1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chuyện thường ngày của các anh hùng

Vừa châm lửa đốt mớ đầu đạn M79, “trời xui đất khiến thế nào” mà Thượng tá Phạm Minh Thư, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn bảo đảm kỹ thuật sân bay Pleiku (Gia Lai) lại thấy khát nước. Anh vừa đi được vài bước thì đầu đạn nổ đỏ một vùng, vùi anh vào lớp bụi...

Hội trường rộng lớn đầy ắp tình cảm xúc động khi nghe những con người anh hùng kể về công việc thường ngày của họ tại buổi giao lưu của Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc sáng 5/10. Dù đi trên những con đường khác nhau, đích đến của họ đều vì một cuộc sống bình yên...

 

Sức mạnh tiềm ẩn

 

"Kỷ niệm" bị đạn nổ vùi nói trên không phải là lần đầu tiên anh Phạm Minh Thư suýt gặp “thần chết”. “Hơn 10 năm tôi gỡ được hơn 17.000 quả bom, mìn. Công việc nguy hiểm, vợ cản ngăn, bạn bè lo sợ nhưng tôi vẫn chấp nhận!”, anh Thư nói.

 

Hai từ “chấp nhận” của anh sao nghe thật đơn giản. Mà động lực giúp anh “chấp nhận” gắn với một câu chuyện buồn xảy ra từ 23 năm trước. Trưa hôm ấy, tại sân bay Pleiku, một quả bom phát nổ đã làm thiệt mạng một phụ nữ mang thai nhưng đứa con trong bụng vẫn còn thoi thóp co đạp. Anh và đồng đội mạnh dạn kéo đứa con ra, đưa đi bệnh viện nên cháu đã được cứu sống.

 

Từ đó, với suy nghĩ “mình không làm thì ai làm” nên anh vẫn hàng ngày “chiến đấu” với tử thần. Sợ vợ lo lắng, lúc đầu anh giấu không nói về công việc cụ thể của mình. Nhưng sau chị biết, anh đành phải nói thật và thủ thỉ những bài thơ “nịnh” để vợ thông cảm.

 

Cũng khí chất gan dạ của người chiến sĩ cách mạng ấy, Trung tướng Nguyễn Việt Thành (Tư Bốn) -người phá băng nhóm tội phạm khét tiếng Năm Cam -đã thu hút đại biểu với lời tâm sự đậm chất Nam Bộ. “Khi Năm Cam vạch kế hoạch sát hại tôi, nhiều người thân, đồng đội khuyên tôi nên sơn lại màu xe, thay bảng số, đổi lịch trình đi lại, giờ giấc làm việc cho an toàn nhưng tôi không chịu. Vì giờ làm việc do nhà nước quy định, xe và bảng số do ngành cấp, một thằng tội phạm như Năm Cam làm sao có thể điều chỉnh công việc của tôi được”- ông nói bằng giọng quả quyết.

 

Không trực diện đối đầu với bom đạn và tội phạm nhưng “mặt trận” của chị Nguyễn Thị Phượng, Giám đốc Trung tâm Lao động xã hội 2 (Bộ LĐTB-XH) cũng “nóng” không kém: cảm hóa con người lầm lỗi trở về đời thường, chăm sóc, chữa trị cho những người bị nhiễm HIV-AIDS.

 

Qua màn hình, nhiều việc chị làm đã khiến các đại biểu phải sụt sùi khi chứng kiến những đứa trẻ nhiễm HIV bị gia đình bỏ rơi mà chị đang nuôi dưỡng. “Đấy là bé Anh Duy vừa bị bố mẹ bỏ trước cổng nhà trẻ cách đây 20 ngày. Lúc đầu cháu khóc rất dữ, luôn miệng đòi về với ba Đông, phải mất mấy đêm dỗ dành cháu mới nguôi ngoai”. Rồi những cái tên mộc mạc Ngô, Lúa được các bà mẹ- cũng là những người bị nhiễm HIV- đặt cho cứ lần lượt ra đi vì căn bệnh quái ác. Những cái chết oan nghiệt đã chất thêm nghị lực và quyết tâm cho chị đi tiếp con đường đã chọn.

 

Chuyện thường ngày của các anh hùng - 1

Các cháu bị nhiễm HIV được nuôi dạy tại TTLĐ XH 2  do cô Nguyễn Thị Phượng làm giám đốc.

 

Bắt đầu từ khốn khó

 

Mỗi đại biểu là một bông hoa đẹp, trong đó có những bông hoa vươn lên từ những nơi cằn cỗi. Người con gái của núi rừng Tây Nguyên H’Bliăk-Niê (dân tộc Êđê, ở xã Ea Tiêu, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) là một trong số đó. Khi mới được giao nhiệm vụ chủ tịch xã, xã của chị có đến 30% hộ đói nghèo, thu ngân sách chỉ được 30 triệu đồng/năm.

 

Nhưng rồi với suy nghĩ “lớn lên từ rừng thì cứ nuôi rừng mà sống”, chị giao đất cho bà con trồng rừng, đất sản xuất thì chuyển đổi cây trồng cho có hiệu quả cao. Những gia đình không có đất ở, đất sản xuất, chị trực tiếp đi vận động người thân san sẻ đất, vận động các công ty, xí nghiệp cho đất, giải quyết việc làm cho con em người dân tộc...

 

Đến nay, xã có gần 400 hộ được cho đất cất nhà, canh tác, trẻ em được đến trường, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 10%, thu ngân sách hàng năm 1,6 tỷ đồng. Quá trình phấn đấu của chị thật kiên cường, nhưng khi được hỏi về bí quyết, chị giải thích thật mộc mạc: “Người cán bộ ở địa phương phải miệng nói, tay làm, sâu sát với từng người dân, cùng giải quyết khó khăn của họ.

 

Công việc đầu tiên khi nhận nhiệm vụ Giám đốc Công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu (Hải Phòng) của ông Trần Quang Vũ khiến mọi người bật cười: điện thoại nhờ bà xã chạy vay 200 triệu đồng để trả những tháng lương nợ của công nhân!

 

Tiếp đó, ông họp toàn thể công ty để thông báo về tình trạng tài chính và kêu gọi tất cả hãy đoàn kết, tin tưởng nhau, vì “nội bộ phải tin nhau thì đối tác mới tin mình, mới có thể vực công ty sống dậy”. Từ những đồng vốn vay và sự quyết tâm của tập thể, đến nay công ty đã đóng được những con tàu 53.000 tấn với kỹ thuật cao mà giá thành rẻ hơn các nước Nhật, Trung Quốc, doanh thu hàng năm trên 1.000 tỷ đồng.

 

Tương tự, bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Công ty TNHH Sông Tiền (Tiền Giang) vốn là cán bộ hội phụ nữ, đến khi về hưu đã dám “nhảy” vào một lĩnh vực chưa có kinh nghiệm là kinh doanh. Lý do là nhìn những con nghêu của nông dân bị “chết ngạt” vì không có đầu ra, “thật xót như xát muối”. Bà đi các nước nghiên cứu thị trường, rồi về tập họp bạn bè cùng chiến đấu năm xưa vét sạch túi góp vốn mở cơ sở sản xuất. Sau vài năm, con nghêu Tiền Giang đã có mặt ở Châu Âu...

 

Nhiều, nhiều nữa những con người có “điểm xuất phát bằng 0” nhưng đã chiến thắng. Và thành quả có giá trị nhất chính là sự lan tỏa của sức mạnh tinh thần, niềm tin đến với nhiều người nữa.

 

Theo Hàn Ni

Sài Gòn giải phóng