"Chỉ khi sáp nhập và tinh giản, tôi mới hiểu ổn định là... cái bẫy"
(Dân trí) - Tốt nghiệp đại học chuyên ngành quản lý đất đai, anh Lưu Văn Bình quyết định về quê, vào làm nhà nước để ổn định cuộc sống. 8 năm sau, giờ anh thấm thía cái giá của tư tưởng "biên chế suốt đời".
8 năm, 2 lần thi công chức
8 năm, 2 lần thi công chức cũng chỉ để có chỗ ổn định, anh Bình (35 tuổi), từ bỏ cơ hội được cọ xát và cạnh tranh trong môi trường tư nhân để làm một công việc "không phải lo đào thải".
"Bố mẹ tôi vẫn mong muốn con ổn định. Họ hàng nhà tôi nhiều người làm nhà nước, thực tế chứng minh họ có một cuộc sống không quá dư dả nhưng chưa bao giờ phải lo chuyện tiền bạc", anh Bình kể lại.
13 năm trước, khi tốt nghiệp đại học, anh Bình lăn lộn qua đủ việc, đủ nghề ở TPHCM. Sau 5 năm, khi mẹ ốm mất, anh quyết định trở về quê, tìm cơ hội thi công chức để ổn định cuộc sống, chăm sóc bố già yếu.
"Thời sinh viên của tôi khá năng động. Tôi từng làm cộng tác viên bán hàng, rồi có đi theo các anh chị làm môi giới bất động sản, cũng từng làm nhiều việc tay chân, dù có khả năng thu nhập tốt, tôi vẫn thấy cuộc sống vừa áp lực, vừa bấp bênh. Lúc đó vừa có gánh nặng gia đình, vừa mong ổn định, tôi quyết định về nhà", anh Bình bộc bạch.

Từ bỏ cơ hội được cọ xát ở thành phố, anh Bình về quê với hứa hẹn sẽ có công việc cả đời không lo bị đào thải (Ảnh minh họa: DT).
Thi công chức cấp huyện cũng không dễ. Dù có "chỗ quen biết", suốt 8 năm qua, anh vẫn ở vị trí nhân viên hợp đồng.
"Chân trong chân ngoài, tôi vẫn có thu nhập khoảng trên dưới 10 triệu đồng mỗi tháng, đủ sống ở quê", anh Bình chia sẻ thật.
Khi được hỏi vì sao vẫn cố gắng bám trụ khi mãi chưa được vào biên chế, anh cho biết tâm lý của người trở về rất ngại đi xa một lần nữa. Thêm vào đó, những hứa hẹn về một công việc ổn định trong giai đoạn khó khăn, bất ổn quá hấp dẫn, khiến anh kiên trì chờ đợi để được đến lúc "hái quả ngọt".
"Ở quê không áp lực cạnh tranh, chi phí lại rẻ nên chỉ cần khéo léo thu vén một chút có thể sống tốt. Bên ngoài công việc thực sự rất áp lực, tôi nhìn thấy nhiều người quen, bạn bè mình vật lộn với những đợt sa thải nên không nghĩ mình có thể làm được", anh Bình nói.

