ngân sách quảng cáo rất thông minh. Song trở ngại lớn nhất là kinh phí. Khoản đầu tư lên tới hàng trăm ngàn đôla cho một hệ thống CMS giống như câu chuyện viễn tưởng không ai dám mơ tới.
Khi TTXVN quyết định ra báo điện tử VietnamPlus, chúng tôi bắt tay với một đối tác công nghệ lớn ở trong nước và thử nghiệm thành công một website tin tức có thể cá nhân hóa giao diện: người dùng có thể đổi màu toàn bộ trang web theo cảm xúc của bản thân. Khi đó trên thế giới chỉ duy nhất website của BBC News đi theo hướng này. Chúng tôi còn tiến một bước xa hơn là xây dựng giao diện trang chủ thành các khối tin, và người dùng có thể di chuyển các khối tin tùy ý - chẳng hạn người thích xem tin chính trị thì di chuyển khối tin chính trị lên trên, người thích xem tin thể thao cũng có thể làm điều tương tự. Ngặt nỗi, thử nghiệm với ít người dùng thì không sao, đến khi hoạt động vào cuối năm 2008 với hàng trăm hàng nghìn người muốn trải nghiệm tính năng tùy biến này thì hệ thống không đáp ứng nổi. Cùng một số lỗi khác, website liên tục lâm vào trình trạng bị treo cho tới khi chúng tôi quyết định đập bỏ và xây mới CMS cùng một đối tác khác, chính thức đưa vào hoạt động giữa năm 2009. Và họ đã trở thành đối tác công nghệ chiến lược của VietnamPlus cho tới tận ngày hôm nay, tức là kéo dài suốt 13 năm qua.
Trong một bài viết mới đây trên mục Sản phẩm & Công nghệ của Hiệp hội Truyền thông Tin tức Quốc tế (INMA), trưởng bộ phận sản phẩm của HT Labs có trụ sở tại New Delhi, ông Zafar Sawant, khẳng định "Đối tác công nghệ có nguồn lực thỏa đáng có thể tiến hành công việc ngay lập tức. Nếu sớm xác định rõ mục tiêu và các mốc thời gian cụ thể thì đội ngũ làm sản phẩm sẽ đáp ứng hạn chót đề ra mà gặp rất ít trục trặc".
Làm việc với đối tác công nghệ còn có một lợi điểm là khi sản phẩm làm ra không phù hợp với thị trường, thì cũng dễ dàng chuyển đổi hoặc giảm tải nguồn lực mà không ảnh hưởng gì đến bộ máy.
Đương nhiên, trước khi chọn đối tác công nghệ, nhất là đối tác chiến lược, thì cần phải nghiên cứu kỹ: phải xem họ có đủ nguồn lực phù hợp hay không; đã có những kinh nghiệm gì trong lĩnh vực đó; có những chuyên gia giỏi hay không; họ đã thực hiện các dự án với quy mô tương tự chưa và kết quả ra sao, mất thời gian bao lâu; và mức chi phí đưa ra có hợp lý hay không.
Cũng cần chấp nhận một thực tế rằng, dù đã điều tra nghiên cứu kỹ càng nhưng không phải lúc nào đối tác công nghệ cũng đạt được hiệu quả mà các cơ quan báo chí mong đợi hoặc thậm chí đã được ghi rõ trong hợp đồng. Vì thế, để phòng tránh những điều rủi ro, các cơ quan báo chí cần đưa một kế hoạch dự phòng vào thỏa thuận với đối tác công nghệ, để buộc họ phải chịu trách nhiệm nếu dự án không theo đúng tiến độ cam kết hoặc không đạt tiêu chuẩn.
Các nhà nghiên cứu gợi ý rằng hầu hết công việc phát triển phần mềm dành cho các cơ quan báo chí đều có thể thuê ngoài, song với các module cốt lõi thì "lý tưởng nhất là tự xây dựng". Nếu có thể đảm đương phần việc này thì cơ quan báo chí mới có thể giành ưu thế cạnh tranh. Thuê một đối tác bên ngoài có thể khá rủi ro vì các công ty công nghệ thường cung cấp dịch vụ cho nhiều khách hàng khác nhau. Đối với những cơ quan báo chí có quy mô nhỏ, lời gợi ý hữu ích này rất khó thực hiện.
Trong trường hợp của báo điện tử VietnamPlus và hiện tại là báo Nhân Dân (dù không phải là cơ quan báo chí nhỏ nhưng chưa xây dựng được đội ngũ công nghệ mạnh), kinh nghiệm là phải có được sự cam kết rõ ràng của đối tác công nghệ về việc không sử dụng những tính năng riêng phát triển thêm theo thỏa thuận với cơ quan báo chí này cho các khách hàng khác. Quan trọng hơn là những sáng tạo theo đề xuất của cơ quan báo chí hấp dẫn tới mức đối tác công nghệ muốn hợp tác lâu dài, để chính họ cũng học hỏi và cải tiến hệ thống lõi của mình.
Tác giả: Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!