Bị xâm hại tình dục và câu hỏi nghiệt ngã "sao 23 năm sau mới lên tiếng?"

Hoài Nam

(Dân trí) - Liên quan đến việc nhà thơ Dạ Thảo Phương vừa công khai chị bị xâm hại tình dục cách đây 23 năm, các chuyên gia đánh giá, thắc mắc "sao bây giờ mới lên tiếng?" là suy nghĩ tàn nhẫn!

"Sao bây giờ mới lên tiếng?", "Sao bây giờ lại lên tiếng?"... là câu hỏi mà rất, rất nhiều người đặt ra trước sự việc nữ nhà thơ lên tiếng về việc bị xâm hại tình dục 23 năm trước gây chấn động. 

Xin không bàn đến thông tin xung quanh sự việc nhưng câu hỏi "Sao sau 23 năm mới lên tiếng?" thật ra đã bao gồm luôn câu trả lời. Đó không chỉ bao hàm sự nghi ngờ mà còn ám chỉ  người công khai việc này là "liệu có âm mưu gì không?". 

Bị xâm hại tình dục và câu hỏi nghiệt ngã sao 23 năm sau mới lên tiếng? - 1

(Ảnh minh họa).

Còn câu hỏi: "Sao bây giờ lại lên tiếng?", "Sao không nói sớm hơn?" tưởng như có vẻ tin tưởng, nhân văn hơn nhưng thật ra cũng là phủ đầu "đã im lặng rồi, sao không tiếp tục vậy mà sống?".

Nhưng không chỉ là 23 năm, trên thực tế, nhiều người mang nỗi đau bị xâm hại tình dục 30 năm, 40 năm, 50 năm, thậm chí cả cuộc đời. 

"Khi tôi chết đi, hãy nói với con tôi "mẹ bị xâm hại""

Một chuyên gia tâm lý ở TPHCM kể trường hợp cụ bà gần 70 tuổi, bị cậu xâm hại tình dục nhiều năm liền, bắt đầu từ lúc 12 tuổi tìm đến mình cách đây gần chục năm làm chị ám ảnh. 

Cụ bà là một bác sĩ về hưu, sống chung với nỗi đau bị xâm hại hơn một nửa thế kỷ. Tất cả khắc sâu trên cuộc đời bà, thể hiện trong ánh mắt vô hồn, cách sống khép kín, hay tìm cách làm hại bản thân, luôn nổi giận vô cớ với chồng con. Trong hơn 50 năm, thực tế, bà đã hàng trăm lần nghĩ đến việc tự tử và nhiều lần tự tử bất thành...

Khi về hưu, không còn quay cuồng trong công việc "để quên đi nỗi đau", những cơn sang chấn càng trỗi dậy, hành hạ bà. Bà mất ngủ, tè dầm, mất nhiều chức năng sinh hoạt cơ bản, luôn sợ hãi xung quanh...

Bị xâm hại tình dục và câu hỏi nghiệt ngã sao 23 năm sau mới lên tiếng? - 2

Có những người mang theo nỗi đau bị xâm hại tình dục suốt đời (Ảnh minh họa).

Bà tìm đến chuyên gia tâm lý: "Cô chỉ cần nghe tôi nói thôi, cô không cần giúp tôi điều gì hết!". Lúc này bà nói không phải để tố cáo, không phải để đi tìm công lý mà chỉ để ít nhất một lần được nói ra... 

"Tôi đã từng giấu bố mẹ và giờ tiếp tục giấu chồng con. Khi tôi chết đi, cô hãy giúp tôi nói với họ. Để dưới mồ, tôi không còn phải khóc mỗi khi đêm xuống, mỗi khi tôi ở trong phòng một mình...", bà gửi gắm di nguyện cho vị chuyên gia. 

Những bàn tay "bịt miệng" ở khắp nơi 

TS Phạm Thị Thúy (Nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM) kể, bà gặp trường hợp người phụ nữ mang nỗi đau bị xâm hại tình dục hơn 40 năm, như treo lủng lẳng một quả tạ trước ngực, chỉ chờ được tháo xuống. Nghe đến việc một ai đó bị xâm hại là chị nghẹt thở, bật khóc.... 

