Bài 9: Kê biên nhà 194 phố Huế: Thứ tự ưu tiên… ngược

(Dân trí) - Trong câu trả lời dưới đây, ông Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng, đã không còn “nại” ra lý do sai sót do “đánh máy” hay “đổ lỗi” cho Ngân hàng. Tuy nhiên phần trả lời này lại đặt ra nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ.

Đại diện gia đình số 194 phố Huế đau xót trình bày lại vụ việc cưỡng chế
Đại diện gia đình số 194 phố Huế đau xót trình bày lại vụ việc cưỡng chế
có nhiều uẩn khúc trên (Ảnh: Vũ Văn Tiến)
 
Câu hỏi thứ 5 của PV Dân trí: Theo bản án 143/2007/QĐST-KDTM đáng lẽ phải bán nhà máy của Công ty Bắc Sơn là tài sản thế chấp trước, nếu thiếu mới bán tiếp tài sản bảo lãnh, tại sao Cơ quan Thi hành án (THA) không xử lý tài sản thế chấp mà lại kê biên, bán đấu giá tài sản bảo lãnh là ngôi nhà 194 phố Huế?

Ông Trịnh Ngọc Chung, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội trả lời:

“Trong Quyết định công nhận thỏa thuận số 143/2007/QĐST-KDTM không có nội dung nào khẳng định phải bán tài sản thế chấp là nhà máy của Công ty Bắc Sơn trước tài sản bảo lãnh”.

Đồng thời ông Chung cũng giải thích lý do kê biên, bán đấu giá tài sản bảo lãnh là ngôi nhà 194 phố Huế là:

Toàn bộ tài sản của Công ty TNHH Bắc Sơn là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại thôn Vệ, xã Lam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội đã được xác định là tài sản kê biên đang chờ xử lý theo quyết định kê biên số 280/QĐ-THA của Cục THA dân sự TP. Hồ Chí Minh ngày 15/12/2008 để thực hiện nghĩa vụ trả nợ của Công ty Bắc Sơn cho Công ty sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Hà Nam số theo Quyết định của Bản án số 87/KDTM-PT ngày 15/9/2008 của TAND Tối Cao tại TP. Hồ Chí Minh

Ngoài ra, phía Ngân hàng có đơn đề nghị Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng xử lý tài sản bảo đảm là ngôi nhà 194 phố Huế để trả nợ cho Ngân hàng.

Cho nên, mặc dù ông Hoàng Ngọc Minh có nguyện vọng được xử lý tài sản của Công ty TNHH Bắc Sơn tại thôn Vệ, xã Lam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội trước, nhưng Cơ quan THA không có cơ sở để chấp thuận.

Tuy không còn sai sót trong “đánh máy” hay “đổ lỗi” cho cơ quan khác, nhưng phần trả lời này của ông Chung cũng còn một số nội dung cần làm sáng tỏ.

Theo Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng Luật sư INTERLA (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay:

1. Về quyền đề nghị xử lý tài sản thế chấp của người phải thi hành án

Pháp luật về Thi hành án dân sự (THADS) luôn khuyến khích việc tự nguyện thi hành án của các đương sự (Điều 6 Pháp lệnh THADS năm 2004, Điều 9 Luật THADS). Đặc biệt, khoản 2 Điều 41 Pháp lệnh THADS quy định: “Người phải thi hành án có quyền đề nghị kê biên tài sản nào trước, Chấp hành viên phải chấp nhận nếu xét thấy đề nghị đó không cản trở việc thi hành án” (Ngôi nhà 194 bị kê biên khi Pháp lệnh THA còn hiệu lực - PV).

Thiết nghĩ, quy định của pháp luật THADS đã quá rõ ràng trong việc ưu tiên xử lý tài sản do người phải THA đề nghị. Pháp luật nghiêm cấm hành vi trốn tránh nghĩa vụ trả nợ nhưng cũng đồng thời tôn trọng quyền tự quyết của người phải thi hành án. Tuy nhiên, như ông Chung thừa nhận, dù Công ty Bắc Sơn đã đề đạt nguyện vọng được xử lý nhà máy lắp ráp xe máy tại Đông Anh để trả nợ cho Ngân hàng, nhưng không được chấp thuận. 

