DMagazine

Nỗi đau của nạn nhân bị bạo lực, xâm hại có thể kéo dài dai dẳng cả đời

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, chuyện nạn nhân tố cáo sau khi bị xâm hại tình dục hàng chục năm trời là rất bình thường. Vì nỗi đau của nạn nhân có thể kéo dài rất lâu và không thể phục hồi.

Đừng hỏi "tại sao"

Tiến sĩ Hoàng Tú Anh, Chủ tịch GBVNet, cho biết: "Trên 60% phụ nữ Việt Nam bị bạo lực gia đình nhưng chỉ có hơn 50% nạn nhân chia sẻ với người khác và chỉ 10% tìm đến sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng".

Thời gian gần đây liên tiếp có nhiều vụ nạn nhân lên tiếng công khai bị quấy rối, xâm hại tình dục khi sự việc đã xảy ra từ rất lâu, như vụ cô gái trẻ tố cáo bạn của mẹ hiếp dâm cô trong thời gian dài hay vụ một nữ nhà thơ kể lại việc bị đồng nghiệp xâm hại từ hơn 20 năm trước...

Xung quanh những sự việc này, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có việc đặt ra nhiều câu hỏi nghi ngờ với nạn nhân như: "Tại sao bây giờ mới lên tiếng?", "Động cơ gì mà lên tiếng sau một thời gian dài đã im lặng?"...

Nỗi đau của nạn nhân bị bạo lực, xâm hại có thể kéo dài dai dẳng cả đời - 1

Nạn nhân bị xâm hại tình dục thường sợ dư luận xã hội mà im lặng (Ảnh minh họa: Hoàng Lam).

Trao đổi tại tọa đàm do Mạng lưới phòng ngừa và ứng phó bạo lực giới tại Việt Nam (GBVNet) tổ chức mới đây, về vấn đề này, nhà báo Trương Anh Ngọc nhận định, những câu hỏi nghi ngờ từ dư luận, xã hội đang góp phần làm nạn nhân bị xâm hại sợ hãi, không dám lên tiếng.

Nhà báo Trương Anh Ngọc đánh giá việc nhiều nạn nhân quyết định nói lại về sự việc đã từng xảy ra là chuyển biến tích cực và đáng mừng. "Việc các nạn nhân đã dũng cảm lên tiếng như một sự khích lệ để những người rơi vào hoàn cảnh tương tự cũng lên tiếng, không im lặng nữa" - nhà báo Anh Ngọc nói.

Theo ông, đa phần nạn nhân bị xâm hại tình dục im lặng vì họ sợ bị đổ lỗi, bị trách cứ, sợ ảnh hưởng đến các mối quan hệ, sợ bị nhìn bằng một ánh mắt khác. Lúc này, nạn nhân cần nhất là có người đứng bên, trợ giúp, an ủi... nhưng họ sợ khi nói ra lại bị những người khác vùi dập thêm.

Tham dự tọa đàm, tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Lưu cũng cho biết bà từng là nạn nhân của quấy rối và bà rất sợ hãi, cảm thấy đó là sự cố đáng xấu hổ của cuộc đời và không dám chia sẻ với ai. Trong thời gian dài, bà bị ám ảnh bởi sự việc này.

Nỗi đau của nạn nhân bị bạo lực, xâm hại có thể kéo dài dai dẳng cả đời - 2

Một đối tượng xâm hại tình dục thực nghiệm hiện trường (Ảnh: Viện kiểm sát nhân dân Đắk Nông).

Theo các chuyên gia tham dự tọa đàm, khi một cá nhân lên tiếng về việc họ đã trở thành nạn nhân của bạo lực tình dục, điều mà họ sợ nhất là không được tin tưởng.

Vì vậy, việc đầu tiên cần làm không phải là đặt câu hỏi nghi ngờ về tính chính xác của việc đã xảy ra, đưa ra bình luận đúng hay sai. Điều quan trọng nhất mà người lên tiếng mong đợi là sự đồng cảm với nỗi đau họ đã phải trải qua, là sự động viên để họ không cảm thấy cô đơn, sợ hãi. Còn pháp luật, các cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm đưa ra câu trả lời ai đúng, ai sai trong vụ việc.

Thậm chí, trong trường hợp pháp luật không đủ cơ sở để đưa ra kết luận cuối cùng thì nạn nhân cũng không đáng bị dư luận lên án.

Nhà báo Trương Anh Ngọc chia sẻ: "Khi nạn nhân tin tưởng và tìm đến mình, trước tiên chúng ta đừng hỏi "Tại sao?", đừng đóng vai quan tòa, hay công an, bởi thời điểm đó, nạn nhân tìm đến mình là để tìm sự hỗ trợ, sự bảo vệ, sự lắng nghe chứ không phải phán xét hay quy kết".

