1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Các nước đồng loạt chỉ trích hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

(Dân trí) - Mỹ và các quốc gia châu Á hôm nay đã đồng loạt kêu gọi Trung Quốc ngừng các hành động ở Biển Đông, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hối thúc Bắc Kinh hợp tác với khu vực, nếu không có thể tạo ra “Vạn Lý Trường Thành tự cô lập”.


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter (phải) và Đô đốc Harry B. Harris Jr., Chỉ huy Bộ tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM), tham dự Đối thoại Shangri-La tại Singapore ngày 4/6 (Ảnh: AFP)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter (phải) và Đô đốc Harry B. Harris Jr., Chỉ huy Bộ tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM), tham dự Đối thoại Shangri-La tại Singapore ngày 4/6 (Ảnh: AFP)

Trong sáng nay, ngày làm việc chính thứ nhất của Đối thoại Shangri-La tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng của Mỹ, Anh, Nhật Bản, Ấn Độ trong các bài phát biểu của mình đều hối thúc Trung Quốc kiềm chế các hành động ở Biển Đông và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã kêu gọi Trung Quốc tham gia vào một “mạng lưới an ninh có quy tắc” cho châu Á để giúp giải tỏa những lo ngại lo ngại về ý định chiến lược của Bắc Kinh sau “các hành động đơn phương và quy mô lớn” ở Biển Đông.

Ông Carter còn nói rằng Mỹ sẽ vẫn là người đảm bảo an ninh chính cho an ninh khu vực trong những thập niên tới và cảnh báo Trung Quốc về các hành động khiêu khích.

Bất kỳ hành động nào của Trung Quốc nhằm xây dựng trên bãi cạn Scarborough, mà Trung Quốc chiếm từ tay Philippines từ năm 2012, sẽ chứng kiến hậu quả, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cảnh báo.

“Tôi hi vọng điều đó sẽ không xảy ra, vì nó sẽ đưa tới các hành động mà cả Mỹ và các nước khác trong khu vực sẽ thực hiện, điều có thể không chỉ làm gia tăng căng thẳng mà còn khiến Trung Quốc bị cô lập”, ông Carter lên tiếng mạnh mẽ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar cho biết tại diễn đàn rằng “tình hình ở Biển Đông tiếp tục trở thành mối quan ngại”. “Tất cả các quốc gia trong khu vực cần hiểu rằng sự thịnh vượng chung và tốc độ phát triển mạnh mẽ mà khu vực có được trong các thập niên quá sẽ bị nguy hiểm bởi các hành cử và các hành động khiêu khích của bất kỳ ai trong số chúng ta”.

Mỹ và nhiều quốc gia châu Á đang tăng cường hợp tác an ninh để đảm bảo rằng họ có thể có các lựa chọn “tự do mà không bị hăm dọa hay ép buộc”, ông Carter nói.

“Dù Mỹ vẫn là lực lượng quân sự mạnh nhất và người đảm bảo an ninh chính trong khu vực trong những thập niên tới nhưng những mối quan hệ song phương trong ngày càng mạnh mẽ chứng minh rằng các quốc gia quanh khu vực cũng cam kết hành động nhiều hơn để thúc đẩy an ninh và sự thịnh vượng”, người đứng đầu Lầu Năm Góc nhấn mạnh.


(Từ trái sang phải) Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter và người đồng cấp Hàn Quốc Han Min-koo gặp nhau bên lề Đối thoại Shangri-La ngày 4/6 (Ảnh: AFP)

(Từ trái sang phải) Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter và người đồng cấp Hàn Quốc Han Min-koo gặp nhau bên lề Đối thoại Shangri-La ngày 4/6 (Ảnh: AFP)

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cho biết Tokyo sẽ trợ giúp các quốc gia Đông Nam Á xây dựng năng lực an ninh để đối phó với những điều mà ông gọi là các hành động đơn phương, nguy hiểm và ép buộc ở Biển Đông,

“Ở Biển Đông, chúng ta đã chứng kiến hoạt động cải tạo đất nhanh và quy mô lớn, xây dựng các tiền đồn và dùng chúng cho mục đích quân sự”, Bộ trưởng Nakatani tuyên bố trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, trong một sự ám chỉ rõ ràng tới Trung Quốc. “Không nước nào có thể đứng ngoài cuộc trong vấn đề này”, ông nhấn mạnh.

Cũng tại Đối thoại Shangri-La hôm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein nói rằng “sự không rõ ràng về đường hướng tương lai của Trung Quốc là mối lo ngại chính về nguy cơ cạnh tranh quân sự hiện thời và trong tương lai”.

Bộ trưởng Carter cho hay trong nhiều thập niên, những người chỉ trích đã dự đoán về sự rút lui của Mỹ khỏi khu vực nhưng điều này đã không xảy ra.

“Điều đó là bởi khu vực này, nơi chiếm gần một nửa dân số của thế giới và gần một nửa nền kinh tế toàn cầu, có vai trò quan trọng nhất đối với an ninh và thịnh vượng của chính nước Mỹ”, ông nói.

Bộ trưởng Carter cũng ám chỉ rằng dù tổng thống tương lai của Mỹ có là ai thì hai đảng chính tại Mỹ cũng ủng hộ việc tiếp tục duy trì sự kết nối về chính trị, quân sự, kinh tế của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương.

Đối thoại Shangri-La, một diễn đàn an ninh hàng đầu khu vực, diễn ra trước khi Tòa Trọng tài Thường trực tại La Hay, Hà Lan đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc đối với các tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.

Mỹ đang hối thúc châu Á và các nước khác ủng hộ tuyên bố của tòa rằng phán quyết phải có tính ràng buộc. Nhật Bản hôm nay cũng đã đưa ra lập trường tương tự.

Trong khi đó, Trung Quốc lại âm thầm vận động để tìm kiếm sự ủng hộ cho lập trường của nước này rằng Tòa Trọng tài thiếu thẩm quyền trong vụ kiện.

An Bình