Áp lực "khủng khiếp" vào trường công lập
Phóng viên Hoài Nam báo Dân trí vừa phản ánh nỗi lo của một bà mẹ ở TPHCM trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT của con. Chị đã chuẩn bị tinh thần cho kỳ thi với mong muốn con mình đỗ vào trường công lập từ hai năm trước. Càng gần kỳ thi thì nỗi lo lắng, căng thẳng càng tăng lên khiến chị phải đi gặp bác sĩ và được kết luận bị rối loạn tâm lý, cần đến sự hỗ trợ của thuốc.
Câu chuyện trên phần nào cho thấy áp lực khủng khiếp của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, không chỉ với các em học sinh mà với các bậc phụ huynh. Tại thành phố Vinh (Nghệ An), áp lực vào trường công lập với thí sinh và gia đình các em cũng nặng nề tương tự các địa phương khác. Nếu không tính Trường THPT chuyên Phan Bội Châu - thông thường các em học lực rất tốt mới đủ khả năng thi đỗ và tuyển sinh toàn tỉnh, thì thành phố có 3 trường THPT công lập nhưng 2 trường không tuyển sinh nguyện vọng 2. Trong khi đó, năm nay số thí sinh dự thi tăng 900 em so với năm ngoái. Đồng nghĩa thí sinh và phụ huynh phải thực sự cân não khi lựa chọn đăng ký trường nào để "chắc" suất vào lớp 10.
Hiện nay hệ thống trường công, trường tư ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM khá đa dạng, trong đó nhiều trường tư chất lượng cao và học phí cao. Ở các tỉnh thì sự lựa chọn ít hơn. Đa số phụ huynh có thu nhập trung bình lựa chọn cho con đăng ký thi vào trường công lập bởi yếu tố học phí. Thế nhưng, trước áp lực và "cánh cửa hẹp" vào trường công lập như nêu trên, các bậc phụ huynh và học sinh nên lựa chọn như thế nào? Nếu thực sự gia đình muốn con em học trường công và học lực của cháu đủ tự tin thì câu trả lời sẽ dễ dàng. Nhưng không phải bao giờ mong muốn và thực tế cũng gặp nhau. Trong trường hợp đó thì lời khuyên của các chuyên gia là kênh tham khảo hữu ích.
TS Thái Huy Vinh - Phó Chủ tịch Hội khoa học tâm lý giáo dục tỉnh Nghệ An, cho rằng việc phải đỗ trường công là quan niệm giáo dục chưa đầy đủ, tạo ra áp lực không đáng có đối với học sinh và phụ huynh. "Chất lượng giáo dục quan trọng là ở bản thân người học. Ngoài trường công, trẻ còn nhiều lựa chọn khác ở hệ thống giáo dục ngoài công lập hay giáo dục nghề nghiệp thường xuyên. Thực tế hiện nay, một bộ phận không nhỏ phụ huynh có nhận thức chưa đúng về trường công lập và trường ngoài công lập, thậm chí là xem thường trường nghề", ông Vinh nêu quan điểm.
Theo TS Vinh, thực trạng trên cho thấy công tác phân luồng tại các trường THCS chưa tốt. Một mặt các trường không được ép buộc học sinh yếu không thi vào lớp 10 như dư luận vừa qua, mặt khác cần chủ động nâng cao nhận thức cho phụ huynh và cộng đồng về trường nghề. Với các bậc phụ huynh, thay vì tạo áp lực với con em mình rằng "không được phép thất bại", rằng phải học giỏi, phải đỗ trường công, phải bằng bạn, bằng bè, phải làm mở mày mở mặt cho cha mẹ..., hãy tìm hiểu đầy đủ thông tin hơn để cùng với các con lựa chọn cánh cửa vào đời.
Ông Nguyễn Khắc An - Hiệu trưởng Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Vinh, nêu thực tế hiện nay, học trường nghề thường là lựa chọn cuối cùng của thí sinh và phụ huynh, khi các nguyện vọng trước đó không đạt được. Trong khi đó, ông đã thực hiện một cuộc khảo sát ở phạm vi nhỏ trên địa bàn thành phố Vinh và cho thấy, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trường nghề có việc làm đúng chuyên môn cao hơn sinh viên tốt nghiệp các trường đại học. "Vào trường nghề, học sinh được miễn học phí, được học nghề theo nhu cầu và học song song 7 môn văn hóa, giảm áp lực nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu kiến thức cơ bản. Khi tốt nghiệp các em có trong tay bằng nghề để có thể đi làm ngay, hoặc nếu có nguyện vọng thì đăng ký tuyển sinh vào các trường cao đẳng, đại học một cách bình thường", ông Nguyễn Khắc An phân tích.
Ngoài các trường công lập, trường nghề thì hệ thống trường dân lập cũng có nhiều cơ sở đang không ngừng được nâng cao chất lượng, khẳng định thương hiệu. Vì vậy, đây là một trong những lựa chọn của nhiều thí sinh và phụ huynh, nhất là ở các đô thị lớn.
Phân luồng học sinh sau THCS là giải pháp căn cơ giúp nâng cao chất lượng các bậc học tiếp theo cùng chất lượng nguồn nhân lực. Nhìn từ góc độ này, việc phân luồng chưa tốt nghĩa là xã hội còn gánh chịu những áp lực và những ảnh hưởng nhất định đến chất lượng giáo dục. Nhà trường, các tổ chức liên quan đều có trách nhiệm trong vấn đề này, nhưng trước hết mỗi gia đình hãy tùy thuộc vào năng lực, sở trường, nguyện vọng của bản thân học sinh và điều kiện thực tế, nhu cầu nhân lực của xã hội để đưa ra quyết định phù hợp.