Anh hùng trẻ tuổi nhất Đại hội thi đua lần thứ 7
“Từ những năm tháng trẻ trung tuổi hai mươi cho đến hôm nay 39 tuổi, bản thân tôi vẫn nguyên vẹn ý chí và sự nhiệt huyết của tuổi trẻ trong cuộc sống và công việc. Tôi vẫn đi theo con đường tôi đã chọn: Một công nhân lái máy xúc”. Anh Hùng Bùi Văn Thọ nói.
“Quê tôi có một dòng sông, cứ đến mùa lũ là nó trở nên rất hung dữ. Tuổi thơ, đêm nằm nghe bà ngoại kể chuyện, tôi chỉ ao ước mình có sức mạnh như Sơn Tinh. Lớn lên, một lần nghe đài thông báo về việc xây dựng thủy điện ngăn sông Đà chống lũ, tôi lại mơ ước mình sẽ được tham gia vào công việc đó...” - Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới (trẻ tuổi nhất Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII) Bùi Văn Thọ bắt đầu câu chuyện của mình như vậy. Gần hai mươi năm qua, “chàng Sơn Tinh” thời hiện đại này đã có mặt trên nhiều công trình trị thủy trong Nam ngoài Bắc.
Nhắc đến tên anh công nhân máy xúc Bùi Văn Thọ, hẳn là Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang sẽ nhớ đến một kỷ niệm không thể nào quên.
Ngày ấy, trong chiến dịch thi công kênh dẫn ra của Nhà máy thủy điện Hòa Bình, một khối thuốc nổ 300 kg nằm trên đường vào hầm đã bị đất đá sạt xuống che lấp...
Máy xúc được huy động để gạt bỏ đất đá, nhưng người thợ lái lúc bấy giờ đã từ chối lên buồng máy vì công việc quá nguy hiểm, chỉ cần gầu gạt của máy xúc chạm khẽ vào kíp nổ thì thảm họa sẽ xảy ra... Đích thân vị Giám đốc của Công ty đang thi công tại công trường là ông Cao Lại Quang đã phải có mặt để chỉ đạo việc “xử lý” khối thuốc nổ.
Mặc dù không phải ca trực của mình, nhưng anh thợ trẻ Bùi Văn Thọ được gọi đến, ông Giám đốc nói ngắn gọn: “Tôi sẽ xuống hầm....xi nhan, còn cậu lái máy xúc. Hai chuyên gia Liên Xô sẽ cùng... chiến đấu với chúng ta”.
Trong giây lát, không khí ở công trường trở nên im phắc, nhưng ngay sau đó là tiếng máy xúc rền vang, phía dưới đường hầm ông Giám đốc và hai chuyên gia Liên Xô “hoa chân múa tay”, phía trên trong buồng lái máy xúc người công nhân điềm tĩnh điều khiển gầu xúc gạt từng lớp đất đá.
Vài giờ sau, khi kíp nổ lộ ra, cũng là lúc công trường trở lại im phắc, rồi bốn người lao đến ôm chầm lấy nhau reo mừng, lưng áo họ đều ướt đẫm, và 300 kg thuốc nổ đã được xử lý an toàn.
“Thủy điện Hoà Bình, công trình đầu tiên tôi tham gia là công trình thanh niên cộng sản” - Anh Thọ nhớ về những năm tháng mới vào nghề của mình. Anh kể: “Ngày đầu tiên ngồi trên khoang máy xúc để thực hiện ước mơ từ thời niên thiếu, tôi đã phải đối diện với vực sâu núi cao, môi trường thi công chật hẹp rất thiếu ánh sáng và không khí.
Có lúc run tay, tưởng chừng chiếc máy xúc đã... lao theo đất đá sạt lở”. Ngắm nhìn người anh hùng say mê kể về công việc lái máy xúc của mình, tôi cứ hình dung đến một người thuyền trưởng đang lái con tàu đè sóng dữ đi tới, anh Thọ tâm sự: “Sau lần đầu run tay nhưng... thành công đó, tôi đã xác định gắn bó với công trường, sự được-mất không còn trong suy nghĩ.
Sau Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Yaly là công trình anh công nhân Bùi Văn Thọ gắn bó nhiều thời gian nhất. Khi ấy Yaly là vùng núi xa xôi cách biệt giao thông với bên ngoài, khí hậu khắc nghiệt, mùa khô không có một giọt nước, mùa mưa thì dầm dề cả tháng trời với muỗi vắt, rắn rết...
Không chỉ có vậy, Yaly từng là chiến trường ác liệt với bom đạn chiến tranh còn sót lại, nơi chất độc da cam đã và đang hoành hành, những thùng chất độc vẫn còn hiện hữu. “Công nhân máy xúc luôn có vinh dự là người đi đầu trong các công trình” - Anh Thọ nói và giải thích: Bao giờ cũng vậy, máy xúc mở đường, san lấp mặt bằng để tập kết các phương tiện thi công. Bởi vậy, ở Tây Nguyên không hiếm lần chúng tôi... xúc phải những thùng chất độc màu da cam đang nằm vùi trong đất đỏ bazan”.
Theo anh Thọ, công việc xúc chất độc màu da cam cũng yêu cầu sự khéo léo không kém khi xúc chất nổ, “Với những tình huống như vậy thì không thể nào...run tay, nên tôi chỉ biết...bặm môi” - Anh Thọ nói.
Trong phong trào thi đua ngăn sông Sê San năm 1995, chống lũ năm 1996 và 1998 ở công trình thủy điện Yaly, để đạt mục tiêu phát điện tổ máy I đúng tiến độ, máy xúc do Bùi Văn Thọ vận hành luôn là máy xúc có năng suất cao nhất.
Từ sự say mê trong công việc và những kinh nghiệm thực tế của mình, anh Thọ đã có 2 sáng kiến và 1 đề tài hợp lý hóa trong sản xuất, được Hội đồng nghiệm thu sáng kiến cơ sở đánh giá cao. Đặc biệt là sáng kiến cải tiến thiết bị thủy lực của máy xúc PC650 đã làm lợi cho đơn vị hàng trăm triệu đồng.
Hầu hết các công trình thủy điện lớn của đất nước đều có dấu chân anh, thế nhưng mải theo công trình anh lại hiếm khi có dịp đặt chân về thăm nhà, “Vậy mà tài sản lớn nhất của tôi lại đang ở Phú Thọ quê tôi, đó là người vợ hiền cùng hai con thơ. Vì theo nghiệp máy xúc là tôi đã thực hiện được ước mơ làm Sơn Tinh hồi bé của mình, nên mỗi lần về thăm nhà tôi cứ gọi đùa vợ tôi là ...Mỵ Nương”- Bùi Văn Thọ tự hào nói.
Theo Võ Văn Thành
Tiền phong