Hồi âm:

Bài 6: Sự thật không thể che đậy trong vụ án 194 phố Huế

(Dân trí) - Sau khi báo Dân trí đăng tải một loạt bài phản ánh nhiều dấu hiệu sai phạm trong việc tổ chức thi hành án đối với nhà và đất 194 phố Huế của Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, đã rất nhiều phản hồi của bạn đọc bày tỏ quan tâm.

Để rộng đường dư luận cũng như thực hiện chức năng của báo chí là diễn đàn phản biện xã hội, Dân trí đã đề nghị phỏng vấn trực tiếp ông Trịnh Ngọc Chung, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) quận Hai Bà Trưng, tuy nhiên ông Chung từ chối trả lời phỏng vấn trực tiếp và đề nghị chúng tôi gửi các câu hỏi qua đường công văn.

Ngày 21/7/2011, báo Dân trí đã gửi công văn số 31/BBĐ-2011, yêu cầu ông Trịnh Ngọc Chung trả lời 8 câu hỏi liên quan đến quá trình thi hành án nhà và đất 194 Phố Huế.
 
Công Văn của Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng gửi Báo Dân trí
Công Văn của Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng gửi Báo Dân trí
(Ảnh: Vũ Văn Tiến)

Ngày 15/8/2011, Chi cục THADS Quận Hai Bà Trưng đã ban hành công văn số 109/CCTHA-HBT trả lời các câu hỏi trên của Dân trí. Mặc dù văn bản dài tới 11 trang A4, nhưng các câu trả lời của ông Trịnh Ngọc Chung vẫn chưa thực sự thấu đáo, chưa đúng trọng tâm câu hỏi, nhiều vấn đề còn né tránh. Dân trí sẽ đăng tải chi tiết nội dung sự việc này, mời bạn đọc quan tâm theo dõi.

Câu hỏi thứ nhất của PV Dân trí: Ông có ý kiến gì trước thông tin ông Minh cho rằng ông đã xuyên tạc sự thật tại công văn số 83/CV-THA ngày 9/9/2009, như: Công ty TNHH Bắc Sơn không hề tẩu tán toàn bộ dây chuyền sản xuất; Ngày 24/4/2009 ông Minh đang ở nước ngoài, không có mặt ở Việt Nam nên không thể “tự nguyện” giao nhà cho cơ quan THADS quận Hai Bà Trưng xử lí được; Ngày 24/8/2009 Công ty Bán đấu giá Hà Nội mới bán đấu giá thành ngôi nhà 194 phố Huế cho ông Thoán nên ngày 08/8/2009 THADS quận Hai Bà Trưng không thể nhận được ủy nhiệm chi đề ngày 7/7/20009 của công ty cổ phần bán đấu giá Hà Nội chuyển toàn bộ số tiền đã bán đấu giá về tài khoản của THADS quận Hai Bà Trưng như ông báo cáo được?... Ông lý giải về sự việc này như thế nào?

Câu hỏi này nêu ra 3 nội dung, nhưng ông Chung chỉ trả lời 2 nội dung:

Một là, về thời điểm 24/4/2002:

Công văn số 83 viết: “Đến ngày 24/4/2009 anh Hoàng Ngọc Minh và bà Nguyễn Thị Hồng đại diện cho những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đã tự nguyện giao phần diện tích còn lại ngoài thông báo phong tỏa của THADS thành phố Hà Nội để cơ quan THADS quận Hai Bà Trưng xử lí theo pháp luật".