Bà gặp nhiều vụ xâm hại, nạn nhân bị "bịt miệng" ngay từ trong gia đình. Bố mẹ dặn "im lặng, không được nói với ai" như thể các em là người đã gây ra tội lỗi. Nạn nhân không chỉ phải che giấu một thời gian ngắn mà là hàng chục năm, có người mang theo nỗi đau cả đời... 

Luật sư Trần Ngọc Nữ, Hội bảo vệ quyền trẻ em TPHCM cho biết, rất nhiều vụ xâm hại tình dục bị che giấu hoặc rơi vào ngõ cụt khi "người nhà thỏa thuận với thủ phạm" để im lặng. Khi đó, nạn nhân trở thành người gánh tất cả tội lỗi và hậu quả đau đớn khi không được nói ra, không được đi tìm công lý cho mình. 

"Bàn tay bịt miệng" đó còn có thể đến từ hàng xóm, nhà trường, nơi làm việc... Nạn nhân không tìm thấy sự an toàn, không thấy được bảo vệ. Cùng với tâm lý bị xâm hại tình dục là việc bản thân đáng xấu hổ, thấy mình xấu xa, mất giá trị. Tâm lý ấy đè nặng làm họ chọn "bật chế độ im lặng". 

Bị xâm hại tình dục và câu hỏi nghiệt ngã sao 23 năm sau mới lên tiếng? - 3

Những "bàn tay bịt miệng" trẻ có ở khắp nơi (Ảnh minh họa).

Chưa nói đến đủ sức mạnh, quyền lực bủa vây xung quanh nạn nhân, chỉ cần một câu hỏi "Sao em lại bị xâm hại?" đã có thể lập tức bịt miệng đứa trẻ. Sự tàn nhẫn đó không dừng lại khi đến một ngày, nạn nhân lên tiếng, lại được hồi đáp "Sao giờ mới lên tiếng?", "Sao lại lên tiếng?", chẳng khác nào câu "Im lặng đi!".

Thực tế, sao khó tìm chỗ trống, không gian an toàn cho nạn nhân của bạo lực, của xâm hại tình dục, để họ có thể lên tiếng, dù ngay lúc đó hay sau hàng chục năm. Dường như lên tiếng thời điểm nào họ cũng bị phán xét.

Khi chúng ta hỏi người khác "Sao bây giờ mới lên tiếng" thì phải chăng, tôi, bạn vẫn đang giữ những bí mật của riêng mình vì không đủ dũng cảm lên tiếng hoặc lựa chọn im lặng để sống.

Chưa nói đến việc xâm hại tình dục, theo nhiều khảo sát, tỷ lệ phụ nữ im lặng khi bị chồng, bạn trai đánh đập bạo hành luôn chiếm áp đảo. Thậm chí, chị em còn luôn tìm cách che đậy, ngụy trang bằng những khuôn mặt cười. 

Những người công khai sự việc thực sự khác biệt, họ đã dũng cảm và không tiếp tục chọn im lặng nữa...

Các chuyên gia tâm lý nhấn mạnh, phải rất khó khăn để một nạn nhân bị xâm hại tình dục lên tiếng. Có thể khi đã trải qua quá nhiều đau đớn, chịu đựng, họ thấy mình phải mạnh mẽ hơn để bảo vệ mình và bảo vệ nhiều người khác; có thể họ được tiếp cận được văn minh, hiểu được quyền của nạn nhân bị xâm hại... Và khi đó, hơn lúc nào khác, họ cần sự động viên, khích lệ. 

Trở lại việc lý giải tâm trạng của nữ bác sĩ về hưu hơn 50 năm vật lộn với sang chấn tâm lý vì tuổi thơ bị xâm hại, thông điệp có thể thấy là "khi xuống mồ tôi vẫn muốn được lên tiếng...".

Việc lên tiếng được chỉ rõ là để nạn nhân chữa lành cho chính mình!

Khi đó, nếu không thể nói điều gì tốt đẹp để chia sẻ với nỗi đau khó hình dung một người đã chịu đựng, chính "người ngoài" mới là người cần im lặng...