1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Nâng tuổi trẻ em từ dưới 16 lên dưới 18 là phù hợp với thế giới

(Dân trí) - Nếu nâng tuổi trẻ em thêm 2 tuổi, dân số trẻ em sẽ tăng từ 26 triệu lên 30,4 triệu người. Đây là điểm mới trong nội dung Tờ trình Luật Bảo vệ, chăm sóc trẻ và giáo dục trẻ em (sửa đổi) được trình Quốc hội xem xét trong ngày hôm nay 12/11.

Tăng quy định tuổi trẻ em sẽ tạo thêm nhiều quyền lợi cho nhóm đối tượng này.
Tăng quy định tuổi trẻ em sẽ tạo thêm nhiều quyền lợi cho nhóm đối tượng này.

Liên quan tới nội dung mới này, PV Dân trí đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan.

Thưa Thứ trưởng, dựa trên những căn cứ nào để Bộ LĐ-TB&XH tham mưu với Chính phủ đề xuất nâng quy định tuổi trẻ em từ dưới 16 lên dưới 18 trong Dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em?

Quy định về việc nâng tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi dựa trên nhiều căn cứ thực tiễn. Cách đây 25 năm, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Trong đó, Công ước này quy định “Trẻ em có nghĩa là người dưới 18 tuổi…”.

"Trẻ em khi bước vào ngưỡng vị thành niên, thay đổi nhanh về cả thể chất và tâm lý. Tình trạng đối tượng vị thành niên vi phạm pháp luật thường rơi vào độ tuổi 14 đến 18. Trong khi đó, độ tuổi này chưa có nhiều chính sách bảo vệ, giáo dục, chăm sóc về đạo đức, nhân cách, tâm lý và kỹ năng sống. Việc nâng tuổi trẻ em cũng là bước để đảm bảo hơn quyền lợi của nhóm đối tượng này".

Khảo sát của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam cho thấy: Châu á chỉ có Việt Nam, Myanmar, Singapore còn quy định tuổi của trẻ em thấp hơn 18. Campuchia và Lào đã quy định tuổi trẻ em dưới 18 tuổi. Myanmar đang sửa đổi Luật Trẻ em theo hướng nâng độ tuổi trẻ em lên 18 tuổi.

Cũng phải nói thêm rằng, Việt Nam thời kỳ trước đây còn nghèo, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Chúng ta quy định độ tuổi trẻ em dưới 16 tuổi để bảo đảm tính khả thi về nguồn lực thực thi các chính sách về trẻ em.

Từ năm 2010, Việt Nam đã ra khỏi danh sách các nước nghèo, tiềm lực kinh tế và phát triển xã hội đã khá hơn. Việc mở rộng phạm vi bảo đảm quyền và các chính sách trợ giúp đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là trọng tâm của tiến bộ xã hội.

Trong khi đó, Uỷ ban về quyền trẻ em của Liên hợp quốc cũng khuyến nghị Việt Nam nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi. Do vậy, việc sửa đổi độ tuổi của trẻ em không ảnh hưởng tới các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Xu hướng hội nhập về độ tuổi trẻ em đang diễn ra nhanh, Việt Nam cần điều chỉnh cho phù hợp.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan (ngoài cùng bên phải).
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan (ngoài cùng bên phải).

Quy định thực tế của thế giới là vậy. Nhưng việc điều chỉnh độ tuổi của trẻ em thời điểm này liệu có gây ra những xáo trộn về xác định đối tượng trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành không, thưa Thứ trưởng?

Việc nâng độ tuổi trẻ em đến dưới 18 nhằm bảo đảm sự thống nhất về trẻ em và người chưa thành niên trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Điều này củng cố tính thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam về ngưỡng tuổi trưởng thành đầy đủ (chưa thành niên và thành niên).

Đối với người dưới 18 tuổi, tùy theo độ tuổi để có căn cứ xác định trách nhiệm, mức độ, điều kiện tham gia vào đời sống xã hội và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Tôi xin đơn cử một số quy định trong pháp luật liên quan tới ngưỡng tuổi trưởng thành đầy đủ.

Hiến pháp năm 2013 quy định: Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử, công dân từ đủ 18 tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.

Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định: Người từ đủ 18 tuổi trở lên là người thành niên; người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên.

Bộ Luật lao động quy định người dưới 18 tuổi chỉ làm những công việc phù hợp với sức khỏe và độ tuổi để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách trong giai đoạn chưa thành niên.

Bộ Luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự và Luật xử lý vi phạm hành chính đều quy định người dưới 18 tuổi không hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi giống như người thành niên và người chưa thành niên.

“Việt Nam có số dân trong độ tuổi 0 đến 16 là 26 triệu người, chiếm 29,06% dân số. Dân số trong độ tuổi từ 16- 18 là hơn 4,3 triệu người, chiếm 4,9%. Nếu tăng tuổi trẻ em đến dưới 18, dân số trẻ em là hơn 30,3 triệu người, chiếm 34 % dân số” - Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết.

Ngoài ra, Luật hôn nhân và gia đình, Luật nghĩa vụ quân sự, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đều quy định ngưỡng tuổi thành niên và chưa thành niên là 18 tuổi.

Thưa Thứ trưởng, nếu Quốc hội thông qua đề xuất nâng độ tuổi trẻ em đến dưới 18 tuổi, điều này có làm tăng áp lực lên hệ thống an sinh xã hội và nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho nhóm trẻ em không?

Việc tăng độ tuổi trẻ em tất yếu làm tăng thêm tỉ lệ trẻ em trong cơ cấu dân số. Tuy nhiên điều này không làm ảnh hưởng lớn đến hệ thống chính sách và nguồn ngân sách cho y tế, giáo dục, văn hóa, trợ giúp xã hội hiện nay.

Hầu hết các chính sách cho người chưa thành niên đều đã được quy định cụ thể theo căn cứ độ tuổi và bậc học. Trong đó, tuổi 18 cũng được xem như một ngưỡng tuổi để căn cứ điều chỉnh.

Đơn cử về chính sách hiện được chia theo các nhóm tuổi. Nhà nước đang áp dụng chính sách hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, không thu học phí ở bậc tiểu học…

Về trách nhiệm hình sự. Trẻ em phải chịu trách nhiệm hình sự từ tuổi 14, nhưng được hưởng sự bảo vệ đặc biệt cho trẻ em trong quá trình tố tụng cho đến khi 18 tuổi.

Trẻ em có thể có khả năng tham gia lao động khi 15 tuổi, nhưng phải được bảo vệ khỏi các công việc độc hại, bóc lột hoặc có hại cho đến khi 18 tuổi.

Để tránh áp lực gia tăng ngân sách khi Luật được ban hành, Dự thảo quy định chính sách Nhà nước được thực hiện có lộ trình từng bước gia tăng mức độ đầu tư, mở rộng dần đối tượng, độ tuổi để trẻ em và căn cứ vào mức độ phát triển kinh tế - xã hội đối với các chính sách đảm bảo các quyền của trẻ em.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

 

Hoàng Mạnh (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm