"Ma trận" biển báo giao thông: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nói gì?
(Dân trí) - Các địa phương phải có trách nhiệm về các vấn đề liên quan trên các quốc lộ và tỉnh lộ, trong đó phải quản lý và xử lý các biển báo giao thông trên những tuyến đường này, theo Bộ trưởng Bộ GTVT.
Đã bao giờ bạn cảm thấy lạc lõng và hoang mang trước những biển báo giao thông khó hiểu trên đường? Đã bao giờ bạn phải vò đầu bứt tai để đoán ý của những biển báo giao thông "kỳ quặc"?
Liệu có khi nào bạn "dính" oan ức vì những biển báo giao thông? Nếu câu trả lời là CÓ, thì bạn không hề đơn độc!
Trong suốt thời gian vừa qua, chúng tôi đã nhận được nhiều phản ánh từ bạn đọc về tình trạng "loạn" biển báo giao thông trên nhiều tuyến đường. Những biển báo treo như đánh đố, mập mờ, thậm chí là khó hiểu không chỉ gây khó khăn cho người tham gia giao thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến những vụ tai nạn đáng tiếc.
Chính vì vậy, chúng tôi quyết định thực hiện tuyến bài "Ma trận" biển báo giao thông" - nêu rõ thực trạng này. Chúng tôi sẽ cùng bạn đọc "điểm mặt chỉ tên" những biển báo bất hợp lý, phân tích những bất cập trong hệ thống giao thông và đưa ra những giải pháp thiết thực để cải thiện tình hình.
Hy vọng rằng, tuyến bài này sẽ góp thêm tiếng nói để các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, xử lý dứt điểm tình trạng "loạn" biển báo giao thông, mang lại sự an toàn và thuận tiện cho người tham gia giao thông.
Kính mời bạn đọc cùng theo dõi!
Những ngày qua, báo Dân trí đăng tải loạt bài "Ma trận" biển báo giao thông, phản ánh tình trạng các biển báo bất hợp lý, bị che lấp, đánh đố người tham gia giao thông.
Trao đổi với phóng viên Dân trí bên lề hành lang Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh cho biết, hiện nay bộ quản lý các tuyến cao tốc, còn các quốc lộ và tỉnh lộ đã phân cấp, giao cho các địa phương quản lý.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, bộ đã phân cấp nên địa phương phải có trách nhiệm về các vấn đề liên quan trên những tuyến đường này, trong đó có việc quản lý và xử lý các biển báo giao thông.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, các quy định, quy chuẩn về biển báo giao thông, vị trí cắm biển báo đã có cụ thể. Nếu có bất cập trong tổ chức giao thông, các địa phương, đơn vị liên quan phải nhanh chóng xử lý để đảm bảo an toàn giao thông, phục vụ người dân.
![Ma trận biển báo giao thông: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nói gì? - 1 Ma trận biển báo giao thông: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nói gì? - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/J3FAkdMy7_jkiepSKQVgQoq0hd0=/thumb_w/1020/2025/02/16/z632223724454752edb381fcf1fcd2f34cf7aaabe2d067-1739679101438.jpg)
Biển báo giao thông trên đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị cây xanh che khuất (Ảnh: Nguyễn Hải).
Tại Hà Nội cũng như các tỉnh, thành trên cả nước, việc biển báo giao thông bị che khuất, chữ "lí nhí"... là những vấn đề bất cập trong tổ chức giao thông không còn xa lạ.
Đại diện Ban an toàn giao thông Hà Nội cho biết, hàng năm cơ quan này đều tham mưu cho cấp trên yêu cầu các đơn vị chuyên môn xử lý những bất cập trong tổ chức giao thông của thành phố. Các biển báo giao thông là một nội dung trong tổ chức giao thông.
Còn theo một cán bộ có trách nhiệm thuộc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội), đơn vị thường xuyên chủ động hoặc phối hợp với Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở GTVT) rà soát, xử lý các cây, nhành cây che khuất các biển báo giao thông.
Vị này cho biết, các vỉa hè, tuyến phố của thành phố không đồng bộ, nhiều tuyến phố không đạt tiêu chuẩn nên nhiều biển báo giao thông bị che khuất. Các đơn vị chức năng đang rà soát tổng thể và sẽ thống nhất phương án xử lý, có thể phải đánh chuyển một số cây hoặc phải cắm lại biển báo giao thông.
Khuyến khích người dân phản ánh biển báo bị che khuất
Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an Hà Nội cho biết, nhằm bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt, cơ quan này khuyến khích người dân hỗ trợ cung cấp thông tin phản ánh về sự cố, bất cập trong tổ chức giao thông để kịp thời kiểm tra, xử lý.
Thực tế hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn Hà Nội chịu nhiều tác động từ thời tiết mưa bão, cây đổ, va chạm giao thông hoặc sự cố kỹ thuật bất ngờ. Điều này có thể khiến đèn tín hiệu giao thông hỏng, pha tín hiệu hoạt động không ổn định, biển báo bị che khuất.
Một số khu vực có mật độ phương tiện cao, tổ chức giao thông chưa phù hợp hoặc xảy ra sự cố đột xuất cũng có thể dẫn đến ùn tắc, gây khó khăn cho việc di chuyển của người dân.
Do đó, Phòng CSGT Hà Nội tổ chức tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân qua trang Zalo "Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội" và số điện thoại đường dây nóng 02439424451.