1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thủy điện nhỏ và vừa thường "phớt lờ" quy định xả lũ

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Mặc dù đã có quy định khi vận hành xả lũ phải kết nối với trung tâm điều hành của Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, nhưng phần lớn các thủy điện nhỏ và vừa thường "phớt lờ" quy định này.

Trước ý kiến cho rằng, các địa phương không nên cấp phép xây dựng ồ ạt các thủy điện nhỏ và vừa với công suất lắp máy dưới 30MW, bởi các dự án thủy điện này các chủ đầu tư thường không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ bảo vệ môi trường, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Đến thời điểm hiện tại, thủy điện nhỏ, vừa xây mới còn ít, thậm chí không còn. Ở những vị trí có thể làm được thủy điện nhỏ và vừa cơ bản làm hết rồi, còn lại không nhiều.

Thủy điện nhỏ và vừa thường phớt lờ quy định xả lũ - 1

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp.

Theo ông Hiệp, thủy điện nhỏ và vừa do các địa phương quản lý. Căn cứ vào quy hoạch của từng tỉnh, thành phố mà người đứng đầu cấp phép hay không cấp phép cho xây dựng thủy điện.

Tuy nhiên, theo ông Hiệp, hiện nay, nếu các địa phương cấp phép xây dựng cho thủy điện nhỏ và vừa mà liên quan đến đất rừng cần yêu cầu chủ đầu tư tính toán sử dụng "cột nước" để vận hành phát điện.

"Xây dựng thủy điện mà dùng cột nước để vận hành phát điện, tức là sử dụng rất ít diện tích đất để làm hồ chứa nước, mà dùng đường ống dẫn nước đi xuống vị trí rất thấp để phát điện. Cột nước có khi phải cao hàng trăm mét so với vị trí đặt máy phát điện, làm theo phương pháp này thì sử dụng nước ít hơn mà sản xuất điện được nhiều hơn", ông Hiệp nói và cho biết, làm thủy điện theo phương pháp này ít tác động đến môi trường, mang lại hiệu quả cao.

Theo ông Hiệp, làm thủy điện theo phương pháp trên giá thành đắt hơn nhiều so với phương pháp thông thường, nhưng "đắt cũng phải làm".

Ngoài ra, ông Hiệp cũng thừa nhận, thực tế phần lớn các thủy điện nhỏ và vừa hiện nay thường không tuân thủ quy định khi vận hành xả lũ.

"Mặc dù đã có quy định khi vận hành xả lũ các thủy điện phải kết nối với trung tâm điều hành của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) của các tỉnh. Tuy nhiên, vừa qua chúng tôi đi kiểm tra thực tế thì phần lớn các thủy điện nhỏ và vừa đều không tuân thủ theo quy định này. Do đó, không thể biết thời điểm nào họ xả lũ và xả khối lượng bao nhiêu", ông Hiệp nói.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, thời gian tới, Bộ này sẽ phối hợp với Bộ Công thương, cùng với các tỉnh rà soát, yêu cầu các thủy điện nhỏ và vừa thực hiện nghiêm các quy định về vận hành, nếu có bất cập ở khâu nào sẽ tháo gỡ ngay để tránh lặp lại "câu chuyện cũ".

Loại hơn 470 dự án thủy điện nhỏ khỏi quy hoạch

Cũng liên quan đến các dự án thủy điện nhỏ và vừa, trả lời phóng viên Dân trí, ông Đỗ Đức Quân - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết: Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương phối hợp với UBND các tỉnh rà soát lại quy hoạch thủy điện, đã kiên quyết loại khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang, 472 dự án thủy điện nhỏ và 213 vị trí tiềm năng thủy điện, đây là các dự án có chiếm nhiều diện tích đất hoặc có ảnh hưởng lớn đến môi trường, kinh tế, xã hội.

Trên cơ sở kết quả rà soát, Chính phủ đã liên tục báo cáo kết quả trước Quốc hội và đã được Quốc hội thông qua tại các kỳ họp Quốc hội khóa XIII và khóa XIV.

Theo thống kê hiện nay, các dự án thủy điện vừa và nhỏ bình quân chỉ chiếm khoảng 1,9 ha/01 MW đất các loại. Đặc biệt, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND các tỉnh rà soát, đánh giá toàn diện từ các dự án đã được phê duyệt quy hoạch, đang nghiên cứu đầu tư, đang thi công xây dựng đến các dự án đang được nghiên cứu, khảo sát để xem xét đưa vào quy hoạch trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ.

Vì vậy, thời gian vừa qua Bộ Công Thương không xem xét bổ sung bất cứ dự án thủy điện nào có chiếm diện tích đất rừng tự nhiên.

"Các dự án thủy điện có ảnh hưởng lớn đến vấn đề môi trường, vấn đề an toàn dân sinh vùng hạ du… hầu hết đã được rà soát loại bỏ khỏi quy hoạch theo các nội dung yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ về phát triển thủy điện một cách bền vững, không gây tác động tiêu cực đến môi trường - xã hội, đảm bảo hiệu quả đầu tư", ông Quân cho biết.