Sợ phí “khủng”, nhiều người tính chuyện... bán ô tô

(Dân trí) - “Suốt 10 năm vợ chồng tôi phấn đấu, dành dụm để mua ô tô. Chúng tôi đã nghĩ chẳng còn gì tuyệt vời hơn khi thỉnh thoảng được vi vu trên chiếc xe của mình về quê nội, quê ngoại. Vậy mà nỗi lo nộp phí khiến chúng tôi trăn trở: Hay là bán xe?”.

Phí Hạn chế phương tiện cá nhân, phí ô tô đi vào trung tâm giờ cao điểm và phí bảo trì đường bộ theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ được áp thu trong thời gian tới. Liên quan tới loại phí này là những trăn trở của những người đang sở hữu phương tiện giao thông được gọi là cá nhân, canh cánh nỗi lo kiếm tiền đâu “nuôi” xe, hay bán xe để tránh phí?

Trăn trở vì các loại phí

Anh Linh (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Suốt 10 năm vợ chồng tôi phấn đấu, dành dụm để mua ô tô. Chúng tôi đã nghĩ chẳng còn gì tuyệt vời hơn khi thỉnh thoảng được vi vu trên chiếc xe của mình về quê nội, quê ngoại. Vậy mà nỗi lo nộp phí khiến chúng tôi trăn trở… Hay là bán xe?”.

Sợ phí “khủng”, nhiều người tính chuyện... bán ô tô
Có ít nhất 3 khoản phí cứng sắp áp thu đối với ô tô

“Vợ chồng tôi không có nhu cầu đi hàng ngày ở Hà Nội mà mua xe vì muốn có phương tiện để chủ động mỗi lần từ Hà Nội về quê Phú Thọ dịp giỗ chạp hay lễ Tết thôi. Vậy mà bảo tôi phải đóng 1 năm mấy chục triệu tiền phí Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân thì quả là vô lý quá. Còn phí bảo trì đường bộ, tôi cũng đồng ý xe đã lăn bánh trên đường là phải đóng phí, nhưng đi ít cũng phải đóng như đi nhiều, xe gia đình cũng như xe kinh doanh, đánh đồng mức phí thì khổ cho người dân.

Dành dụm, tích cóp mãi, mua xe vẫn còn đang trả góp chưa xong, thế mà có xe rồi lại phải đóng nhiều phí như thế này thì vợ chồng tôi không “nuôi” nổi xe. Chúng tôi đang tính xem có nên bán không, nhưng nhiều khả năng là phải bán thôi. Vậy là tiêu tan giấc mơ xế hộp!” - anh Linh chia sẻ.

Không giống như trường hợp của anh Linh, anh Hòa (ở phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội) đã có xe ô tô từ 2 năm nay và đang định mua cho vợ 1 chiếc Kia Morning để vợ đi cho chủ động. Đâu ngờ giờ đây hàng loạt các loại phí treo lơ lửng trên đầu khiến anh phát oải. Anh Hòa cho biết, bình thường đi xe ô tô đã phải gánh đủ loại tiền, như phí gửi xe, xăng dầu đi lại, phí đi đường, phí bảo trì sửa chữa… Anh Hòa tính trung bình chiếc xe Santafe của mình hiện đã "ngốn" hết 12 triệu/tháng.

“Hiện nhà tôi đang ở trung tâm thành phố, bây giờ ngành chức năng đặt ra phí nọ phí kia tức là tôi sẽ phải nộp tiền đi về nhà mình trong giờ cao điểm và nộp thêm vài chục triệu đồng tiền phí Hạn chế xe cá nhân để được đi xe của mình. Tôi nhẩm tính tổng cộng các loại phí trong 1 năm, chỉ riêng “nuôi” ô tô đã mất tới 70-80 triệu đồng. Tôi sẽ không mua xe mới cho vợ nữa và có thể còn phải bán cả chiếc ô tô đang đi để mua xe máy” - anh Hòa cho biết.

Ô tô “bay” về quê và cuộc chạy đua đăng kiểm

Không nhắc tới những nhà kinh tế khá giả khi sở hữu tới mấy chiếc ô tô, nhóm các gia đình có thu nhập trung bình ở Hà Nội những năm gần đây cũng cố sắm ô tô theo hướng chọn xe cũ hoặc xe rẻ tiền. Giá xe có thể chỉ nhỉnh hơn chiếc xe máy cao cấp nhưng có thể giúp cả gia đình mấy người di chuyển tiện lợi khi đi xa hoặc trong điều kiện thời tiện bất lợi. Nay 3 thứ phí sắp đổ vào “đống sắt biết đi” ấy khiến những chủ nhân điên đầu.
 
