DNews

Hạnh phúc ở nơi làm việc, nhân sự cống hiến gấp đôi, gắn bó không vì tiền

Hoa Lê

(Dân trí) - Khi cảm thấy hạnh phúc tại nơi làm việc, người lao động sẽ cống hiến hơn mức bình thường gấp 1,7 lần. Vì vậy, chú trọng xây dựng nhân lực bền vững đã và đang là hướng đi trọng tâm của doanh nghiệp.

Hạnh phúc ở nơi làm việc, nhân sự cống hiến gấp đôi, gắn bó không vì tiền

Bộ ba tiêu chuẩn ESG (viết tắt của Environmental - Môi trường, Social - Xã hội và Governance - Quản trị) được sử dụng để đo lường mức độ phát triển bền vững và tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng. Là một trong ba thành tố tiêu chuẩn, việc xây dựng giá trị xã hội (chữ 'S' - Social) với yếu tố nhân lực làm trọng tâm đang được các doanh nghiệp đặc biệt chú ý.

Để có bức tranh đa chiều về nhu cầu của người lao động với công việc hạnh phúc và giải pháp cho doanh nghiệp xây dựng nguồn nhân lực theo định hướng ESG, bà Thanh Nguyễn, Giám đốc Điều hành và Truyền cảm hứng hạnh phúc, Công ty Cổ phần Anphabe có cuộc trao đổi với PV Dân trí xoay quanh chủ đề này.

Dịch chuyển về tiêu chí nơi làm việc lý tưởng

Là đơn vị đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc xây dựng nơi làm việc hạnh phúc và tốt đẹp hơn, hẳn bà trải nghiệm đủ về mối quan tâm, sự kỳ vọng của người lao động về "nơi làm việc lý tưởng"?

- Hàng năm, chúng tôi đều thực hiện các khảo sát trên diện rộng với hàng chục nghìn người lao động để đánh giá "nơi làm việc lý tưởng" với họ dựa trên những yếu tố quan trọng nào.

Qua đó, chúng tôi tổng kết được người lao động quan tâm đến 6 nhóm yếu tố lớn khi làm việc trong doanh nghiệp, bao gồm: Tưởng thưởng; Cơ hội phát triển; Văn hóa và môi trường; Lãnh đạo và quản lý; Chất lượng công việc và cuộc sống; Danh tiếng công ty.

Hạnh phúc ở nơi làm việc, nhân sự cống hiến gấp đôi, gắn bó không vì tiền - 1
Hạnh phúc ở nơi làm việc, nhân sự cống hiến gấp đôi, gắn bó không vì tiền - 2

Các yếu tố này góp phần quan trọng trong việc xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc và giữ chân nhân tài, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững hơn. Dù chưa có khảo sát cụ thể về ESG, nhưng những nghiên cứu về nhân lực bền vững tại Anphabe phần nào phản ánh được tầm quan trọng của việc xây dựng một môi trường làm việc chú trọng vào con người, giúp doanh nghiệp đạt được sự phát triển dài hạn.

Vấn đề xã hội là tổng thể các yếu tố gắn liền với người lao động. Chúng tôi có thể kể đến các quyền và nghĩa vụ liên quan đến luật lao động; quyền riêng tư; tính công bằng, hòa nhập và đa dạng; môi trường phát triển và điều kiện làm việc,…

Việc xây dựng và cụ thể hóa các yếu tố liên quan đến các vấn đề xã hội của người lao động cần phải mang tính tiêu chuẩn và trọng tâm, đi từ nhu cầu mong muốn thực tế của người lao động như chúng tôi đã nêu.

Hạnh phúc ở nơi làm việc, nhân sự cống hiến gấp đôi, gắn bó không vì tiền - 3

Cụ thể, một khảo sát của Anphabe trong 10 năm trở lại đây (2014-2023) cho thấy, mối quan tâm của người lao động về các tiêu chí về nơi làm việc lý tưởng cũng có sự dịch chuyển nhất định. Qua đó, chúng tôi nhận thấy, nổi bật trong đó 2 yếu tố được người lao động quan tâm nhiều hơn, chính là chất lượng công việc và cuộc sống, yếu tố văn hóa và môi trường.

Yếu tố tưởng thưởng tuy vẫn được người lao động cân nhắc hàng đầu, song chúng tôi thấy được qua khảo sát, sự quan tâm có phần giảm đi, với 43% người lao động quan tâm vào năm 2018 xuống còn 34% người lao động vào năm 2023.

