1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ "hợp tác bất cứ đâu, đối đầu bất cứ khi nào" với Trung Quốc

(Dân trí) - Giới chức quốc phòng Mỹ khẳng định sẽ duy trì đối sách vừa hợp tác và đối đầu với Trung Quốc theo phương châm “Hợp tác ở bất cứ đâu, đối đầu bất cứ khi nào”. Về Biển Đông, Mỹ tuyên bố tiếp tục tuần tra tự do hàng hải, hàng không thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh.


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter. (Ảnh: IISS)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter. (Ảnh: IISS)

“Hợp tác ở bất cứ đâu, đối đầu ở bất cứ khi nào”

Trong cuộc họp báo chung bên lề Diễn đàn đối thoại Shangri-La tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cùng với Tư lệnh Hải quân Mỹ phụ trách tác chiến, Đô đốc John M. Richardson John M. Richardson và Tư lệnh Hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương Harry B. Harris Jr, trợ lý bộ trưởng quốc phòng về vấn đề an ninh châu Á-Thái Bình Dương David B. Shear đã đưa ra phác thảo đối sách với Trung Quốc. Theo đó, đối sách này sẽ là: “Hợp tác ở bất cứ đâu, đối đầu ở bất cứ khi nào”.

Đô đốc Richardson nói rằng đối sách của Hải quân Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương cũng giống như đối sách ở bất cứ đầu trên thế giới, đó là: Đảm bảo tự do hàng hải và các thông lệ quốc tế. “Chúng tôi đang thách thức các tuyên bố chủ quyền thái quá ở khắp thế giới, và ủng hộ một trật tự được thiết lập dựa trên nguyên tắc, đặc biệt là các thông lệ quốc tế.

Trong khi đó, Đô đốc Harris nói: “Chúng tôi muốn hợp tác với Trung Quốc trong mọi lĩnh vực nhiều nhất có thể, do đó chúng tôi giữ quan điểm rằng sẵn sàng hợp tác ở bất cứ đâu có thể, đối đầu bất cứ khi nào nếu cần”.

Cũng tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Carter đã đề cập lại chiến lược lập một mạng lưới an ninh có nguyên tắc tại châu Á như ông đã nêu trong bài phát biểu tại Diễn đàn sáng 4/6.

“Mỹ và các nước khác ở châu Á-Thái Bình Dương đang phối hợp để xây dựng một mạng lưới an ninh có nguyên tắc để đảm bảo tất cả người dân, tất cả các quốc gia có thể tiếp tục phát triển và thịnh vượng. Chính sách mà tôi miêu tả hôm nay đó là một trong những yếu tố hỗ trợ mạng lưới an ninh có nguyên tắc bao gồm cả việc thông qua tái cân bằng lực lượng trong khu vực”, người đứng đầu Lầu Năm Góc nhấn mạnh.

Ông Carter nói thêm: “Mạng lưới này với việc cho phép tất cả các nước có thể tiếp cận thông qua chia sẻ an ninh một cách có trách nhiệ sẽ là làn sóng tiếp theo trong an ninh của châu Á-Thái Bình Dương. Chiến lược của chúng tôi đảm bảo Mỹ tiếp tục là người giữ gìn an ninh chính của khu vực”.

Tiếp tục tuần tra tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông

Bàn về cam kết an ninh của Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Bộ trưởng Carter nói rằng, một số người đã sai lầm khi đồn đoán rằng Mỹ sắp rút khỏi khu vực, vì thực tế “điều này sẽ không xảy ra”.

“Đó là bởi vì khu vực chiếm gần một nửa dân số thế giới, gần một nửa kinh tế toàn cầu này vẫn là khu vực có tác động nhiều nhất đến an ninh cũng như sự thịnh vượng của nước Mỹ”, ông Carter nhấn mạnh.

Ông khẳng định thêm: “Cho dù bất cứ điều gì xảy ra ở nước Mỹ hay bất cứ đâu trên thế giới, dưới thời chính phủ Dân chủ hay Cộng hòa, ngân sách thặng dư hay thâm hụt, thời bình hay chiến tranh, Mỹ vẫn hợp tác cả về kinh tế, chính trị, quân sự cũng như hiện diện ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đó là bởi vì sự hiện diện của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương nằm trong lợi ích của Mỹ, chứ không phải chính sách của bất cứ một đảng phái chính trị nào”.

Về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Carter khẳng định Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp nhưng ủng hộ duy trì tự do hàng hải trong khu vực và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.. “Hoạt động tuần tra của Mỹ nằm trong khuôn khổ luật pháp quốc tế và chỉ nhằm bảo đảm tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông”, và “Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động này”, ông Carter tuyên bố.

Mặt khác, ông cảnh báo, với hoạt động bồi đắp, cải tạo trái phép ở Biển Đông để thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đang xây nên một “Vạn lý trường thành tự cô lập”.

Minh Phương

Tổng hợp