1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thủy điện nhỏ có phải là "thủ phạm" gây mất rừng, tăng lũ lớn?

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Có ý kiến cho rằng, thủy điện không gây ra lũ lụt vì nó xả đúng bằng lượng nước đổ về. TS Nguyễn Ngọc Chu lại cho rằng, thủy điện làm cho tốc độ dòng chảy lớn khiến sức tàn phá của nước lũ lớn hơn.

Mới đây, tại cuộc tọa đàm "Thủy điện nhỏ và vấn đề lũ lụt" do Hội Truyền thông số tổ chức tại Hà Nội, chuyên gia thủy điện Nguyễn Tài Sơn nêu quan điểm, thủy điện nhỏ không làm gia tăng lũ lụt mà còn góp phần cắt lũ cho hạ du. Tuy nhiên, TS Nguyễn Ngọc Chu lại phản bác ý kiến này.

Thủy điện nhỏ tiềm ẩn nguy cơ phá rừng tự nhiên

TS Nguyễn Ngọc Chu cho rằng, các thủy điện nhỏ hầu như không có khả năng điều tiết lũ mà còn làm cho lũ trầm trọng hơn.

"Mọi người cứ hình dung trên một dòng sông, nếu như không có đập thủy điện thì nước thượng nguồn cứ đều đều đổ về hạ du. Bây giờ chúng ta chặn dòng sông lại, tạo một hồ thủy điện lớn ở đây có độ cao lên, sau đó mình mới xả nước ra thì tổng lượng nước cuối cùng đổ xuống hạ du không thay đổi, nhưng thời gian xả và tốc độ xả rất nhanh khiến sức tàn phá của nước lũ lớn hơn", TS Nguyễn Ngọc Chu phân tích.

Ông Chu còn đưa ra cảnh báo, đối với các dự án thủy điện nhỏ tiềm ẩn nguy cơ về khai thác rừng tự nhiên.

Thủy điện nhỏ có phải là thủ phạm gây mất rừng, tăng lũ lớn? - 1

TS Nguyễn Ngọc Chu cho rằng, các dự án thủy điện nhỏ tiềm ẩn nguy cơ phá rừng tự nhiên.

"Các dự án thủy điện nhỏ đôi khi họ tranh thủ để lấy gỗ, họ cắt thêm gỗ ở phía trên. Cho nên khi họ làm một thủy điện thì họ đã nghĩ đến là có thể lấy được gỗ, để làm được điều này người ta thường khai diện tích rừng bị phá phục vụ dự án ít đi", ông Chu nói.

Theo ông Chu, muốn hạn chế lũ lụt việc đầu tiên là phải trồng rừng, phục hồi rừng tự nhiên cho muôn đời con cháu. Muốn phục hồi rừng tự nhiên thì phải chống lại người phá rừng tự nhiên, trong đó có một phần của thủy điện nhỏ. 

"Rừng tự nhiên là những cây cao to ngàn năm tuổi, tán rộng hạn chế được nước mưa xối xuống, giúp nước rơi xuống đất từ từ, đó là thời điểm cho nước ngấm xuống thành mạch nước ngầm. Rừng tự nhiên có nhiều lớp cây, rễ cây ăn sâu xuống lòng đất và làm cho bề mặt đất rất chắc, khó bị trôi khi có mưa, nên hạn chế được lũ quét và sạt lở. Còn rừng trồng như cao su, keo,... không giữ được nước như rừng tự nhiên", TS Chu nói thêm. 

TS Nguyễn Ngọc Chu đưa ra quan điểm không nên phát triển ồ ạt thủy điện nhỏ, bởi chúng có nguy cơ tiềm ẩn tác động xấu đến môi trường, mà cần phát triển hệ thống năng lượng khác thay thế như điện gió, điện mặt trời.

"Không thể nói mất rừng do làm thủy điện"

Trước ý kiến cho rằng, các dự án thủy điện gây mất diện tích tích rừng lớn, chuyên gia thủy điện Nguyễn Tài Sơn đưa ra phân tích: Năm 1945 độ che phủ rừng của Việt Nam là 43,8%; năm bị mất nhiều rừng nhất là năm 1995, độ che phủ rừng chỉ còn 28%; đến 2019 độ phủ rừng là hơn 41%.

Ông Sơn thừa nhận, độ che phủ nói trên có rừng tự nhiên và rừng trồng, chất lượng rừng trồng không thể so sánh với rừng tự nhiên.

