Vì sao áp thấp nhiệt đới cứ "lởn vởn" trên biển không vào bờ?

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Đêm qua (11/9), bão số 5 đi vào vùng biển từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, từ đêm qua đến chiều nay (12/9), áp thấp nhiệt đới vẫn trên biển chưa vào đất liền.

Liên quan đến cơn áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 5 (Conson) đang hoạt động ở vùng biển ven bờ từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi, chiều 12/9, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí  tượng thủy văn Quốc gia cho biết, đêm qua (11/9), bão số 5 đã vào vùng biển từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Vì sao áp thấp nhiệt đới cứ lởn vởn trên biển không vào bờ? - 1

Vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. (Ảnh: NCHMF).

Cũng theo ông Khiêm, lúc 13h ngày 12/9, tâm áp thấp nhiệt đới vẫn ở vùng biển từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 50 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Theo ông Khiêm, dự báo trong 3 giờ tới, áp thấp nhiệt đới ít di chuyển và trong 3-12 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 km và suy yếu thành một vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ).

Về vấn đề tại sao từ tối qua đến chiều nay, cơn áp thấp nhiệt đới này vẫn "lởn vởn" ở vùng biển ven bờ mà chưa vào đất liền, ông Khiêm giải thích: Áp thấp nhiệt đới nằm trong sự chi phối phức tạp của 3 hệ thống áp cao cận nhiệt đới, là các hệ thống có dòng dẫn đường chi phối sự di chuyển của bão. Do áp cao cận nhiệt đới ở phía Bắc suy yếu và di chuyển về phía Đông, trong khi áp cao cận nhiệt đới ở phía Đông và phía Tây ổn định khiến cho bão hầu như ít dịch chuyển. Dự báo khi cơn bão Chanthu đi lên phía Bắc, áp cao cận nhiệt đới ở phía Đông lấn về phía Tây, khi đó áp thấp nhiệt đới sẽ dịch chuyển vào bờ.

"Hiện nay do địa hình nên các mô hình dự  báo khá phân tán đối với cơn áp thấp nhiệt đới này. Tuy nhiên, chúng tôi nghiêng về dự báo chiều hoặc tối nay, áp thấp nhiệt đới sẽ đi sâu vào bờ, bám chút vào đất liền rồi suy yếu thành vùng áp thấp", ông Khiêm đưa ra nhận định.

Mặc dù áp thấp nhiệt nhiệt đang suy yếu, nhưng ông Khiêm lưu ý, vùng nguy hiểm trên biển trong 6 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8): từ vĩ tuyến 14,5 đến 16,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 110,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ các hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.

Vùng biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi (bao gồm huyện đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; sóng biển cao từ 2,0-4,0m; biển động.

Trên đất liền, trong chiều nay (12/9), vùng ven biển khu vực từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 5, cấp 6, giật cấp 8.

"Chiều và đêm nay (12/9), ở khu vực từ Đà Nẵng đến phía Bắc Quảng Ngãi có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100 mm, có nơi trên 150 mm. Từ nay đến ngày 13/9, khu vực từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200 mm, có nơi trên 200 mm", ông Khiêm cho biết.

Cũng theo ông Khiêm, từ đêm nay đến ngày 14/9, ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-150 mm/đợt, có nơi trên 150 mm/đợt. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới: cấp 3.  

Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên khu vực Nam Biển Đông (bao gồm Quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, sóng biển cao từ 2,0-3,0 m, biển động.  

Dòng sự kiện: Cơn bão số 5