Lên tiếng không bao giờ là quá muộn

Nói về việc nạn nhân tố cáo việc bị xâm hại sau rất nhiều năm, tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Lưu tâm sự: "Sau 7 năm, tôi gặp lại thủ phạm và nỗi đau thực sự sống lại, ngùn ngụt trong lòng. Tôi rất thấu hiểu với các nạn nhân khi sau rất nhiều năm, thậm chí hàng chục năm mà nỗi đau vẫn còn đó".

Nỗi đau của nạn nhân bị bạo lực, xâm hại có thể kéo dài dai dẳng cả đời - 3

(Đồ họa: Tùng Nguyên).

Tiến sĩ Hoàng Tú Anh giải thích, tâm lý, ẩn ức đó rất bình thường. Vì khi việc bị xâm hại xảy ra, nạn nhân vì nhiều nỗi lo mà im lặng. Nhưng nỗi đau chưa được hóa giải, vẫn âm ỉ kéo dài, đến một lúc nào đó họ không chịu nổi sẽ nói ra khi đủ bản lĩnh để đối diện với nó hoặc chỉ để tự giải tỏa cho mình...

Bà nói: "Nỗi đau của nạn nhân bị bạo lực, xâm hại có thể kéo dài rất lâu, thậm chí là 10, 20 năm hay cả cuộc đời và thực tế không thể phục hồi hoàn toàn. Những câu hỏi "Tại sao" mang tính đổ lỗi rất nặng nề, cần tuyệt đối tránh bởi nó có thể gợi lại những nỗi đau cho nạn nhân".

Theo bà Hoàng Tú Anh, hỗ trợ nạn nhân bị quấy rối, xâm hại tình dục thì đừng vội hỏi "Tại sao…?". Điều duy nhất nên nói là: "Bạn không bao giờ một mình, sẽ luôn có những người đứng về phía bạn và tin tưởng bạn". Sau khi nạn nhân đã giảm bớt gánh nặng tâm lý thì mới nên thực hiện các bước hỗ trợ tiếp theo.

Tiến sĩ Thanh Lưu đưa ra lời khuyên: "Việc bị xâm hại, quấy rối tuy để lại những nỗi đau, nhưng chắc chắn đó không phải lỗi của bạn, không phải là việc đáng xấu hổ. Khi không may trở thành nạn nhân, các bạn hãy lên tiếng, có thể là tố giác, cũng có thể là chia sẻ với những người thân thiết để giải tỏa và tìm kiếm sự đồng cảm, an ủi".

Nỗi đau của nạn nhân bị bạo lực, xâm hại có thể kéo dài dai dẳng cả đời - 4

Nạn nhân mạnh dạn lên tiếng sẽ góp phần cảnh tỉnh xã hội, hạn chế tình trạng xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em gái (Ảnh minh họa: Đặng Dương).

Tiến sĩ Hoàng Tú Anh khẳng định: "Trong mọi trường hợp, chúng tôi luôn tin rằng việc lên tiếng không bao giờ là muộn. Chúng tôi mong muốn chủ đề giáo dục giới tính, giáo dục tư pháp được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông, đồng thời hệ thống pháp luật cần đưa ra cơ chế hỗ trợ thiết thực cho nạn nhân để nạn nhân không còn e ngại việc tố giác".

Tiến sĩ Nguyễn Thu Giang chia sẻ: "Việc lên tiếng có thể có nhiều hình thái khác nhau. Dù ở hình thái nào, việc lên tiếng không bao giờ là vô ích, vô nghĩa. Tất cả chúng ta đều hướng đến mục tiêu xã hội không còn ai là nạn nhân của bạo lực, của xâm hại tình dục. Vì vậy, việc lên tiếng của bạn sẽ góp phần mang đến những điều tốt đẹp hơn".

Nỗi đau của nạn nhân bị bạo lực, xâm hại có thể kéo dài dai dẳng cả đời - 5

(Đồ họa: Tùng Nguyên).

Về vấn đề pháp lý, luật sư Nguyễn Hữu Long khuyến cáo, nạn nhân bị xâm hại tình dục cần lên tiếng càng sớm càng tốt, khi đó việc thu thập chứng cứ mới dễ dàng hơn để xử lý hung thủ.

Ông đánh giá việc nạn nhân lên tiếng tố cáo rất quan trọng vì không chỉ giúp trừng phạt hung thủ, đi tìm công lý cho nạn nhân mà còn có tác dụng cảnh tỉnh cộng đồng.

Luật sư Nguyễn Hữu Long nhận định: "Việc lên tiếng không chỉ giúp nạn nhân mà giúp được cho rất nhiều người, giúp cho quá trình phát triển xã hội".

Tùng Nguyên