Tuy  nhiên, vào thời gian đó, ônh Minh đang đi công tác tại nước ngoài, không có mặt ở Việt Nam. Thực tế, tại Biên bản kê biên tài sản ngày 24/4/2009, chỉ có chữ ký của bà Nguyễn Thị Thu Hồng là người có quyền và nghĩa vụ liên quan và bà Vương Hoàng Oanh (vợ ông Minh), không có sự chứng kiến và ký nhận của ông Minh, ông Mạnh, bà Hằng là những người có quyền và nghĩa vụ liên quan khác của vụ án.
Dư luận đặt nhiều dấu hỏi vì sao ngôi nhà 194 phố Huế có vị trí quá đắc địa
Dư luận đặt nhiều dấu hỏi vì sao ngôi nhà 194 phố Huế có vị trí quá đắc địa
chỉ được đem đấu giá có trên 31 tỷ đồng? (Ảnh: Vũ Văn Tiến)

Hai là, về ngày nhận được ủy nhiệm chi:

Tại công văn số 83, ông Chung luận giải: Ngày 8/8/2009, THADS quận Hai Bà Trưng đã nhận được ủy nhiệm chi đề ngày 7/7/2009 của Công ty cổ phần bán đấu giá Hà Nội chuyển toàn bộ số tiền đã bán đấu giá về tài khoản của THADS quận Hai Bà Trưng.

Tuy nhiên, ngày 24/8/2009, Công ty Bán đấu giá Hà Nội mới bán đấu giá thành ngôi nhà 194 phố Huế cho ông Thoán nên ngày 8/8/2009, THADS quận Hai Bà Trưng không thể nhận được ủy nhiệm chi đề ngày 7/7/2009 của Công ty cổ phần bán đấu giá Hà Nội chuyển toàn bộ số tiền đã bán đấu giá về tài khoản của THADS quận Hai Bà Trưng.

Về hai vấn đề này, Chi cục Thi hành án quận Hai Bà Trưng thừa nhận là do lỗi đánh máy:

“Do sơ suất trong quá trình đánh máy nên Công văn số 83/CV đã nhầm những điểm sau:

- Ngày 24/4/2009 chỉ có bà Hồng và vợ anh Minh có mặt, không có mặt anh Minh.

- Ngày Công ty Bán đấu giá chuyển tiền và ngày chi cục Thi hành án Hai Bà Trưng nhận được ủy nhiệm chi tiền Bán đấu giá tài sản đều là 8/9/2009 nhưng do sơ suất trong đánh máy nên công văn đã nhầm là ngày 8/8/2009”.

Còn nội dung thứ 3 về việc Công ty Bắc Sơn tẩu tán toàn bộ dây chuyền sản xuất như khẳng định tại Công văn 83: “Trong quá trình giải quyết việc thi hành án THDS quận Hai Bà Trưng nhận thấy công ty TNHH Bắc Sơn đã tẩu tán toàn bộ dây chuyền sản xuất (đã thế chấp ngân hàng), hiện tại khu đất trên chỉ còn khung nhà và đất” thì không được đề cập đến.

Mặc dù không trực tiếp trả lời nội dung này nhưng trong phần tóm tắt thi hành án trả lời Báo Dân trí, ông Chung có “gián tiếp” xác nhận: “Tại biên bản kiểm tra thực tế nhà máy lắp ráp xe máy tại xã Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội ngày 5/3/2009 có nội dung: “Nhà máy không hoạt động gì, nhà xưởng khóa cửa” (biên bản có chữ kí của anh Minh)

Tuy nhiên, sự việc “Nhà máy không hoạt động gì, nhà xưởng khóa cửa” không đồng nhất với sự việc “tẩu tán toàn bộ dây chuyền sản xuất”. Bởi vì, Công ty Bắc Sơn thế chấp toàn bộ quyền sử dụng đất nhà xưởng và các dây chuyền sản xuất để vay vốn tại Ngân hàng Công thương chứ không thế chấp “nhà máy đang hoạt động”.

Nếu Công ty Bắc Sơn có hành vi tẩu tán toàn bộ dây chuyền sản xuất là vi phạm nghĩa vụ thế chấp tài sản với Ngân hàng, nhưng việc nhà máy đóng cửa (nếu có thật) cũng không ảnh hưởng nhiều đến giá trị tài sản thế chấp.

Như vậy, sự việc công ty Bắc Sơn “tẩu tán toàn bộ dây chuyền sản xuất” như phản ánh của công văn số 83 là không có thật!

