Tên lửa Triều Tiên dọa dùng để tấn công Mỹ mạnh tới đâu?
(Dân trí) - Triều Tiên tuyên bố sẽ hoàn tất kế hoạch bắn 4 tên lửa Hwasong-12 vào đảo Guam của Mỹ vào giữa tháng này để đáp trả lại những cảnh báo của Mỹ thời gian gần đây.
Đáp lại cảnh báo trút “lửa thịnh nộ” của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Triều Tiên hôm nay 10/8 đã công bố chi tiết kế hoạch tấn công đảo Guam của Mỹ.
Hãng thông tấn KCNA dẫn thông báo của quân đội Triều Tiên cho biết, theo kế hoạch này, Triều Tiên dọa sẽ bắn 4 tên lửa Hwasong-12 vào khu vực cách Guam chỉ khoảng 30-40km.
Vậy tại sao Triều Tiên lựa chọn Hwasong-12 cho kế hoạch này?
Đến nay, Hwasong-12 được coi là tên lửa có tầm bắn xa nhất của Triều Tiên đã trải qua phóng thử nghiệm. Vụ thử nghiệm đầu tiên của Hwasong-12 diễn ra hôm 14/5 vừa qua.
Tên lửa này đã bay xa 787km và bay cao hơn 2.000km. Giới chuyên gia cho rằng, Triều Tiên đã cố ý phóng tên lửa gần như thẳng đứng để tránh bay qua không phận Nhật Bản, song nếu bắn theo đường bay thông thường, tầm bắn của nó có thể lên tới 4.500km.
Thông tin về Hwasong-12 trước vụ phóng hôm 14/5 rất ít ngoại trừ lần ra mắt đầu tiên trong lễ duyệt binh hôm 15/4 của Triều Tiên. Dựa vào phân tích những hình ảnh do Triều Tiên công bố về vụ phóng, giới chuyên gia cho rằng, Hwasong-12 là một tên lửa hoàn toàn mới với các đặc điểm thiết kế, động cơ mới và có khả năng mang lượng chất nổ tới 500kg.
Bản thân Hwasong-12 không phải là một ICBM nhưng lại sở hữu tất cả công nghệ cần thiết để chế tạo tên lửa có tầm bắn tới Mỹ. Hwasong-12 có tầm bắn ước tính khoảng 4.500km, trong khi ICBM có tầm bắn ít nhất 5.500km.
Giới chuyên gia cho rằng, Hwasong-12 có tầm bắn thực tế ít nhất 4.500km. (Ảnh: NTI)
Hôm 4/7 Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên có tên gọi Hwasong-14. Tên lửa này bay xa gần 1.000km và cao gần 3.000km, trong khi giới chuyên gia ước tính nếu bắn theo đường bay chuẩn tầm bắn của nó có thể tới 6.500km. Điều đáng nói là tên lửa này vẫn chỉ sử dụng động cơ giống Hwasong-12 và một số công nghệ áp dụng cho Hwasong-12. Vì vậy, để tìm hiểu về chương trình ICBM của Triều Tiên, các chuyên gia có thể bắt đầu từ Hwasong-12 - bước tiến lớn trong chương trình phát triển tên lửa của Bình Nhưỡng.
Thêm vào đó, Triều Tiên tuyên bố đã gắn thành công đầu đạn hạt nhân cỡ lớn cho Hwasong-12. Điều này cho thấy, việc Triều Tiên chế tạo được đầu đạn hạt nhân thu nhỏ có thể gắn cho tên lửa liên lục địa chỉ là vấn đề thời gian.
Báo cáo gần đây của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) cho biết Triều Tiên có thể đã thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn trên tên lửa, bao gồm cả tên lửa đạn đạo liên lục địa có tầm bắn vươn tới lãnh thổ Mỹ.
Minh Phương
Theo NTI