Tháng Bảy tri ân trên “đất thiêng” Quảng Trị:
Những câu chuyện xúc động ở Nghĩa trang liệt sĩ “lớn nhất nước”
(Dân trí) - Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, tỉnh Quảng Trị là điểm đến thường xuyên đối với thân nhân và đồng đội tri ân các liệt sĩ. Hiện nghĩa trang này là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của hơn 10.200 mộ anh hùng, liệt sĩ, là con em từ các địa phương trong cả nước đã chiến đấu, hy sinh và nằm lại trên mảnh đất giàu truyền thống anh hùng.
Vào dịp Kỷ niệm 70 năm ngày thương binh, liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017), nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành đã về Quảng Trị tri ân và dâng những nén tâm nhang tưởng nhớ công lao to lớn của các vị anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống.
Tìm gặp người thân giữa vạn mộ phần
Đến với Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Đường 9 vào những ngày tháng Bảy, chúng tôi ghi nhận có rất đông người dân từ các địa phương trong nước trở về tri ân các liệt sĩ.
Bà Lê Thị Ngọc Huyền (Thái Bình) cho biết, 3 năm gần đây, năm nào bà cũng vào Quảng Trị dâng hương tri ân người thân là liệt sĩ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Trường Sơn. Bà Huyền nói rằng, được thắp nén nhang lên mộ người thân không chỉ thể hiện trách nhiệm mà trên hết là tình cảm với người đã khuất.
Tháng Bảy tri ân trên “đất thiêng” Quảng Trị
Tiếp chuyện chúng tôi, ông Hồ Tất Ái, Trưởng Ban quản lý Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn - người có thâm niên gần 20 năm làm nhiệm vụ tại nghĩa trang này cho biết, được giao trọng trách phục vụ tại Nghĩa trang đối với ông là một việc làm đầy ý nghĩa nhân văn, trách nhiệm với các liệt sĩ.
Quá trình làm việc tại nghĩa trang, ông đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện cảm động. Ông Ái không thể nhớ rõ đã bao nhiêu lần bản thân ông và những người làm nhiệm vụ tại nghĩa trang thấy nghẹn lòng trước những tình cảm của người sống với các liệt sĩ.
Đến bây giờ ông Ái chưa thể quên “cuộc gặp gỡ” đầy cảm động của một người phụ nữ quê ở Thanh Hóa và bác sĩ quân y người Quảng Trị, nhưng lại gặp giữa nghĩa trang khi người thương đã là liệt sĩ. Ông Ái nói rằng, đây là câu chuyện tình yêu đẹp trong rất nhiều chuyện ông chứng kiến.
Khi tình cảm giữa 2 người đang mặn nồng thì anh bác sĩ vào chiến trường. Trước khi đi anh trao lại các kỷ vật cho cô gái. Sau đó, anh hy sinh và được đưa vào an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.
Mãi đến năm 2004, người con gái ấy, nay đã già, mới vào thăm viếng, trao lại kỷ vật và khóc lóc vật vã bên mộ liệt sĩ.
Trường hợp người phụ nữ tên Xuân ở Hà Tĩnh, khi biết tin chồng hy sinh, bà ở vậy một lòng thờ chồng nuôi con. Hàng năm, vào các dịp lễ bà và con gái vào Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn để viếng mộ chồng...
Rồi những câu chuyện mẹ vào thăm con, anh vào thăm em, cháu thăm bác… luôn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người quản trang lâu năm như ông Hồ Tất Ái.
Linh thiêng Trường Sơn!
Nhiều năm công tác ở nghĩa trang, làm nhiệm vụ chăm sóc phần mộ liệt sĩ, hướng dẫn cho khách và thân nhân đến thăm viếng, những câu chuyện tâm linh xúc động mà chính ông và những người quản trang đã bắt gặp nhưng không thể lý giải nổi.
Ông nói rằng: “Người ta thường nói, chết là hết, nhưng tôi nghĩ chết chưa phải là hết, linh hồn vẫn sống mãi”.
Ông Hồ Tất Ái không tin vào những trò mê tín dị đoan, nhưng những câu chuyện tâm linh nghĩa tình tại Nghĩa trang Trường Sơn thì ông tin và trân trọng. Ông luôn xem đó là một phần trong công việc của mình, đó là nét văn hóa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ người đã khuất của người Việt Nam.
Ông Ái kể một câu chuyện: Sau khi nghĩa trang được xây dựng (1976), chuẩn bị khánh thành, mọi người phát hiện một cây bồ đề cao khoảng 20cm mọc lên ngay sau đài tưởng niệm. Thấy vậy, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đã giao cho Ban quản trang chăm sóc cây cẩn thận.
Khác với hàng trăm loại cây ở nghĩa trang, cây bồ đề lớn rất nhanh và chia thành 3 nhánh ôm lấy 3 cạnh của Đài tưởng niệm “Tổ quốc ghi công”. Ba cạnh của Đài tưởng niệm tượng trưng cho 3 miền Bắc-Trung- Nam.
Hồ nước trước Nghĩa trang liệt sĩ QG Trường Sơn chưa bao giờ cạn
Tại Nghĩa trang Trường Sơn có một hồ nước bốn mùa trong vắt, không bao giờ cạn. Mặc dù khu vực nghĩa trang luôn là chỗ cao, mùa hè xung quanh đều cạn nước.
Được biết, hồ nước ở nghĩa trang được Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên chỉ đạo cho Bộ đội Trường Sơn đào từ năm 1975-1976 với mục đích ban đầu là để trữ nước mưa và tạo cảnh quan cho nghĩa trang. Nhưng khi mới đào được gần 1,5m thì bất ngờ có một nguồn nước ngầm tuôn trào, trong vắt cho đến ngày nay...
Đăng Đức
(Còn nữa)