Nâng độ tuổi trẻ em lên 18: Hai mẹ con đều là trẻ em!
(Dân trí) - “Ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi đã kết hôn và sinh con mặc dù luật pháp không cho phép. Khi sinh con trong Bệnh viện phụ sản thì cả hai mẹ con đều là trẻ em”, đại biểu Triệu Thị Thu Phương nói về dự án Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Ngày 23/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi). Tại đây, các đại biểu đưa ra ý kiến khác nhau về việc nâng độ tuổi trẻ em lên đến 18 tuổi.
Góp ý kiến về quy định độ tuổi trẻ em, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng, việc nâng tuổi trẻ em, nhóm tuổi từ đủ 16 tuổi đến 18 tuổi được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục như trẻ em cần phải cân nhắc thận trọng hơn. Theo đại biểu, trong những năm gần đây, tình hình phạm tội bạo lực học đường, xuống cấp đạo đức của người chưa thành niên tăng lên, gây bức xúc trong dư luận và lo lắng của các bậc phụ huynh.
“Nên xem các em 16 đến 18 tuổi là thanh niên nhưng chưa thành niên để các em sớm biết tự lập, tự chịu trách nhiệm với bản thân, không nên xem các em là trẻ em. Vì vậy, tôi đề nghị không tăng độ tuổi trẻ em mà giữ như quy định trước đây: trẻ em là người dưới 16 tuổi”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nêu quan điểm.
Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (đoàn Bắc Kạn) cho biết, khi Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam lấy ý kiến từ các cấp bộ đoàn, hội, đoàn viên thanh niên trong cả nước về việc sửa đổi Luật thanh niên năm 2005, đa phần đoàn viên thanh niên có ý kiến giữ nguyên độ tuổi thanh niên theo luật hiện hành, bởi lẽ độ tuổi từ đủ 16 trở nên tâm sinh lý đã phát triển luôn muốn khẳng định cái tôi cá nhân, muốn làm người lớn, không phụ thuộc vào sự che chở của bố mẹ, gia đình. Theo đại biểu, ở độ tuổi này, các em đều đang là học sinh trung học phổ thông, là đoàn viên thanh niên, tâm lý các em không thích được gọi là trẻ em.
“Ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi đã kết hôn và sinh con, mặc dù luật pháp không cho phép. Khi sinh con trong bệnh viện phụ sản thì cả hai mẹ con đều là trẻ em...”, nữ đại biểu đoàn Bắc Kạn đưa ra ví dụ.
Từ phân tích trên, đại biểu Triệu Thị Thu Phương đề nghị giữ nguyên độ tuổi trẻ em như luật hiện hành.
Mang quan điểm khác, đại biểu Phạm Thị Hồng Nga (đoàn TP Hà Nội) đồng tình với việc nâng độ tuổi trẻ em lên 18 tuổi. Đại biểu cho rằng, làm như vậy là phù hợp với công ước quốc tế về quyền trẻ em, phù hợp với độ tuổi hoàn thành giáo dục bậc trung học phổ thông.
Mặt khác, từ 16 đến 18 tuổi là độ tuổi có nhiều biến đổi về tâm sinh lý, hết sức nhạy cảm, cần được quan tâm đặc biệt để giúp các em hoàn thiện nhân cách và phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần, giúp các em tránh nguy cơ phải lao động sớm, được bảo vệ để không bị lạm dụng, xâm hại.
“Nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi sẽ mở rộng được phạm vi áp dụng quyền trẻ em, như vậy sẽ tác động tốt đến việc khuyến khích học tập, đảm bảo tốt hơn cho nhóm người chưa thành niên có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm đầy đủ hơn, không phải bỏ học kiếm sống, được hỗ trợ học tập để hoàn thành phổ cập giáo dục và giảm thiểu được các nguy cơ khác”, đại biểu đoàn TP Hà Nội phân tích.
Đồng tình với quan điểm trên nhưng đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) lo ngại trước việc nâng độ tuổi trẻ em còn liên quan đến các quy định trong các luật khác của nước ta, ví dụ như Bộ luật Lao động, Bộ luật Hình sự...
“Trong báo cáo của Chính phủ có đề cập đến việc nâng tuổi trẻ em trong sửa đổi lần này là không ảnh hưởng đến các luật trên mà chưa giải thích một cách rõ ràng. Tôi đề nghị nên phân tích, giải thích rõ hơn về cơ sở của việc không ảnh hưởng đến khái niệm người lao động chưa thành niên trong Bộ luật Lao động, không ảnh hưởng đến quy định trong Bộ luật Hình sự về độ tuổi của người chưa thành niên chịu trách nhiệm hình sự”, đại biểu Tô Văn Tám chỉ rõ những thiếu sót trong dự luật.
Quang Phong