Điều đó cho thấy, bên cạnh yếu tố tưởng thưởng thì doanh nghiệp cần tập trung nhiều hơn vào 2 yếu tố chất lượng công việc và cuộc sống, văn hóa và môi trường cho người lao động.

Động lực hết lòng với công việc

Từ mong mỏi của người lao động về điều kiện, môi trường làm việc tốt hơn, doanh nghiệp cần xây dựng, cụ thể hóa nhóm tiêu chuẩn để hình thành, phát triển nhân lực bền vững ra sao?

- Theo tôi, hiểu một cách đơn giản, bản chất của việc phát triển nguồn nhân lực bền vững trong doanh nghiệp chính là xây dựng một môi trường làm việc hạnh phúc cho nhân viên.

Bởi, khi nhân viên hạnh phúc, họ sẽ gắn kết cả lý trí và tình cảm với công việc và công ty, có động lực để đóng góp, nỗ lực cho thành công của công ty cũng như cam kết gắn bó lâu dài.

Hạnh phúc ở nơi làm việc, nhân sự cống hiến gấp đôi, gắn bó không vì tiền - 4

Bà Thanh Nguyễn, Giám đốc Điều hành và Truyền cảm hứng hạnh phúc, Công ty Cổ phần Anphabe (Ảnh: NVCC).

Thực hiện khảo sát về "Xu hướng người lao động và Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam giai đoạn 2018-2023", chúng tôi đã thấy rõ điều này. Khi người lao động cảm thấy hạnh phúc tại nơi làm việc, họ sẽ cống hiến và làm nhiều hơn mức bình thường gấp 1,7 lần để giúp doanh nghiệp thành công. Tinh thần không nản lòng trước thất bại của họ tăng 1,8 lần. Mức độ thường xuyên đóng góp sáng kiến và ý tưởng của họ tăng 2,3 lần và mức độ mong muốn chọn làm việc ở công ty hiện tại của họ gấp 2,5 lần thay vì nơi khác trả lương cao hơn.

Bên cạnh đó, theo kết quả khảo sát do Anphabe thực hiện vào quý III năm 2024 với các chuyên gia nhân sự (HR) tại nhiều doanh nghiệp, các doanh nghiệp tiếp tục khẳng định sự quan tâm và đầu tư mạnh mẽ vào việc nâng cao trải nghiệm của nhân viên, giữ chân nhân tài, cũng như đảm bảo sức khỏe và phúc lợi toàn diện cho người lao động.

Các ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp mà chúng tôi nhận thấy bao gồm nâng cao trải nghiệm, gắn kết và giữ chân nhân tài; Phát triển năng lực lãnh đạo cho đội ngũ quản lý; Tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ kế thừa; Tối ưu hiệu quả chính sách tưởng thưởng…

Hạnh phúc ở nơi làm việc, nhân sự cống hiến gấp đôi, gắn bó không vì tiền - 5

Ngoài ra, vào năm 2023, khi Anphabe đưa ra mô hình doanh nghiệp "kiên hoạt" gồm 5 yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng thích ứng bao gồm: Vận hành, xã hội, tài chính, chiến lược và con người.

Chúng tôi thấy rằng, "con người kiên hoạt" cũng là một yếu tố được doanh nghiệp chú trọng tập trung để phát triển bền vững trước sự biến đổi không ngừng của thị trường hiện nay.

Trước khung tiêu chuẩn thực thi phát triển nhân lực bền vững, bà có thể khái quát bức tranh về việc thực hiện trọng trách xã hội, chăm lo cho nhân lực - vốn quý của doanh nghiệp ở các đơn vị ESG tại Việt Nam?

- Các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang triển khai nhiều mô hình ESG nhằm góp phần cải thiện phúc lợi xã hội và chăm lo cho người lao động. Từ khảo sát tại một trong những ngân hàng thương mại lớn tại Việt Nam trong thực hành ESG có thể thấy, doanh nghiệp này không chỉ tập trung vào các hoạt động từ thiện như tài trợ xây dựng điểm trường cho học sinh vùng sâu, vùng xa mà còn đặc biệt chú trọng đến phúc lợi người lao động.

Đơn vị này đã triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ bảo hiểm cho cả gia đình của nhân viên, giúp người lao động giảm bớt gánh nặng tài chính và đảm bảo an sinh.

Tương tự, một doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam có vốn đầu tư Nhật Bản cũng có nhiều sáng kiến hướng đến sự phát triển bền vững về mặt xã hội. Doanh nghiệp này đã tổ chức các chương trình như cấp học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thúc đẩy lối sống lành mạnh và xây dựng cộng đồng đa dạng.

