Những biển báo tự chế ở Đà Nẵng khiến các tài xế khó xử

Hoài Sơn

(Dân trí) - Không có biển cấm đỗ xe, nhưng các chủ nhà ở thành phố Đà Nẵng sẽ không vui khi có ô tô dừng, đỗ trước cửa. Ở các vị trí này thường có tấm biển báo tự chế "vui lòng không đỗ xe".

Đã bao giờ bạn cảm thấy lạc lõng và hoang mang trước những biển báo giao thông khó hiểu trên đường? Đã bao giờ bạn phải vò đầu bứt tai để đoán ý của những biển báo giao thông "kỳ quặc"?

Nếu câu trả lời là CÓ, thì bạn không hề đơn độc!

Trong suốt thời gian vừa qua, chúng tôi đã nhận được nhiều phản ánh từ bạn đọc về tình trạng "loạn" biển báo giao thông trên nhiều tuyến đường. Những biển báo treo như đánh đố, mập mờ, thậm chí là khó hiểu không chỉ gây khó khăn cho người tham gia giao thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến những vụ tai nạn đáng tiếc.

Chính vì vậy, chúng tôi quyết định thực hiện tuyến bài "Ma trận" biển báo giao thông" - nêu rõ thực trạng này. Chúng tôi sẽ cùng bạn đọc "điểm mặt chỉ tên" những biển báo bất hợp lý, phân tích những bất cập trong hệ thống giao thông và đưa ra những giải pháp thiết thực để cải thiện tình hình.

Hy vọng rằng, tuyến bài này sẽ góp thêm tiếng nói để các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, xử lý dứt điểm tình trạng "loạn" biển báo giao thông, mang lại sự an toàn và thuận tiện cho người tham gia giao thông.

Kính mời bạn đọc cùng theo dõi!

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, tại nhiều tuyến đường trung tâm thành phố Đà Nẵng như Trần Cao Vân, Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê); Lê Lợi, Đống Đa, Quang Trung (quận Hải Châu) xuất hiện những tấm bảng "vui lòng không đậu, đỗ xe trước nhà".

Những biển báo tự chế ở Đà Nẵng khiến các tài xế khó xử - 1
Cụm 3 biển tự chế "vui lòng không đậu, đỗ xe" đặt tại đường Điện Biên Phủ (Ảnh: Hoài Sơn).

Đáng chú ý, một số chủ nhà còn đưa cả trụ thông báo cấm đỗ xe xuống lòng đường, gây mất mỹ quan đô thị.

Anh Xuân Nghị, trú quận Sơn Trà cho biết, việc tìm chỗ dừng, đỗ xe ở trung tâm thành phố trở thành nỗi ám ảnh. Anh đã nhiều lần bị phạt vì đỗ xe sai quy định.

"Có những chỗ được phép đỗ xe nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu, chỗ thì bị chủ nhà ở mặt tiền không cho đỗ", anh Nghị nói.

Theo anh Nghị, những nhà có mặt tiền để biển "vui lòng không đỗ xe" cũng có lý do vì người kinh doanh bỏ tiền ra thuê mặt bằng, không ai muốn mặt tiền của mình bị bịt kín.

Một lãnh đạo UBND quận Hải Châu cho biết, nếu người dân đặt các vật dụng dưới lòng đường để ngăn cản việc đỗ xe thì không được. Còn nếu ghi một tấm biển với vài câu lịch sự và để trên vỉa hè cũng có thể thông cảm.

Những biển báo tự chế ở Đà Nẵng khiến các tài xế khó xử - 2
Ở khu vực được đỗ xe được chủ nhà đặt biển "vui lòng không đỗ xe" vì khách ra vào liên tục (Ảnh: Hoài Sơn).

Vị lãnh đạo này nhấn mạnh, cần nghiên cứu các giải pháp đồng bộ, chia sẻ lợi ích để không ảnh hưởng đến mỹ quan và thể hiện sự văn minh của thành phố.

Luật sư Thanh Trà, Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng, cho biết, các biển "vui lòng không đỗ xe trước nhà" là biển báo tự phát của người dân, không có giá trị pháp lý. Chúng chỉ là những biển nhắc nhở việc đỗ xe hợp lý, thuận tiện cho chủ nhà và các phương tiện khác.

Theo luật sư Mai Quốc Việt, Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng, nhiều người dân tự đặt biển không cho phép đỗ xe trước cửa nhà vì cho rằng phần đất này thuộc quyền của mình. Tuy nhiên, suy nghĩ này của họ là không đúng.

Chủ nhà chỉ có quyền sở hữu bất động sản theo ranh giới nhà, diện tích sử dụng đất đã được công nhận. Hành lang đường, vỉa hè, lòng đường là tài sản do nhà nước quản lý.

Những biển báo tự chế ở Đà Nẵng khiến các tài xế khó xử - 3
Chủ nhà đưa cả trụ thông báo cấm đỗ xe xuống lòng đường Duy Tân (Ảnh: Hoài Sơn).

Do đó, nếu khu vực không có biển cấm đỗ xe, người lái xe đỗ đúng quy định thì không bị xử phạt, kể cả khi đỗ xe chắn trước cửa nhà người khác. Việc đỗ xe chỉ bị xem là xâm phạm khi nó thật sự cản trở lối đi, hoạt động sống của chủ nhà.

Luật sư Việt khuyến cáo, mặc dù không có quy định xử phạt đối với hành vi đỗ xe chắn trước cửa nhà dân, nhưng việc đỗ xe có thể ảnh hưởng tới đi lại, buôn bán của người khác. Tài xế cần có ứng xử phù hợp, văn minh để tránh xung đột.

Ngoài ra, khi phát sinh tranh cãi, các bên cần kiềm chế để giải quyết, tránh xâm hại tài sản như đổ sơn, cào xước xe, đập phá. Những hành vi này có thể bị khởi tố hình sự về hành vi cố ý làm hư hỏng, hủy hoại tài sản của người khác.