1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

5 điểm nhấn của Đối thoại Shangri-La 2016

(Dân trí) - Căng thẳng ở Biển Đông là chủ đề “thống trị” Đối thoại Shangri-La năm nay, khi lãnh đạo quốc phòng của nhiều nước đồng loạt lên tiếng trước các hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.


Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu đoàn Việt Nam tại Shangri-La năm nay. (Ảnh: Reuters)

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu đoàn Việt Nam tại Shangri-La năm nay. (Ảnh: Reuters)

Đối thoại Shangri-La, một trong những diễn đàn an ninh hàng đầu thế giới, đã kết thúc ngày 5/6 sau 3 ngày họp, với nhiều phiên họp sôi nổi, các cuộc gặp song phương và thảo luận không chính thức giữa hơn 600 quan chức quốc phòng và an ninh, các học giả… Tờ Straitstimes của Singapore đã nêu ra 5 điểm nhấn của Đối thoại Shangri-La 2016.

Những điểm nhấn trong ngày họp thứ 3 của Đối thoại Shangri-La

Biển Đông “thống trị” diễn đàn

Không vấn đề nào từng “thống trị” Đối thoại Shangri-La như vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Mối quan tâm về Biển Đông càng mạnh mẽ hơn tại diễn đàn năm nay, khi Trung Quốc tăng cường hoạt động cải tạo đất và xây đảo nhân tạo phi pháp. Chỉ trong 1 năm, Trung Quốc đã đẩy mạnh các cuộc tuần tra hàng hải và xây dựng hàng loạt cơ sở quân sự trên các bãi cạn ở Biển Đông. Bắc Kinh cũng nhiều lần ngang ngược tuyên bố sẽ không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong suốt diễn đàn, Bộ trưởng Quốc phòng nhiều nước, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Canada và Ấn Độ, đã đồng loạt lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng luật pháp quốc tế và ủng hộ tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, nơi có các tuyến đường biển quan trọng của thế giới.

Cụm từ được nhắc đến nhiều nhất: "Nguyên tắc"

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã đề cập tới từ “nguyên tắc” 24 lần trong bài phát biểu đáng chú ý của ông hôm 4/6, trong bối cảnh ông cảnh báo Trung Quốc về nguy cơ xây “Vạn Lý Trường Thành tự cô lập” ở Biển Đông.

Ông Carter đã kêu gọi các quốc gia ở châu Á-Thái Bình Dương cùng nhau xây dựng một “mạng lưới an ninh có nguyên tắc" - một mạng lưới các mối quan hệ song phương, ba bên và đa phương nhằm thúc đẩy các giá trị chung và chia sẻ các căn cứ quân sự.

“Mỹ hoàn toàn ủng hộ mạng lưới an ninh có nguyên tắc và tương lai có nguyên tắc của châu Á-Thái Bình Dương”, ông Carter nhấn mạnh. Một số nhà phân tích cho rằng Mỹ cuối cùng đã tìm ra một khái niệm tổng quát để phác thảo viễn cảnh an ninh cho châu Á-Thái Bình Dương.

Những điểm nhấn trong ngày họp thứ 2 của Đối thoại Shangri-La

Trung Quốc bị bủa vây

Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc kiêm trưởng phái đoàn Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La 2016, là đã chịu sức ép lớn tại diễn đàn năm nay.

Ông Quốc đã hứng “bão” chỉ trích từ vài Bộ trưởng Quốc phòng các nước về lập trường bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Ông này cũng nhận được nhiều câu hỏi từ các đại biểu khác về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và Triều Tiên khi ông có bài phát biểu tại diễn đàn hôm 4/6.

Đô đốc Tôn Kiến Quốc, người tham dự Shangri-La năm thứ 2 liên tiếp, đã tránh những “cú đòn” bằng những tuyên bố như: “Chúng tôi không đơn độc trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai. Thực tế, tôi lo ngại rằng một số người và một số quốc gia vẫn đang nhìn Trung Quốc với tâm lý và định kiến Chiến tranh Lạnh. Họ có thể xây một bức tường trong tâm trí và kết cục là cô lập chính mình”.

Những nhận định cố Thủ tướng Lý Quang Diệu vẫn đúng

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen đã nhắc tới cố Thủ tướng Sinagapore Lý Quang Diệu trong bài phát biểu vào ngày cuối của Đối thoại Shangri-La.

Ông Lý Quang Diệu đã có phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ nhất vào năm 2002, trong đó ông nói về quan hệ Mỹ-Trung và chủ nghĩa khủng bố toàn cầu. Mặc dù thời thế đã thay đổi nhưng Bộ trưởng Ng Eng Hen nói rằng hai vấn đề này vẫn là “những thách thức an ninh quan trọng nhất” mà khu vực phải đối mặt.

“Bài phát biểu đó cho thấy sự sắc bén trong các nhận định và đánh giá của cố Thủ tướng”, ông Ng Eng Hen nói.

Trong bài phát biểu trước đó khi khai mạc Đối thoại Shangri-La vào tối ngày 3/6, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cũng nói rằng, các nhận định của ông Lý Quang Diệu về tình hình an ninh khu vực vẫn đúng cho tới ngày này.

“Các nước lớn vẫn vậy, nhưng tình hình an ninh đã trở nên phức tạp hơn, thách thức hơn và có liên hệ với nhau. Ông Lý đã dự đoán rằng nhiều quốc gia sẽ đóng vai trò lớn hơn trong khu vực và rằng chủ nghĩa khủng bố toàn cầu sẽ gia tăng”, ông Prayut Chan-o-cha nói.

Những điểm nhấn trong ngày họp thứ nhất của Đối thoại Shangri-La

“Sự chính xác quân sự”

Được chính phủ Singapore và Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở ở London phối hợp tổ chức, Diễn đàn Shangri-La lần thứ 15 thu hút 602 đại biểu, trong đó có 30 lãnh đạo quốc phòng, từ 35 quốc gia, cùng hơn 2.000 đội ngũ nhân viên hỗ trợ, các nhà báo và các nhân sự khác.

Tại Đối thoại Shangri-La lần đầu tiên vào năm 2002, diễn đàn - khi đó có tên gọi Hội nghị An ninh châu Á - thu hút 161 đại biểu từ 22 quốc gia.

Năm nay, toàn bộ 5 phiên thảo luận chung đều diễn ra theo đúng lịch trình. Ông John Chipman, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc điều hành của IISS, người dẫn dắt các phiên thảo luận, đã nói đùa rằng các đại biểu tham dự mặc đồng phục đã đảm bảo tính đúng giờ, với "sự chính xác quân sự", của sự kiện.

An Bình

Video: IISS

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm