Yêu cầu báo cáo Quốc hội việc thu phí hạn chế phương tiện
(Dân trí) - Thảo luận về nội dung kỳ họp QH tháng 5 tới, Chủ nhiệm UB Quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng Chính phủ cần báo cáo QH về phí hạn chế phương tiện cá nhân, phí vào nội đô vì đây là vấn đề đang được cử tri cả nước quan tâm.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Văn Pha phân tích, hiện nay dư luận, người dân rất quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều về sự kiện Bộ GTVT đề xuất việc thu phí giao thông. MTTQ cũng vừa chính thức đề nghị Bộ gửi đề án thu phí cho Mặt trận để tổ chức phản biện.
“Nhân dân trông chờ rất nhiều vào UB Thường vụ Quốc hội, Quốc hội và cho rằng ở đây quyết thế nào thì dân chịu như thế”, ông Pha nhấn mạnh.
Đề nghị cần báo cáo Quốc hội những vấn đề đáng chú ý từ sau kỳ họp Quốc hội thứ 2 đến nay, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng cho rằng "phí giao thông đang là vấn đề nóng bỏng". Ông Phước còn đề nghị: “Cá nhân nào đề xuất những chủ trương không hợp lý, sai trái thì phải chịu trách nhiệm, không được đẩy cho người khác. Nếu có gì thuộc về sai lầm của chúng ta thì chúng ta phải sửa sai”.
Nhiều nội dung khác tại kỳ họp Quốc hội thứ ba cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận.
Dự kiến làm việc từ 21/5 đến 22/6, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành một ngày để thảo luận tại hội trường về đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Đây là nội dung đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa định hướng cho việc thảo luận các nội dung kinh tế, xã hội và ngân sách nhà nước, sẽ được dành thời gian thảo luận thỏa đáng, xem xét đề án một cách kỹ lưỡng.
“Nội dung thảo luận về kinh tế xã hội tại kỳ họp này không chỉ mang tính thời sự mà còn bàn nhiều vấn đề triển khai cho 5 năm, 10 năm. Quốc hội xem xét đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có những vấn đề rất lớn liên quan đến doanh nghiệp, đầu tư công và hệ thống ngân hàng” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý.
Theo chương trình dự kiến, ngay từ ngày làm việc đầu tiên, Quốc hội sẽ nghe Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và nghe báo cáo thẩm tra nội dung này.
Bên cạnh các nội dung về kinh tế, xã hội, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội xem xét thông qua 13 dự án luật, trong đó có Luật Biển Việt Nam.
P.Thảo