Bài 17: Viện KSNDTC khởi tố vụ án hình sự 194 phố Huế
(Dân trí)- Ngày 3/11, theo nguồn tin riêng của Dân trí, Cơ quan Điều tra Viện KSND Tối cao đã có Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Ra quyết định trái pháp luật” xảy ra tại Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội.
Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa ban hành Quyết định số 27/VKSTC – C6 (P3) ngày 28/10/2011 nêu rõ: “Ngày 21/12/2010, Toà án Nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm đối với quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 143/QĐST-KDTM ngày 20/12/2007 của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội.
Hội đồng xét xử giám đốc thẩm đã ra quyết định số 18/KDTM-GĐT hủy quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 143/QĐST-KDTM ngày 20/12/2007 của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân TP. Hà Nội để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Sau khi nhận hồ sơ, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã có thông báo việc thụ lý lại vụ án số 517/TB- TLVA ngày 23/6/2011, nhưng Chấp hành viên – Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội vẫn ra quyết định cưỡng chế giao nhà số 07/QĐ-THA ngày 28/6/2011, đồng thời ngày 7/7/2011 đã tổ chức cưỡng chế giao nhà 194 phố Huế, phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội cho người mua trúng đấu giá là trái pháp luật thi hành án dân sự, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các bên đương sự.
Sau khi xác định có dấu hiệu của tội phạm “Ra quyết định trái pháp luật” quy định tại Điều 296 Bộ luật hình sự. Cơ quan Điều tra Viện KSND Tối cao Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Ra quyết định trái pháp luật” quy định tại Điều 296 Bộ luật hình sự xảy ra tại Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội.
Quyết định trên gửi đến Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án hình sự về trật tự - xã hội (Vụ 1A) Viện KSND Tối cao.
“Điều 296 Bộ luật hình sự Tội ra quyết định trái pháp luật 1. Người nào có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ra quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm. 4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.” |