"Năm 1995, chúng ta chưa biết làm thủy điện, do đó, không thể nói mất rừng do làm thủy điện. Năm chúng ta phát triển mạnh mẽ nhất thủy điện là sau năm 2000 và đến trước năm 2012 cơ bản các hồ thủy điện lớn đã xây dựng xong, như: Sơn La, Hòa Bình… và không còn chỗ nào để xây dựng nữa. Đến năm 2012, độ che phủ rừng của chúng ta lên 40,7%", ông Sơn phân tích.

Thủy điện nhỏ có phải là thủ phạm gây mất rừng, tăng lũ lớn? - 2

Chuyên gia thủy điện Nguyễn Tài Sơn cho rằng, thủy điện đóng góp chính vào việc phục hồi rừng tự nhiên.

Theo ông Sơn, khi có dự án thủy điện, về mặt khoa học thì độ ẩm khu vực đó tăng lên là điều kiện thuận lợi cho rừng phát triển. Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng giúp rừng tự nhiên phục hồi nhanh chóng đó là: Dự án thủy điện lấy đi bao nhiêu rừng thì phải trồng lại bằng diện tích đó; hàng năm các dự án thủy điện đều phải bỏ ra một khoản kinh phí nhất định đóng góp cho chi phí dịch vụ môi trường rừng. Từ khoản kinh phí này, người dân khu vực có tiền để họ chăm sóc rừng, chỗ nào có rừng tự nhiên sẽ giữ được, cho nên rừng tự nhiên mới phục hồi được.

"Thủy điện đóng góp chính cho phục hồi rừng tự nhiên, năm 2019 là hơn 1.800 tỷ đồng. Đây là nguồn kinh phí lớn giúp người dân khu vực có sinh kế, bởi khi người dân họ đói, buộc họ phải chặt cái cây, vào rừng bắt con thú để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của họ", ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, đợt mưa lũ vừa qua ở miền Trung, nước đổ về thủy điện Quảng Trị là 1.400 m3/s, hồ Quảng Trị cắt được 296 m3 (21%). Thủy điện Hương Điền (Thừa Thiên Huế) cắt được 2.052 m3/s trên lưu lượng đổ về 4.552 m3/s, đạt 45%. Thủy điện Đắk Mi 4 cắt được 2.353 m3/s trên lưu lượng đổ về 3.149 m3/s.

"Tại sao nói hồ thủy điện cắt được lũ mà hạ du vẫn khốn đốn thế? Chính là vì lượng mưa quá lớn, nước đổ về hồ nhiều nên hồ thủy điện vẫn phải xả nhiều nên chúng ta phải chịu thiệt hại như vậy", ông Sơn phân tích.

Vị chuyên gia này cho biết thêm, thủy điện không bao giờ làm gia tăng lũ, vì trên một dòng sông có 1 trận lũ do thiên nhiên gây ra, thủy điện cắt lũ được 1 lượng nhất định còn vẫn phải trả lại dòng sông. Hồ thủy điện chỉ xả đúng lưu lượng nước đổ về.

Đồng quan điểm với ông Sơn, PGS.TS Vũ Thanh Ca, Khoa Môi trường, Đại học Tài Nguyên và Môi trường cho biết: Làm thủy điện là chặn 1 đoạn sông lại cho nước dâng lên, sau đó cho nước chảy ra để phát điện. Như vậy, trong lòng hồ có một phần là diện tích sông, phần còn lại là diện tích rừng bị phá. Phá rừng trong lòng hồ để làm thủy điện với diện tích nhỏ hơn diện tích của mặt nước.

Thủy điện nhỏ có phải là thủ phạm gây mất rừng, tăng lũ lớn? - 3

PGS.TS Vũ Thanh Ca.

"Tôi có nghe một số dự án thủy điện lợi dụng để phá rừng lấy gỗ, nhưng chủ yếu người ta phá trong diện tích lòng hồ, vì gỗ trong lòng hồ rất có giá trị. Còn phá rừng ở bên trên không trong quy hoạch thì đó là vấn đề của kiểm lâm", ông Ca cho biết.

So sánh khả năng trữ nước cắt lũ, ông Ca cho rằng, phần nước do thủy điện lưu giữ trong lòng hồ lớn hơn rất nhiều lượng nước có thể chứa trong phần rừng bị phá.