Tại biên bản giải quyết việc thi hành án ngày 17/2/2009 ông Minh đề nghị cho Công ty Bắc Sơn 30 ngày để tìm đối tác mua lại nhà máy lắp ráp xe máy. Nếu hết thời gian đó mà không tìm được đối tác ông Minh tự nguyện giao lại nhà máy để cơ quan thi hành án xử lý theo quy định

Thậm chí, như Dân trí đã đưa tin, ông Hoàng Ngọc Minh đã mang toàn bộ giấy tờ của tài sản thế chấp trên nộp cho Cơ quan thi hành án, đồng thời tự nguyện giao 1,2ha đất cạnh nhà máy (tài sản riêng của doanh nghiệp) để yêu cầu Cơ quan thi hành án cho bán đấu giá để thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Nhưng, đáp lại nỗ lực đó, Cơ quan THA vẫn một mực ưu tiên kê biên nhà 194 phố Huế!

Tại sao Cơ quan THADS lại “bỏ qua” quyền được đề nghị kê biên tài sản nào trước của người phải THADS – đó là vấn đề cần được trả lời thấu đáo!

2. Điều kiện để kê biên nhà ở của người phải thi hành án

Pháp luật Việt Nam luôn tôn trọng và tạo điều kiện cho mọi công dân được “an cư”, ổn định về chỗ ở. Vì vậy, kê biên quyền sử dụng đất và nhà ở là một biện pháp cưỡng chế cuối cùng, khi không còn tài sản nào khác để THADS.

Khoản 2 Điều 41 Pháp lệnh THADS quy định: “Chỉ kê biên quyền sử dụng đất, nhà ở, trụ sở của người phải thi hành án nếu sau khi kê biên hết các tài sản khác mà vẫn không đủ để thi hành án”

Điểm a, Khoản 2 Điều 2 Nghị định 164/2004/NĐ-CP ngày 14/9/2004 của Chính phủ quy định: Quyền sử dụng đất của người phải thi hành án được kê biên, đấu giá khi người phải thi hành án không có tài sản khác hoặc có tài sản khác nhưng tài sản đó không đủ để thi hành án, trừ nhà ở;

Điều 95  Luật THADS một lần nữa khẳng định:

“Việc kê biên nhà ở là nơi ở duy nhất của người phải thi hành án và gia đình chỉ được thực hiện sau khi xác định người đó không có các tài sản khác hoặc có nhưng không đủ để thi hành án, trừ trường hợp người phải thi hành án đồng ý kê biên nhà ở để thi hành án.”

Ngôi nhà 194 phố Huế không chỉ là nơi ở duy nhất của 03 gia đình (ông Minh, ông Mạnh, bà Hằng), trong đó có gần 30 con người (chủ yếu là phụ nữ và trẻ em) cùng nhau chung sống, mà còn là nơi tạo ra nguồn thu nhập chính nuôi sống cả gia đình (đây là ngôi nhà mặt tiền kinh doanh xe gắn máy). Điều đó lý giải tại sao ông Hoàng Ngọc Minh luôn tha thiết đề nghị Cơ quan chức năng được trả nợ bằng tài sản khác của Công ty Bắc Sơn, đồng thời cũng lý giải tại sao gia đình 194 phố Huế kiên quyết không chấp nhận phong tỏa, kê biên ngôi nhà.

Thế nhưng, đôi khi các quy định của pháp luật lại không được chính các cơ quan thực thi pháp luật tôn trọng!

Rõ ràng ngoài ngôi nhà 194 phố Huế, Công ty Bắc Sơn vẫn còn tài sản là nhà máy lắp ráp xe tại Đông Anh, Hà Nội để thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Rõ ràng đương sự rất nhiều lần đề xuất phương án tự nguyện cưỡng chế, nhưng ngày 7/7/2011, Chi cục THA Hai Bà Trưng vẫn quyết tâm cưỡng chế THA bằng được nơi ở duy nhất của 3 gia đình, trong đó có 9 cháu nhỏ đang tuổi đến trường, khiến cho các thành viên lâm vào cảnh tan đàn xẻ nghé, đi ở nhờ, ở thuê nhờ khắp nơi, sinh hoạt thiếu thốn, ốm đau liên miên, nguồn thu nhập chính từ cửa hàng xe gắn máy cũng không còn nữa.