Câu hỏi thứ hai của PV Dân trí: Trong công văn số 83, ông Trịnh Ngọc Chung trả lời VKSNDTC là đã tạm đình chỉ Thi hành án, sau đó lại tiếp tục thi hành? Có quyết định tạm đình chỉ không? Số của quyết định đó là bao nhiêu?

Ông Trịnh Ngọc Chung trả lời: “Quyết định kháng nghị số 29/QĐ-KNGĐT-V12 ngày 4/9/2009 của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao có nội dung: “…Tạm đình chỉ thi hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 143/2007/QĐST-KDTM ngày 20/12/2007 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, chờ kết quả xét xử giám đốc thẩm”. Căn cứ Khoản 1 Điều 49 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định: “ …Cơ quan thi hành án dân sự thông báo về việc tạm đình chỉ thi hành án khi nhận được quyết định tạm đình chỉ thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị…”.

Và, trong trường hợp này cơ quan thi hành án không phải ra quyết định Tạm đình chỉ thi hành án. Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng đã có văn bản số 83/CV – THA ngày 09/9/2009 thông báo về việc tạm đình chỉ thi hành án cho Viện Kiểm sát nhân dân Tối Cao.”

Như vậy, ông Chung khẳng định, theo Quyết định kháng nghị số 29/QĐ-KNGĐT-V12 của VKSNDTC thì việc thi hành án đương nhiên bị tạm đình chỉ để chờ kết quả xét xử giám đốc thẩm. Trong trường hợp này Cơ quan THADS không cần ban hành Quyết định tạm đình chỉ. Và điều này hoàn toàn phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật THADS.

Theo luật sư Phan Thị Lam Hồng, Phó Trưởng Văn phòng luật sư INTERLA (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) thì: Khi đã tạm đình chỉ THADS thì Cơ quan THADS chỉ được tiếp tục THADS khi có một trong các quyết định sau đây: a) Quyết định rút kháng nghị của người có thẩm quyền; b) Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án giữ nguyên bản án, quyết định bị kháng nghị…” (khoản 3 Điều 49 Luật THADS)

Đối với vụ án này, VKSNDTC không có Quyết định rút kháng nghị và ngày 21/12/2010, Tòa kinh tế - TAND Tối cao đã ra quyết định Giám đốc thẩm số 18/2010/KDTM – GĐT tuyên hủy Quyết định 143/2007/QĐST-KDTM và yêu cầu TAND TP. Hà Nội xét xử sơ thẩm lại vụ án này. Vì vậy, không có căn cứ để tiếp tục thi hành án.

Thế nhưng ngày 9/5/2011, Chi cục Thi hành án quận Hai Bà Trưng có Thông báo số 04/TB-THA yêu cầu những người đang cư trú và làm việc tại nhà số 194 phố Huế phải chuyển dọn toàn bộ tài sản để trả nhà đất cho người  mua được tài sản bán đấu giá.

Tiếp theo ngày 28/6/2011, Chi cục Thi hành án quận Hai Bà Trưng vẫn ra văn bản "Quyết định cưỡng chế giao nhà" số 07/QĐ – THA và ngày 29/6/2011, ra văn bản "Thông báo cưỡng chế thi hành án" số 93/TB – CCTHA buộc gia đình ông Hoàng Ngọc Minh phải giao nhà!

Ngày 7/7/2011, Cơ quan THA đã huy động lực lượng hùng hậu quyết liệt cưỡng chế gia đình ông Minh và gấp rút bàn giao căn nhà trên cho người mua đấu giá thành vào 21 giờ cùng ngày.

Hành vi trên của Cơ quan THA quận Hai Bà Trưng được xem là cố tình thực hiện đến cùng bản án số 143 đã bị TAND Tối cao tuyên hủy mặc dù không còn căn cứ để thi hành án. Các Cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để làm rõ những “uẩn khúc” trong quá trình thi hành án này.
(Còn nữa)

Vũ Văn Tiến