1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhật Bản cam kết giúp Đông Nam Á đối phó với các hành động nguy hiểm ở Biển Đông

(Dân trí) - Nhật Bản sẽ trợ giúp các quốc gia Đông Nam Á xây dựng năng lực an ninh để đối phó với các hành động đơn phương, nguy hiểm và ép buộc ở Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản ngày 4/6 tuyên bố, trong một bình luận rõ ràng nhằm vào Trung Quốc.


Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ngày 4/6 (Ảnh: Reuters)

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ngày 4/6 (Ảnh: Reuters)

“Ở Biển Đông, chúng ta đã chứng kiến hoạt động cải tạo đất nhanh và quy mô lớn, xây dựng các tiền đồn và dùng chúng cho mục đích quân sự”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani tuyên bố trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 4/6, dù không nhắc đích danh Trung Quốc. “Không nước nào có thể đứng ngoài cuộc trong vấn đề này”, ông nhấn mạnh.

Tokyo lo ngại rằng việc Trung Quốc kiểm soát Biển Đông, nơi 5.000 tỷ USD thương mại toàn cầu đi qua mỗi năm, có thể đe dọa an ninh quốc gia của Nhật Bản và đưa Bắc Kinh tiến gần hơn 1 bước trong việc mở rộng ảnh hưởng sang Hoa Đông và Tây Thái Bình Dương.

Trung Quốc đơn phương tuên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông, một vùng biển với các hàng trăm hòn đảo nhỏ và bãi đá ngầm, và ngang ngược nói rằng nước này có quyền xây “các cơ sở phòng vệ” trên lãnh thổ tự nhận là của mình.

Trợ giúp các quốc gia Đông Nam Á

Để trợ giúp Philippines và các quốc gia Đông Nam Á khác đối phó với sự bành trướng của Bắc Kinh, Nhật Bản đã trợ giúp các nước này cải thiện khả năng trinh sát, tiến hành các cuộc tập trận chung và hợp tác trong việc phát triển các thiết bị mới, Bộ trưởng Nakatani cho biết.

“Tôi cho rằng điều quan trọng là cần cải thiện khả năng của các quốc gia trong vùng... bằng cách kết hợp huấn luyện chung, trợ giúp xây dựng năng lực và hợp tác công nghệt, thiết bị quốc phòng”, ông Nakatani nói.

Hồi tháng 5, Nhật Bản đã công bố viện trợ quân sự nước ngoài trực tiếp đầu tiên, với thỏa thuận cho Philippines thuê 5 máy bay TC-90 King Air để sử dụng làm máy bay tuần tra. Manila cũng muốn dùng các máy bay tuần tra Lockheed Martin P3-C của Nhật đã qua sử dụng để theo dõi các tàu ngầm gần vùng biển nước này.

Nhật Bản cũng đang muốn tăng cường quan hệ quân sự với Indonesia, Việt Nam và các quốc gia khác quanh Biển Đông.

Máy bay Trung Quốc "hành động nguy hiểm"

Trong bài phát biểu hôm nay tại Singapore, ông Nakatani cũng miêu tả việc Trung Quốc chặn máy bay do thám quân sự của Mỹ gần đây là “đặc biệt nguy hiểm”. Ông đã tái khẳng định sự ủng hộ của Nhật Bản đối với các nỗ lực của Washington nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông bằng cách đưa các tàu quân sự tới gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép.

Hồi tháng trước, 2 máy bay chiến đấu J-11 của Trung Quốc đã áp sát máy bay EP-2 của Mỹ ở khoảng cách chỉ 15 mét gần đảo Hải Nam.

Tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài

Bộ trưởng Nakatani hôm nay còn kêu gọi tất cả các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông tuân thủ phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài Thường trực tại La Hay, Hà Lan trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về “đường lưỡi bò”.

“Mọi phán quyết hay quyết định do các tòa án liên quan đưa ra phải được tất cả các bên tuân thủ đầy đủ theo luật pháp quốc tế liên quan”, ông nói.

Trước đó, Trung Quốc đã tuyên bố rằng Tòa Trọng tài không có quyền đưa ra phán quyết về các tranh lãnh thổ ở Biển Đông và nói sẽ không tuân thủ bất kỳ phán quyết nào.

Đối thoại Shangri-La, nơi quy tụ giới chức quốc phòng hàng đầu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, lần thứ 15 sẽ tiếp tục trong 2 ngày họp hôm nay và ngày mai.

An Bình