"Phó Thủ tướng đội mũ cối" say việc
(Dân trí) - Cần cù, làm việc không kể ngày đêm, luôn sẵn sàng xông pha vào tâm bão lũ hay trên những công trường đầy bụi và nắng gió - đó là hình ảnh về Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trong ấn tượng của nhiều người.
"Tiếc thương một người lãnh đạo có tâm và có tài" là cảm nhận chung của nhiều người khi nhắc đến sự ra đi của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. Sau một thời gian lâm bệnh, ông từ trần tại nhà riêng ở TP Hải Phòng vào hồi 20h20 ngày 22/8.
Ông Lê Văn Thành được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm giữ chức Phó Thủ tướng vào ngày 8/4/2021. Cho đến khi từ trần, ông giữ cương vị Phó Thủ tướng trong khoảng thời gian 2 năm và hơn 4 tháng.
Vị lãnh đạo đội mũ cối ở tâm bão, trên công trường
Được phân công theo dõi, chỉ đạo nhiều lĩnh vực quan trọng như: Công nghiệp, nông nghiệp và phát triển nông thôn; thương mại - xuất nhập khẩu; xây dựng; giao thông vận tải; tài nguyên và môi trường... Phó Thủ tướng Lê Văn Thành được đánh giá luôn làm việc hết công suất để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Là người luôn sát cánh cùng Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khi kiểm tra, thị sát các dự án giao thông trọng điểm, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ ấn tượng về phong cách làm việc của Phó Thủ tướng.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Thứ trưởng Bộ GTVT nêu cảm nhận về Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trong những từ quyết liệt, nhiệt tình, trách nhiệm, dám nghĩ dám làm, kiên định và quyết đoán.
"Phó Thủ tướng còn là người giản dị, cần cù, chịu khó, luôn làm việc hết trách nhiệm, không kể giờ giấc hay ngày đêm", theo lời Thứ trưởng Lê Đình Thọ.
Trong việc chỉ đạo các dự án giao thông, ông Thọ cho biết Phó Thủ tướng Lê Văn Thành rất quyết liệt.
Ông thường xuyên đi thị sát ngoài hiện trường thi công để nắm bắt tình hình, lắng nghe từng vấn đề vướng mắc để cùng địa phương tìm giải pháp tháo gỡ, nhất là những việc liên quan đến thủ tục đầu tư và công tác xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù trong giải phóng mặt bằng, giải quyết nguồn vật liệu… để thi công loạt dự án cao tốc, sân bay.
"Ngay khi Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhậm chức, ông đã được giao một nhiệm vụ hết sức nặng nề là chủ trì, chỉ đạo các bộ ngành cùng xây dựng Đề án phát triển đường cao tốc với mục tiêu phấn đấu theo Nghị quyết Đại hội Đảng XIII là đến năm 2030 đạt 5.000km đường cao tốc", Thứ trưởng Lê Đình Thọ chia sẻ.
Theo ông, với kinh nghiệm dày dặn ở địa phương, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã đóng góp, tham gia nhiều ý kiến, kiến nghị Thủ tướng đưa ra nhiều cơ chế, chính sách để tháo gỡ điểm nghẽn trong thủ tục đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng…
Những vấn đề này sau đó được Chính phủ, Thủ tướng thống nhất trình Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo, và đây trở thành cơ sở quan trọng để triển khai hàng loạt dự án giao thông trọng điểm sau này. Loạt dự án cao tốc dần thành hình, vì thế, cũng có những dấu ấn của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.
Nhớ lại những chuyến cùng Phó Thủ tướng thị sát trên công trường thi công cao tốc, sân bay, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ ấn tượng bởi hình ảnh về một vị Phó Thủ tướng luôn đội chiếc mũ cối đi kiểm tra từng khu vực, lắng nghe từng ý kiến.
Tương tự, với dự án trọng điểm sân bay Long Thành, ngoài những cuộc họp tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng cũng nhiều lần trực tiếp vào Đồng Nai thị sát, kiểm tra và đốc thúc tiến độ dự án trong từng phần việc cụ thể, từ giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư…
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành là một người từng trải qua nhiều cương vị, đặc biệt có thời gian dài làm lãnh đạo địa phương, nên theo ông Thọ, trong công tác chỉ đạo, điều hành, ông thấu hiểu, thông cảm, chia sẻ với những cái khó ở địa phương. Ông đồng thời chỉ rõ những tồn tại để cùng tháo gỡ vướng mắc.
Với nhiều vấn đề cốt lõi của việc triển khai các dự án giao thông trọng điểm, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết Phó Thủ tướng chỉ đạo "đến nơi đến chốn", chỉ rõ phần việc và trách nhiệm của từng người, từng đơn vị, từng cấp liên quan.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng là người cùng đi với Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trong nhiều chuyến chống bão, chống lũ.
Còn nhớ năm 2022, liên tục trong tháng 9 và tháng 10, Phó Thủ tướng có hai chuyến vào miền Trung chỉ đạo chống bão.
