Nữ giáo viên mầm non kiếm nửa tỷ đồng mỗi năm nhờ món quà quê giã bằng tay

Hạnh Linh

(Dân trí) - Là giáo viên, nhưng chị Phương lại có niềm đam mê làm mắm cáy theo phương pháp giã tay truyền thống. Sản phẩm của chị được ưa chuộng, mỗi năm xuất bán hàng nghìn lít, thu về gần nửa tỷ đồng.

Sau mỗi giờ lên lớp, chị Nguyễn Thị Thu Phương (40 tuổi), thôn Châu Sơn, xã Tế Nông, huyện Nông Cống, Thanh Hóa lại tất bật bên chum nước mắm cáy, đóng chai, dán nhãn mác và gửi cho khách hàng.

Trung bình mỗi năm, xưởng sản xuất mắm cáy của gia đình chị Phương bán ra thị trường khoảng 5.000 lít, mang lại doanh thu gần nửa tỷ đồng.

Nữ giáo viên mầm non kiếm nửa tỷ đồng mỗi năm nhờ món quà quê giã bằng tay - 1

Nữ giáo viên làm giàu từ mắm cáy (Ảnh: Hạnh Linh).

Ít ai ngờ rằng, người đứng sau thành công của món ăn được mệnh danh là "tinh hoa ẩm thực vùng chiêm trũng" lại là một giáo viên, đang công tác tại Trường Mầm non xã Tế Nông.

Theo chị Phương, quê chị ở ven sông Hoàng, sông Nhơm với những cánh đồng cói, lúa bạt ngàn. Đây là môi trường sống lý tưởng của loài cáy. Người dân địa phương thường ra đồng bắt cáy để làm mắm chấm các loại rau, củ.

"Năm 2015, lương giáo viên mầm non thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Vì thế, vào những ngày hè, tôi làm thêm mắm cáy để ăn. Khi thử sản phẩm tự tay làm ra, tôi thấy nó rất ngon nên càng đam mê làm hơn", chị Phương chia sẻ.

Theo chị Phương, trong một lần gửi sản phẩm vào đơn vị của chồng, đồng nghiệp của anh đã thưởng thức và khen ngon. Từ những lời khen chân thành đó, chị bắt đầu nhen nhóm ý tưởng biến món mắm cáy thành một sản phẩm có giá trị thương mại.

Ban đầu, chị làm số lượng nhỏ theo đơn đặt hàng của bạn bè, người quen. Dần dần, tiếng lành đồn xa, khách hàng tìm đến ngày một nhiều. Nhận thấy tiềm năng phát triển, chị mạnh dạn đầu tư vào quy trình chế biến và học cách đóng gói sản phẩm sao cho vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa giữ được hương vị truyền thống.

Nữ giáo viên mầm non kiếm nửa tỷ đồng mỗi năm nhờ món quà quê giã bằng tay - 2

Cáy dùng để làm mắm cáy phải là cáy tươi sống (Ảnh: Hạnh Linh).

Chị Phương cho biết, để làm ra những giọt mắm ngon, giữ trọn hương vị truyền thống, người làm cần chú trọng từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến quy trình chế biến.

Nguyên liệu chính của mắm cáy là cáy và muối. Cáy dùng để làm mắm phải là loại to, còn tươi sống. Sau khi bóc yếm, cáy được rửa sạch, để ráo nước, rồi trộn đều với muối theo tỷ lệ phù hợp và cho vào cối giã.

Cáy sau khi giã nhuyễn sẽ được cho vào chum sành, ủ 4-5 tháng. Trong quá trình ủ, cứ 10 ngày, nước cáy lại được khuấy đảo một lần. Sau khi ủ chín, cáy sẽ được giã lần 2, vắt lấy nước cốt, đóng chai.

"Mắm cáy hoàn toàn không sử dụng chất tạo màu hay bất kỳ loại phụ gia nào. Khi thưởng thức, người dùng pha mắm cáy với tỏi, ớt, chanh rồi đánh bọt để tăng hương vị và tạo độ hấp dẫn. Sản phẩm thường được dùng để nấu canh, làm nước chấm cho các loại rau, củ", chị Phương chia sẻ.

Không chỉ dừng lại ở việc bán lẻ, nữ giáo viên còn tìm cách đưa mắm cáy vào các kênh phân phối lớn, mang sản phẩm ra ngoài tỉnh. Chị hy vọng sản phẩm sẽ được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và mở rộng thị trường để tạo thêm sinh kế cho người dân.

Nữ giáo viên mầm non kiếm nửa tỷ đồng mỗi năm nhờ món quà quê giã bằng tay - 3

Mắm cáy được đóng chai, xuất bán ra thị trường (Ảnh: Hạnh Linh).

Ông Lê Hùng Đỉnh, Chủ tịch UBND xã Tế Nông, cho biết, địa phương này vốn là vùng quê chiêm trũng, phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của loài cáy. Vì thế, nghề bắt cáy và làm mắm cáy đã có từ lâu đời.

Theo ông Đỉnh, chính sự kiên trì, sáng tạo và tình yêu với ẩm thực quê hương đã giúp chị Nguyễn Thị Thu Phương, một giáo viên mầm non, gây dựng được thương hiệu riêng cho món mắm cáy.

Sản phẩm mắm cáy của gia đình chị đã được công nhận là sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao năm 2024 của huyện Nông Cống.

Cáy là loài thuộc họ cua đất, sinh sống tự nhiên trong hang ven bờ ruộng, mương, sông. 

Vào ngày nắng, cáy thường bò ra kiếm ăn, nhưng rất nhạy cảm với âm thanh. Việc bắt cáy đòi hỏi sự nhanh nhẹn và kinh nghiệm, kỹ năng truyền đời của người dân vùng chiêm trũng.