Lập thêm khoa sản ở... viện nhi nếu nâng tuổi trẻ em đến 18?
(Dân trí) - Bàn về dự luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), sáng 13/11,đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (Phó GĐ Sở Y tế TPHCM) nhấn mạnh, dù đây chỉ là một lời nói đùa nhưng đó là một nguy cơ có thật đối với ngành y nếu không chuẩn bị kỹ khi nâng tuổi trẻ em lên 18.
Độ tuổi của trẻ em vẫn là một quy định gây băn khoăn, tranh luận nhiều giữa các đại biểu Quốc hội. Hiện nay, “trẻ em” tại Việt Nam được xác định là những công dân chưa đủ 16 tuổi.
Sửa luật lần này, Chính phủ đề xuất mở rộng khái niệm trẻ em cả về độ tuổi và phạm vi. Cụ thể là quy định “trẻ em là người dưới 18 tuổi” mà không giới hạn là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi.
Cơ quan soạn thảo luận cho rằng, người dưới 18 tuổi chưa phát triển đầy đủ, chưa hoàn thiện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và tâm sinh lý, chưa đủ năng lực để thực hiện toàn diện quyền và nghĩa vụ của công dân, cần có sự hướng dẫn, quan tâm, chăm sóc của gia đình, Nhà nước và xã hội, cần được bảo vệ về mặt pháp lý và xã hội để các em được chăm sóc, phát triển đầy đủ, được bảo vệ khỏi các hành vi gây tổn hại cho trẻ em.
Việc nâng tuổi trẻ em từ dưới 16 tuổi lên dưới 18 tuổi mà không giới hạn là công dân Việt Nam để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp của luật này với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, các điều ước quốc tế và hệ thống pháp luật Việt Nam.
Đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cũng nhất trí về việc nâng độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi theo lập luận nêu trong tờ trình của Chính phủ.
Nhiều đại biểu Quốc hội tham gia phiên thảo luận cũng đồng tình với quan điểm nâng độ tuổi trẻ em lên để bảo vệ lứa tuổi từ 16 đến dưới 18 tốt hơn.
Tuy nhiên, cũng còn nhiều băn khoăn về các quy định cụ thể.
Đại biểu Nguyễn Phước Lộc lật lại vấn đề, nếu chỉ vì để phù hợp với công ước của Liên hợp quốc thì khó thuyết phục, cần làm rõ có bao nhiêu chính sách liên quan đến độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi.
“Chúng tôi vẫn nói đùa là nếu nâng độ tuổi trẻ em lên như dự thảo thì các bệnh viện nhi phải thành lập thêm khoa sản” - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Phạm Khánh Phong Lan nói.
“Hết hồn” vì bổn phận của trẻ em
Một vấn đề khác đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề cập là việc dự thảo luật có 4 điều quy định bổn phận của trẻ em với gia đình, với nhà trường, cơ sở giáo dục và và bạn bè, với cộng đồng, xã hội và với quê hương đất nước.
Theo đó, trẻ em có 17 bổn phận, từ có trách nhiệm với bản thân đến góp phần xây dựng, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Luật còn quy định trẻ em phải tôn trọng, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, đoàn kết, hợp tác với bạn bè quốc tế.
Bổn phận của trẻ em còn là thực hiện trật tự xã hội, an ninh công cộng, an toàn giao thông; giữ gìn của công, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên...
Bà Phong Lan nhận xét, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói “Trẻ em như búp trên cành, biết ăn ngủ biết học hành là ngoan”, vậy mà luật này quy định cao xa đến… không hiểu nổi.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh cũng “gật đầu” nhận định, luật mà dùng từ “bổn phận” thì… kỳ quá.
Ông Ánh cũng băn khoăn với quy định về quyền của trẻ em “mọi trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, nơi ở và thư tín”. Theo đại biểu, quy định này không phù hợp ở Việt Nam vì bố mẹ không kiểm soát trẻ thì có khi trẻ con đưa cả chuyện của bố mẹ lên facebook.
Đồng tình, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm góp ý: “Quyền bất khả xâm phạm và quyền được bảo vệ được kết hợp như thế nào để không xung đột thì cần phải tính lại”.
P.Thảo