Hạnh phúc ở nơi làm việc, nhân sự cống hiến gấp đôi, gắn bó không vì tiền - 6

Mối quan tâm của người lao động về các tiêu chí về nơi làm việc lý tưởng cũng có sự dịch chuyển nhất định (Ảnh: NVCC).

Ngoài ra, chúng tôi biết được, đơn vị còn tích cực tham gia vào các hoạt động cứu trợ nhân đạo, hỗ trợ các vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai và dịch bệnh, thể hiện rõ trách nhiệm xã hội của mình trong việc chăm sóc cộng đồng.

Hay một tập đoàn quản lý tài sản đa lĩnh vực ở Việt Nam cũng đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với trách nhiệm xã hội thông qua nhiều hoạt động thiết thực nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cộng đồng.

Một trong những sáng kiến nổi bật là việc thành lập quỹ, với sứ mệnh hỗ trợ bệnh nhi mắc bệnh tim thông qua các chương trình phẫu thuật và cung cấp trang thiết bị y tế cần thiết.

Hạnh phúc ở nơi làm việc, nhân sự cống hiến gấp đôi, gắn bó không vì tiền - 7

Bên cạnh đó, công ty còn đầu tư thời gian và nguồn lực cho giáo dục thị trường, thông qua việc chia sẻ thông tin, kiến thức và đào tạo cho các đối tác, góp phần nâng cao năng lực và nhận thức về thị trường.

Ngoài ra, tổ chức này cũng có các hoạt động nâng cao kỹ năng và tạo việc làm cho dân cư tại các địa phương nơi công ty triển khai dự án. Điều này không chỉ giúp cải thiện đời sống của người dân mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Tôi cho rằng, những mô hình trên không chỉ khẳng định cam kết của doanh nghiệp đối với xã hội mà còn tạo ra môi trường làm việc tốt hơn, nâng cao sự gắn kết giữa người lao động và tổ chức, qua đó đóng góp vào sự phát triển bền vững của cả doanh nghiệp và cộng đồng.

Chiến lược phát triển nhân lực

Qua quan sát việc thực hành ESG trong các doanh nghiệp tại Việt Nam, trọng tâm là nguồn nhân lực bền vững, bà nhận thấy các đơn vị cần bổ sung thêm những yếu tố nào để đẩy mạnh nhân lực bền vững theo hướng ESG?

- Để phát triển nguồn nhân lực bền vững, các doanh nghiệp Việt Nam hiện thiếu một số yếu tố quan trọng, trong đó nổi bật là thiếu phương pháp đánh giá và theo dõi tổng thể về tình trạng nguồn nhân lực.

Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có các hệ thống tiêu chuẩn để theo dõi sức khỏe toàn diện của người lao động cũng như khả năng thích ứng, kiên hoạt của họ trước các thay đổi của thị trường. Việc này khiến doanh nghiệp khó có thể đưa ra những giải pháp và chiến lược kịp thời nhằm điều chỉnh và phát triển đội ngũ nhân lực phù hợp với những yêu cầu mới của thị trường.

Hạnh phúc ở nơi làm việc, nhân sự cống hiến gấp đôi, gắn bó không vì tiền - 8

Chúng tôi cho rằng, doanh nghiệp nào cũng cần chủ động xây dựng các cơ chế đánh giá định kỳ và liên tục về trạng thái của nguồn nhân lực, từ sức khỏe thể chất, tinh thần cho đến mức độ gắn kết và năng lực thích ứng. Cơ chế này có thể do chính doanh nghiệp đưa ra hoặc có thể tham khảo một số phương pháp đánh giá toàn diện và khách quan từ các chuyên gia nhân sự.

Sau hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu và đánh giá cho hàng trăm doanh nghiệp hàng đầu tại thị trường Việt Nam, Anphabe cũng đã hoàn thiện mô hình và phương pháp đánh giá về nguồn nhân lực hạnh phúc thông qua 15 yếu tố môi trường làm việc quan trọng có tác động tới "chỉ số hạnh phúc" của nhân viên.

Chúng tôi cho rằng, điều này không chỉ giúp doanh nghiệp có cách nhìn nhận khách quan nhất về mức độ "hạnh phúc" của nhân viên, mà còn có những bước đi chiến lược hiệu quả để nâng cao sự hài lòng và hạnh phúc của nhân viên, cải thiện môi trường làm việc, tạo ra nguồn nhân lực bền vững sẵn sàng đóng góp vào thành công chung của doanh nghiệp.

Cảm ơn bà về cuộc trao đổi hữu ích!