Sợ phí “khủng”, nhiều người tính chuyện... bán ô tô
Người dân với nhiều nỗi niềm trăn trở thường trực vì phí

Chị Nguyễn Thị Bắc (ở huyện Từ Liêm) bộc bạch: “Vợ chồng tôi mua cái xe Matiz cổ lỗ sĩ cũ đã qua 2-3 đời chủ xe, người bạn bán lại giá hữu nghị có 80 triệu đồng. Tiếng là có ô tô nhưng vợ chồng tôi chỉ dùng khi về quê, đi viện hoặc có công việc gấp ở xa chứ đâu dám đi nhiều. Tiền đâu mà đổ xăng. Vậy mà gần đây Bộ GTVT công bố hàng loạt loại phí, cái xe cũ kỹ của mình sắp phải cõng đủ thứ tiền làm vợ chồng tôi lo sốt vó”.

Trong lúc căng thẳng như thế, vợ chồng chị Bắc vừa muốn giữ ô tô vừa muốn “trốn” phí nên đã nảy ra “chiêu độc” là: mang ô tô về quê. “Quê tôi ở Ninh Bình, ở tỉnh đi ô tô thoải mái mà không phải nộp phí vào trung tâm, thôi đành mang xe về quê vừa được tiếng lại vừa đỡ được khối tiền thuế phí. Cứ để ở quê thỉnh thoảng về thì sử dụng, còn ở Hà Nội khi cần thì gọi taxi cho nhanh. Tôi nghĩ chắc không còn cách nào tốt hơn thế nữa.” - chị Bắc cho hay.

Hình thức thu phí mà Bộ GTVT đang đề xuất thực hiện là thu qua đầu phương tiện, đối với ô tô là qua các kỳ đăng kiểm phương tiện cơ giới, điều này tức là tất cả ô tô dù đi ít cũng phải nộp phí như đi nhiều. Và điều này cũng được chính Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp thừa nhận rằng: Theo nguyên tắc thì đi nhiều thu nhiều, đi ít thu ít, lăn bánh mới thu, nhưng hiện ta chưa đủ điều kiện để thu phí theo cách đó.

Nhiều ý kiến cho rằng, trước khi phí bảo trì chính thức áp thu từ ngày 1/6 như dự định của Bộ GTVT thì một công cuộc đăng kiểm trước thời hạn được cho là sẽ tốn nhiều công sức của chủ xe sẽ diễn ra nhằm mục đích “né phí”, bởi đăng kiểm sớm thì chủ phương tiện sẽ tránh được việc nộp phí ít nhất là trong giai đoạn thu phí đầu tiên!?
 
Sợ phí “khủng”, nhiều người tính chuyện... bán ô tô
Hạn chế phương tiện, tiến tới cấm xe máy bằng phí, vậy người dân sẽ đi bằng gì?

Lãnh đạo Bộ GTVT đã trả lời rằng mục tiêu của phí Hạn chế phương tiện cá nhân nhằm chống ùn tắc và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, bởi thế ngoài ô tô, xe máy cũng là đối tượng phải nộp phí Hạn chế phương tiện cá nhân ở mức thấp hơn là từ 500 - 1 triệu đồng. Tuy nhiên, cho đến nay không chỉ người dân, người sử dụng xe máy mà chính giới chuyên môn trong lĩnh vực giao thông vận tải cũng cho rằng việc thu phí hạn chế phương tiện đối với xe máy là bất hợp lý, bởi xe máy không phải là thủ phạm gây ùn tắc giao thông.

Hạn chế xe cá nhân và tiến tới cấm xe máy. Ở một nước đang phát triển như Việt Nam, khi hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và trong 5-10 năm nữa, xe máy vẫn đang là phương tiện giao thông chủ yếu, cùng với gánh nặng phí dồn lên ô tô, thì sau sự hạn chế và lệnh cấm xe - người dân sẽ đi bằng gì? Câu hỏi này dư luận đang chờ Bộ GTVT và các ngành chức năng trả lời môt cách thỏa đáng.

Quỳnh Anh