Dư luận đặt câu hỏi: Vậy gia đình 194 phố Huế biết đặt lòng tin vào đâu khi bị chính Cơ quan Thi hành án “dồn ép” không còn chốn nương thân?
Dư luận đặt nhiều dấu hỏi vì sao ngôi nhà 194 phố Huế có vị trí quá đắc địa
Dư luận đặt nhiều dấu hỏi vì sao ngôi nhà 194 phố Huế có vị trí quá đắc địa
chỉ được đem đấu giá có trên 31 tỷ đồng? (Ảnh: Vũ Văn Tiến)

3. Về nhà máy lắp ráp xe máy của Công ty Bắc Sơn

Ông Chung cho rằng tài sản này của Công ty Bắc Sơn (tại thôn Vệ, xã Lam Hồng, Đông Anh, Hà Nội) đã được xác định là tài sản kê biên đang chờ xử lý theo quyết định kê biên số 280/QĐ-THA để thực thi Bản án số 87/KDTM-PT ngày 15/9/2006 của TAND Tối cao tại TP. Hồ Chí Minh. Và vì thế, Cơ quan THA không còn căn cứ để kê biên tài sản này.

Tuy nhiên, có một câu hỏi đặt ra là: Nếu việc nhà máy lắp ráp xe máy của Công ty Bắc Sơn đã bị kê biên để thực hiện cho một nghĩa vụ khác là nguyên nhân khiến Cơ quan THADS quận Hai Bà Trưng từ chối xử lý tài sản này để trả nợ cho Ngân hàng Công thương; thì tại sao ngôi nhà 194 phố Huế cũng đã có thông báo số 02/TB-THA ngày 20/1/2000 phong tỏa toàn bộ khuôn viên số 194 lại vẫn bị Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng tiếp tục kê biên, bán đấu giá? Trong khi chính Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng là đơn vị ban hành thông báo phong tỏa số 02 năm 2000, nên phải là người biết rõ nhất về thông tin này.

Chưa kể món nợ Công ty Bắc Sơn phải trả cho Công ty sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Hà Nam là món nợ không có đảm bảo.

Theo Điều 52 Pháp lệnh THADS quy định: “Số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành án được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được bảo đảm sau khi trừ các chi phí về thi hành án”

Tương tự như vậy, Điều 90 Luật THADS cũng quy định:

“1. Trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, Chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án.

2. Khi kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp, Chấp hành viên phải thông báo ngay cho người nhận cầm cố, nhận thế chấp; khi xử lý tài sản kê biên, người nhận cầm cố, nhận thế chấp được ưu tiên thanh toán theo quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật này.”

Khoản 3.Điều 47 Luật THADS xác định: Số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể, được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được bảo đảm đó sau khi trừ các chi phí về thi hành án.

Trong trường hợp này, nhà máy lắp ráp xe máy của Công ty Bắc Sơn là tài sản đảm bảo thực hiện nghĩa vụ theo Hợp đồng tín dụng cho vay dài hạn số 02/NHCG ngày 10/10/2002 giữa Công ty Bắc Sơn và Ngân hàng Công Thương. Vì thế, trong mọi trường hợp thì khoản nợ với phía Ngân hàng Công thương Việt Nam sẽ được ưu tiên thanh toán trước. Đây chính là nguyên nhân sau khi xác minh Cục THADS TP. Hồ Chí Minh đã hủy Quyết định kê biên vào năm 2010.

Vì tất cả các lẽ trên, không có lý do gì Cơ quan THADS quận Hai Bà Trưng lại không chấp thuận xử lý nhà máy lắp ráp xe máy của Công ty Bắc Sơn theo yêu cầu của đương sự. Thế nhưng, sự thật lại hoàn toàn ngược lại, Cơ quan THA vẫn một mực làm theo ý mình, kê biên, bán đấu giá ngôi nhà 194 phố Huế mà không quan tâm gì đến nguyện vọng chính đáng của đương sự.
(Còn nữa)

Vũ Văn Tiến

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm