Bài 16: Xét xử vụ án kinh doanh thương mại liên quan đến ngôi nhà 194 phố Huế
(Dân trí) - Liên quan đến vụ án 194 phố Huế, ngày 28 và 29/9/2011, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã xét xử vụ án Vụ án kinh doanh thương mại số 96/2011/TLST-KDTM giữa nguyên đơn là Ngân hàng Công thương và bị đơn là Công ty TNHH Bắc Sơn.
Hợp đồng tín dụng cho vay trung hạn số 01/NHCG ngày 08/8/2002: NHCT Cầu Giấy cho Công ty Bắc Sơn vay 10 tỷ đồng để đầu tư nhà máy lắp đặt xe máy tại xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội; thời hạn vay 5,5 năm, lãi suất 0,75%/tháng, quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay.
Hợp đồng tín dụng này được bảo đảm bằng :
“Hợp đồng bảo lãnh thế chấp tài sản” ngày 05/8/2002, tài sản bảo lãnh là toàn bộ quyền sở hữu ngôi nhà và quyền sử dụng đất tại 194 phố Huế do ông Hoàng Đình Mậu và bà Nguyễn Thị Thu Hồng cam đoan là chủ sở hữu. Số tiền bảo lãnh vay là 5 tỷ đồng, thời hạn bảo lãnh là 6 năm. Hợp đồng này được Công chứng viên phòng công chứng số 1 thành phố Hà Nội chứng nhận ngày 05/8/2002.
Cầm cố 09 bộ dây chuyền lắp ráp xe máy theo Hợp đồng cầm cố tài sản ngày 23/8/2002 của công ty Bắc Sơn với NHCT Cầu Giấy. Hợp đồng này được Công chứng viên phòng Công chứng số 3 thành phố Hà Nội chứng nhận ngày 23/8/2002.
Thế chấp toàn bộ giá trị tài sản hình thành của dự án đầu tư “xây dựng nhà xưởng và các thiết bị” được dùng làm tài sản bảo đảm cho vốn vay đầu tư của dự án;
Hợp đồng tín dụng cho vay dài hạn số 02/NHCG ngày 10/10/2002, NHCT Cầu Giấy cho công ty Bắc Sơn vay 5 tỷ đồng, thời hạn 5,5 năm, lãi suất 0,75%/tháng, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay.
Tài sản đảm bảo cho khoản vay là toàn bộ quyền sở hữu nhà xưởng, máy móc, thiết bị và quyền sử dụng 7.774 m2 đất của công ty Bắc Sơn tại xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội theo hợp đồng thế chấp ngày 18/12/2002.
Hợp đồng tín dụng ngắn hạn số 01/HĐTD ngày 18/12/2002: Công ty Bắc Sơn vay của NHCT Cầu Giấy 5 tỷ đồng để mua linh kiện nội địa hóa để lắp xe máy, thời hạn 03 tháng, lãi suất cho vay 0,75% tháng; lãi suất nợ quá hạn là 1,15%/tháng. Tài sản thế chấp là toàn bộ quyền sở hữu 2100 m2 nhà xưởng sản xuất xe máy số 2 Cầu Tiên, xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Ngày 30/12/2005, Công ty Bắc Sơn trả cho Ngân hàng 5 tỷ đồng tiền gốc thu được từ việc bán đấu giá tài sản thế chấp tại số 2 Cầu Tiên, Thanh Trì, Hà Nội.
Chiều ngày 29/9/2011, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã ra phán quyết tuyên Hợp đồng cầm cố quyền sở hữu nhà xưởng, máy móc, thiết bị và quyền sử dụng 7.774 m2 đất của công ty Bắc Sơn tại xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội và Hợp đồng thế chấp toàn bộ quyền sở hữu 2100 m2 nhà xưởng sản xuất xe máy số 2 Cầu Tiên, xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội vô hiệu do các quy định cho vay tín dụng và không tuân thủ yêu cầu công chứng, chứng thực hợp đồng cầm cố, thế chấp tài sản.
Tuy nhiên, HĐXX vẫn công nhận tính hợp pháp của Hợp đồng bảo lãnh bằng thế chấp tài sản là quyền sở hữu ngôi nhà và quyền sử dụng đất 194 phố Huế. Tòa buộc Công ty TNHH Bắc Sơn phải thanh toán cho Ngân hàng Công thương Việt Nam số tiền nợ gốc và nợ lãi trên 32 tỷ đồng.
Việc xét xử Vụ án kinh doanh thương mại giữa Ngân hàng Công thương và Công ty Bắc Sơn không ảnh hưởng đến việc điều tra, xác minh các sai phạm trong quá trình kê biên, bán đấu giá ngôi nhà 194 phố Huế.
Luật sư Trương Quốc Hòe cũng cho biết, nếu quá trình kê biên, bán đấu giá ngôi nhà 194 phố Huế là vi phạm pháp luật thì kết quả xét xử của Vụ án kinh doanh thương mại giữa NHCT và Công ty Bắc Sơn dù có thế nào cũng không làm thay đổi bản chất của sự việc này.
Trước các “góc khuất” của vụ án trên được cơ quan báo chí phanh phui, Viện KSND Tối cao đã ban hành công văn gửi Viện KSND Hà Nội nêu rõ: Để có căn cứ báo cáo lãnh đạo Viện KSND Tối cao, yêu cầu Viện KSND Hà Nội báo cáo bằng văn bản về việc kiểm sát Chi cục Thi hành án quận Hai Bà Trưng tổ chức cưỡng chế thi hành án tại số nhà 194 phố Huế (liên quan đến sự việc này ngày 4/3/2011, Viện KSND Tối cao đã có công văn số 429/VKSNDTC-V10 yêu cầu Viện KSND Hà Nội báo cáo việc giải quyết đơn do Ủy ban Tư pháp Quốc hội khóa XII chuyển, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản phúc đáp). |
Vũ Văn Tiến