1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Bí thư Hà Nội: “Gia đình tôi đã hạn chế đi xe cá nhân”

(Dân trí) - Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết, phương án hạn chế phương tiện cá nhân được đề cập từ cách đây 9 năm. Nay nếu không làm sẽ không có đường đi. Hiện gia đình ông cũng đã hạn chế đi xe cá nhân.

Ngày 27/3, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã họp bàn về những vấn đề giao thông còn tồn tại trong thời gian qua. Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng tình hình ùn tắc giao thông đã giảm nhưng còn nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt là tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí nhưng vẫn ở mức cao.
 
Bí thư Hà Nội: “Gia đình tôi đã hạn chế đi xe cá nhân”
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị

Chỉ rõ những hạn chế trong tổ chức thực hiện các giải pháp giao thông trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi thừa nhận, tình hình ùn tắc giao thông đã giảm nhưng còn nhiều diễn biến phức tạp. Tai nạn giao thông đã giảm ở 3 tiêu chí nhưng vẫn còn ở mức cao. Thực trạng cơ sở hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề quy hoạch còn nhiều yếu kém, bất cập. Đặc biệt, trong cuộc họp, ông Khôi đề cập đến vấn đề năng lực một số chủ đầu tư và nhà thầu năng lực yếu.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Vũ Văn Viện cho biết, mặc dù các giải pháp về giao thông còn một số bất cập nhưng nhận được sự đồng thuận của nhân dân. 3 tháng đầu năm vừa qua Hoàn Kiếm đã thu hồi 69 giấy phép trông giữ xe ở các tuyến phố. Xử lý 5 doanh nghiệp tham gia khoán quản, những điểm thường xuyên sai phạm, trong đó quận này thu hồi giấy phép kinh doanh 2 doanh nghiệp.

Tại cuộc họp, Thiếu tướng Trần Thùy, Phó Giám đốc Công an Hà Nội cho biết, hiện thành phố có 78 điểm nguy cơ ùn tắc. Ùn tắc giao thông từ 30 phút trở lên giảm 40%, còn dưới 30 phút vẫn phổ biến.

Đối với việc triển khai cấm trông giữ xe ở 262 tuyến phố, ông Viện cho rằng đây là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên khi thực hiện đã gây không ít khó khăn cho cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân vì nhu cầu điểm đỗ là có thật. “Khi chúng ta chưa tìm được điểm đỗ thay thế thì không nên quá cứng nhắc cấm trông giữ xe ở các tuyến phố này, đặc biệt là đối với các tuyến phố có mật độ người dân buộc phải gửi xe đông như phố Đồng Xuân, Gầm Cầu”, ông Viện nói.

Ông Viện kiến nghị Thành phố khi cấp phép cho các nhà cao tầng trong nội thành phải tính toán điểm giao thông tĩnh đảm bảo tính công năng cho cả tòa nhà; tránh tình trạng nhà xây xong không có điểm đỗ xe. Ngoài ra thành phố phải kiểm tra chức năng sử dụng các tầng hầm để xe của nhà cao tầng đang bị chuyển đổi sai quy hoạch.

Ông Hồ Quang Lợi, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, vấn đề ùn tắc được xác định là một trong những vấn đề nóng. Hà Nội đã có một loạt giải pháp như điều chỉnh giờ, phân làn, dẹp các điểm trông giữ. “Một khi chúng ta xác định đây là vấn đề lớn, vấn đề nóng, thì phải tập trung hơn nữa, quyết tâm hơn nữa để tạo sự chuyển biến. Nếu mặt trận này tới đây tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt, tôi tin là có bước chuyển”, ông Lợi nhận định.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho hay, hạn chế ô tô cá nhân đã được nghĩ tới từ 9 năm trước. Giờ đụng tới việc này là đụng tới quyền lợi cá nhân, tuy nhiên nếu ai cũng thực hiện quyền của mình thì không ai có quyền được đi trên đường nữa.

Ông Nghị cho biết, việc cấm trông giữ phương tiện dưới lòng đường, hè phố rất có hiệu quả. “Gia đình tôi đã hạn chế đi xe cá nhân. Vì đi xe thì rất khó tìm chỗ đỗ và phí cao, có khi tiền đi taxi ngang bằng phí đỗ xe”, ông Nghị nói và cho rằng biện pháp nào ra đời cũng ảnh hưởng theo hai hướng tích cực, tiêu cực. Tuy nhiên, mỗi cái đều hướng tới mục tiêu giải quyết ùn tắc.
 
Đồng quan điểm, ngày 27/3, đề cập đến vấn đề hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho hay đây là mong muốn của thành phố, mục đích là để giảm thiểu phương tiện cá nhân, đặc biệt là ô tô vào trung tâm trong giờ cao điểm. “Mật độ giao thông của thành phố hiện nay quá lớn. Để xây dựng phương án thu phí thành phố đang có ý tưởng tính phí theo hình thức lũy tiến giờ cao điểm. Mục đích khi người dân vào trung tâm sẽ cố gắng lưu lại phương tiện với thời gian ngắn nhất”, ông Thảo nói.
Bí thư Hà Nội: “Gia đình tôi đã hạn chế đi xe cá nhân”
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND thành phố, việc xây dựng phương án tổ chức kiểm soát bằng cổng hay vé lưu hành vào nội đô là bài toàn rất khó vì đô thị trung tâm rất nhiều ngõ ngách. Hiện nay thành phố đang nghiên cứu kỹ mới mong giải quyết được vấn đề này.

Bên cạnh việc hạn chế phương tiện giao thông, ông Thảo cho rằng việc đầu tiên hiện nay phải quan tâm đến nguồn lực đầu tư xây dựng cải tạo nâng cấp hạ tầng giao thông đô thị. Ngoài ra, để giảm thiểu ùn tắc giao thông đòi hỏi sự tham gia cộng đồng như phong trào toàn dân ý thức tham gia vào phân làn phân luồng, trong vấn đề giữ gìn trật tự vỉa hẻ lòng đường.

“Khi để xảy ra những tình trạng lấn chiếm vỉa hè lòng đường chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm. Thành phố cũng mạnh dạn đề xuất tiêu chí đánh giá cấp ủy địa phương dịp cuối năm, tiêu chí về đánh giá xác định lãnh đạo chỉ đạo điều hành”, ông Thảo đề cập đến trách nhiệm của cán bộ thành phố trong vấn đề giao thông.

Quang Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm