Từ phạm nhân trở thành chiến sĩ thi đua

(Dân trí) - Một thời từng là lính, vào sinh ra tử trong chiến tranh vẫn vững vàng sống. Nhưng sau khi về nghỉ chế độ mất sức, sức hút của những đồng tiền kiếm được quá dễ đã cuốn vào anh Nguyễn Văn Nguyên vào vòng kinh doanh trái pháp luật.

Sau cú vấp ngã đớn đau ấy, anh Nguyễn Văn Nguyên (xã Duyệt Trung, thị xã Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) đã quyết tâm đứng dậy sống cho đàng hoàng. Với anh, niềm vui sướng nhất là lấy lại được niềm tin của mọi người, giữ được thanh danh của người lính! Bây giờ anh là Uỷ viên mặt trận tổ quốc tỉnh, được bầu là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và được đi dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII.

 

Bên hành lang của đại hội, anh Nguyên đã kể rành rẽ về vết trượt cuộc đời và con đường tìm lại chính mình. “Năm 1998, sau khi về nghỉ chế độ mất sức, tôi mở nhà trọ tại Bến xe Cao Bằng nhưng không kiếm được bao nhiêu dù luôn phải thức khuya dậy sớm rất vất vả.

 

Sau đó, tôi vay tiền ngân hàng để xây dựng nhà nghỉ Như Quỳnh. Do sức hút của đồng tiền với lợi nhuận cao, kiếm lời dễ dàng nên vợ chồng tôi không kiềm chế được lòng tham dẫn tới kinh doanh trái pháp luật, vi phạm Nghị định 87/CP của Chính phủ. Tôi đã bị phạt 5 năm tù, vợ tôi cũng phải chịu 2 năm tù. Ba đứa con, đứa lớn 12 tuổi, đứa bé 5 tuổi phải sống cảnh bơ vơ ly tán, chờ ngày bố mẹ ra tù.

 

Đối với vợ chồng tôi, những ngày tháng ở tù tưởng dài như vô tận. Nỗi khổ tâm nhất là lương tâm bị dày vò, hổ thẹn khi nghĩ mình từng là sĩ quan quân đội, vợ là một cô giáo tiểu học lại đi làm điều sai trái. Hai vợ chồng tôi chỉ biết ngồi khóc, xót xa ân hận đến tột cùng.

 

Do cải tạo tốt, vợ tôi đã được Nhà nước khoan hồng giảm án trước một năm. Ra trại, vì mặc cảm, xấu hổ với mọi người xung quanh, đồng nghiệp và học trò hơn nữa lại không có nhà cửa nên vợ tôi đành nhờ người em họ xin cho một chân rửa bát ở quán cơm phở bình dân đặng tiền thăm nuôi chồng trong tù, nuôi con ăn học.

 

Còn tôi, những tháng ngày ở trong tù, nhiều đêm thức trắng, nhớ về một thời anh bộ đội Cụ Hồ chiến đấu ở chiến trường Miền Nam, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử biết bao gian khổ hy sinh nhưng không hề lùi bước trước quân thù, vậy mà… Tôi ước ao được sớm ra tù để làm lại cuộc đời.

 

Khi ra trại, tôi được người thân cho 11ha đồi và 1.800.000đ để sinh cơ lập nghiệp. Với căn lều 8m2 lợp lá cọ giữa rừng cỏ lau mọc ngút trời, hai vợ chồng phải lao động cật lực để dọn cỏ. Những ngày đầu cuộc sống trong rừng quá đói khổ, khó khăn vất vả, không nhà, không điện, không đài báo, không tiếng người... cảm giác cô đơn thật nặng nề.

 

Thấy hai vợ chồng khổ quá, cán bộ trại giam đã cử một số trại viên vào giúp sức… Và sau 3 năm miệt mài, chúng tôi đã trồng được các loại cây ăn quả và đào ao thả cá ở trên đồi.

 

Để trồng cây ăn quả đúng kỹ thuật, tôi mạnh dạn xuống Chí Linh - Hải Dương tham quan và mua giống về trồng. Cùng lúc đó, Nhà nước có chủ trương trồng cây gây rừng, hỗ trợ nông dân xoá đói giảm nghèo, nhờ đó gia đình tôi đã thoát được đói nghèo. Chăm chỉ lao động, giờ gia đình tôi đã xây được căn nhà mái ngói 3 gian, cả gia đình được sum vầy, 3 con đều ngoan ngoãn, học giỏi.

 

Hiện nay, gia đình tôi đã có 7 con bò và 1 con ngựa, gần 10ha đồi cây ăn quả và ao cá đã đến mùa thu hoạch… Bên cạnh đó, tôi còn giúp đỡ nhiều người đồng bào Mông, Dao về các loại cây giống và hướng dẫn cách chăn nuôi.

 

Được mọi người tin yêu, gia đình tôi đã hăng hái tham gia làm tốt những việc được giao, đồng thời tích cực ủng hộ, quyên góp theo các chương trình mà Mặt trận Tổ quốc phát động với tinh thần “lá rách ít đùm lá rách nhiều”.

 

Đến nay, thực sự tôi đã xoá được đói, giảm được nghèo, cuộc sống gia đình ổn định, được xã hội tin cậy, bà con, bạn bè quý mến, con cái học giỏi. Nhưng cái mừng lớn nhất là sau cú vấp ngã, nhờ có sự giáo dục nghiêm khắc nhưng rất độ lượng và khoan dung của Đảng, Nhà nước và sự giúp đỡ của cộng đồng, cộng thêm ý chí phấn đấu làm lại cuộc đời mình, giờ đây tôi đã lấy lại được niềm tin của mọi người, giữ được thanh danh của người lính. Và tôi sẽ mãi mãi giữ vững niềm tin ấy…”

 

Hồng Hạnh ghi