Tháng 9, khi bão số 4 (bão Noru) đổ bộ, Phó Thủ tướng đến Quảng Trị thị sát và chủ trì cuộc họp xuyên đêm ở tâm bão, để chỉ đạo công tác ứng phó.
Một tháng sau, người ta lại thấy hình ảnh vị Phó Thủ tướng mặc áo mưa, đầu đội mũ cối, quần xắn cao, lội nước vào rốn lũ để hỏi thăm, động viên người dân ở Thừa Thiên Huế.
Người giúp Hải Phòng "đơm hoa kết trái"
Ông Trần Ngọc Vinh (nguyên Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng, Chủ tịch Hội Luật gia TP Hải Phòng) là người có 5 năm gắn bó với Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khi hai người cùng sinh hoạt chung trong đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XII TP Hải Phòng.
Khi ấy, ông Vinh làm Phó trưởng đoàn chuyên trách, còn Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giữ chức Giám đốc Công ty Xi măng Hải Phòng. Từ cuối năm 2010, ông Thành trở thành Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, rồi dần nắm giữ những chức vụ chủ chốt ở địa phương như Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch thành phố, Bí thư Thành ủy Hải Phòng.
"Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn là con người của công việc, trong lãnh đạo, chỉ đạo rất quyết liệt, dứt khoát", ông Vinh nêu cảm nhận về Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.
Đặc biệt, trong giai đoạn ông Thành làm lãnh đạo Hải Phòng, cựu đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh ấn tượng về sự thay da đổi thịt của thành phố cảng.
Sau một nhiệm kỳ ông Lê Văn Thành giữ cương vị Bí thư Thành ủy, ông Vinh cho biết Hải Phòng đã "lột xác" khi liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nằm trong top đầu cả nước; thu ngân sách tăng vượt bậc với bình quân năm sau tăng gấp đôi năm trước. Cuối năm 2020, thu ngân sách của Hải Phòng đạt mức 30.000 tỷ đồng, trong khi tỷ lệ này 5 năm trước chỉ đạt mức 8.000 tỷ đồng.
Theo lời ông Vinh, Bí thư Lê Văn Thành khi đó rất quan tâm phát triển hạ tầng giao thông. Trong nhiệm kỳ của ông đã có gần 50 cây cầu được xây dựng, trong đó nhiều cây cầu trở thành niềm tự hào của người dân đất cảng.
Trong khi đó, hệ thống giao thông kết nối với các tỉnh lân cận như Quảng Ninh, Hải Dương được hoàn thiện nhanh chóng, nối liền sự phát triển.
"Ông Lê Văn Thành chọn hướng đi có chiều sâu, giúp Hải Phòng phát triển bền vững với nhiều dự án giao thông đồng bộ như cao tốc, sân bay, cảng nước sâu, và cả những khu đô thị mới. Tất cả đều có dấu ấn của ông", ông Vinh nói.
Không chỉ vậy, vấn đề xây dựng nông thôn mới, theo ông Vinh, cũng được Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành rất quan tâm, thực hiện đạt nhiều kết quả.
Ông Thành cũng là vị lãnh đạo đặc biệt quan tâm tới đời sống người dân và các chính sách an sinh xã hội, chính sách người có công. Theo ông Vinh, trong giai đoạn ông Thành giữ cương vị Bí thư Thành ủy, các chính sách an sinh, chính sách người có công ở Hải Phòng luôn ở mức cao so với cả nước.
Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố còn khuyến khích người tài bằng việc thưởng lớn cho học sinh các cấp đoạt giải trong các kỳ thi quốc tế với trị giá giải thưởng lên tới hàng trăm triệu đồng. Hải Phòng khi ấy cũng là địa phương tiên phong trong việc miễn giảm học phí cho học sinh từ cấp tiểu học tới trung học phổ thông.
Với nhiều chính sách đột phá được đưa ra trong nhiệm kỳ lãnh đạo, ông Lê Văn Thành được nhận định là người đã giúp Hải Phòng "đơm hoa, kết trái".
Trong ấn tượng của ông Vinh, vị Bí thư Thành ủy còn có công rất lớn trong việc tiếp xúc, kêu gọi và thu hút đầu tư của các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp FDI về thành phố Hải Phòng. Đó cũng là một dấu ấn góp phần đưa thành phố cảng phát triển nhanh chóng và giàu đẹp như ngày nay.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành từ trần hồi 20h20 ngày 22/8, tại nhà riêng ở quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng.
Lễ tang của ông sẽ được thực hiện theo nghi thức Lễ tang cấp Nhà nước.
Linh cữu Phó Thủ tướng Lê Văn Thành được quàn tại Trung tâm Hội nghị thành phố Hải Phòng, số 18 Hoàng Diệu, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng.
Lễ viếng tổ chức vào hồi 9h ngày 24/8 đến 7h ngày 26/8. Lễ truy điệu vào hồi 7h ngày 26/8. Sau đó là Lễ đưa tang và Lễ an táng trước 11h ngày 26/8 tại Nghĩa trang quê nhà xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.