Nhiều người cố gắng bám trụ để có vị trí trong bộ máy nhà nước dù thu nhập không đáng kể (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn).
Khi cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy diễn ra, những nhân viên hợp đồng như anh Bình nằm trong diện bị tinh giản đầu tiên. Anh nói dù có cố gắng bám trụ thế nào đi chăng nữa, tương lai trong nhà nước cũng không còn dễ dàng.
"Chúng tôi đều biết đến kế hoạch tinh giản biên chế. Nhưng không nghĩ việc này lại diễn ra nhanh chóng, quyết liệt như vậy. Tôi vẫn đinh ninh rằng mình vẫn còn chỗ, chỉ cần kiên nhẫn chờ. Nhưng không ngờ đó là cái bẫy tâm lý do chính mình tạo ra", anh Lưu Văn Bình thở dài.
Quay lại với thực tế
Tìm hiểu về thị trường việc làm sau 8 năm gần như ngó lơ, anh Bình thất vọng khi các vị trí nhân viên kinh doanh, bán hàng... ở các công ty tại thành phố cũng không hơn lương nhà nước là bao.
"Làm ở doanh nghiệp cơ bản nhất phải có doanh số mới có thêm hoa hồng, còn lương cứng thì rất thấp. Kỹ năng chuyên môn và bằng cấp của tôi không nhiều công ty cần đến, những kinh nghiệm làm việc ngày xưa cũng gần như mai một. Nếu muốn bắt đầu, tôi chỉ có thể làm một người học việc với mức lương bèo bọt", anh nói.
Khi tham khảo kinh nghiệm của những người bạn cũ đang làm cho các doanh nghiệp tư nhân, anh Bình sốt ruột vì góc nhìn và cách tư duy của anh đã bị lạc hậu rất nhiều so với mọi người.
"Tôi cũng gần 40 tuổi rồi. Bạn bè đều động viên rằng thời đại này ở đâu cũng phải vật lộn, chiến đấu để tồn tại. Bạn bè của tôi dù đã nhiều năm bon chen ở thành phố vẫn phải chuẩn bị sẵn tinh thần có thể bị đào thải bất cứ lúc nào nếu không phải tự mình làm chủ", anh Bình kể.

Sau nhiều năm làm việc ổn định, nhiều người sốc khi quay lại với thị trường tư nhân (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn).
TS Bùi Thị Ngọc Hiền, Phó Trưởng khoa Hành chính học, Học viện Hành chính và Quản trị công, khái quát tâm lý làm việc của công chức hiện nay vẫn gắn với văn hóa công vụ. Đây là một vấn đề không dễ thay đổi.
"Do hoàn cảnh lịch sử, trước năm 1986, Việt Nam thực hiện cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, với mô hình hành chính công truyền thống. Mô hình này có tính ổn định, tập trung thống nhất cao, phù hợp với bối cảnh cần dồn nguồn lực quốc gia để thực hiện những mục tiêu lớn, chung của đất nước.
Khi cả nước chuyển sang nền kinh tế thị trường, mô hình này không còn phù hợp. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ, công chức vẫn quen tư duy quản lý theo cơ chế cũ, dẫn tới có nhiều bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện công việc và mức độ đáp ứng yêu cầu của người dân", TS Hiền phân tích.
Theo chuyên gia, vấn đề lớn nhất của lao động phải rời khỏi bộ máy nhà nước là rào cản tâm lý. Vốn quen với tư duy làm nhà nước sẽ ổn định suốt đời, nhiều người sốc khi phải bước vào thị trường tư nhân với mức độ cạnh tranh, đào thải cao để tìm việc.
Tự loại bỏ tâm lý "biên chế suốt đời"
Bà Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành Anphabe, cho rằng những người đã và sắp rời khu vực công cần nhìn nhận thực tế không chỉ đơn vị nhà nước tinh giản mà khối tư nhân cũng đang thực hiện mạnh mẽ sắp xếp. Tinh gọn bộ máy, lựa chọn nhân sự ưu tú với các kỹ năng mới là yêu cầu hàng đầu của tất cả tổ chức và quá trình này sẽ tiếp tục diễn ra. Do đó, để thích ứng, người làm khu vực công cần cởi bỏ tư duy biên chế suốt đời và sẵn sàng cho sự thay đổi.
Theo các chuyên gia nhân sự, trước hết, cán bộ, công chức cần định nghĩa lại sự ổn định và an toàn. Trước đây, định nghĩa ổn định là làm một công việc đến khi nghỉ hưu. Nhưng giờ đây, ổn định nên hiểu là dù có bất kỳ chuyện gì xảy ra với tổ chức, nhân viên vẫn luôn có cơ hội. Do đó, người đi làm phải tự gia tăng năng lực mới của mình để phù hợp với sự phát triển, yêu cầu của công việc.
Theo chuyên gia, để thích nghi và phát triển tốt, cán bộ, công chức cần chuẩn bị kỹ về tâm lý, đặc biệt là yêu cầu làm việc cường độ cao, sẵn sàng học hỏi, chủ động thể hiện bản thân qua tinh thần trách nhiệm, kết quả công việc. Sự động viên từ gia đình, bạn bè cũng giúp người rời khu vực công có năng lượng tích cực, thích ứng môi trường mới.