Nghiên cứu khoa học gây thiệt hại cho Nhà nước được miễn trách nhiệm dân sự
(Dân trí) - Tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được miễn trách nhiệm dân sự khi gây ra thiệt hại cho Nhà nước, theo nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua.
Sáng 19/2, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Quốc hội cho phép tổ chức khoa học công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập được thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp, tham gia góp vốn vào doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do tổ chức đó sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng.
Viên chức quản lý làm việc tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập được tham gia góp vốn, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, làm việc tại doanh nghiệp do tổ chức đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức đó tạo ra khi được sự đồng ý của người đứng đầu tổ chức.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Ảnh: Hồng Phong).
Trường hợp viên chức quản lý là người đứng đầu tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập, phải được sự đồng ý của cấp trên quản lý trực tiếp.
Một trong những nội dung quan trọng được thể hiện trong nghị quyết lần này là chủ trương chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Theo đó, tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được miễn trách nhiệm dân sự khi gây ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước, khi đã thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định liên quan.
Tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước trong quá trình triển khai đã thực hiện đầy đủ các quy định và nội dung nghiên cứu đã được thuyết minh nhưng không đi đến kết quả như dự kiến, sẽ không phải hoàn trả lại kinh phí đã sử dụng.
Khoán chi trong thực hiện nghiên cứu cũng là chủ trương quan trọng được Quốc hội thống nhất.
Theo đó, Nhà nước ưu tiên việc cấp kinh phí ngân sách để triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ theo cơ chế quỹ thông qua các quỹ khoa học và công nghệ.
Kinh phí từ ngân sách Nhà nước cấp hằng năm để triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ thông qua các quỹ phát triển khoa học công nghệ.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (Ảnh: Hồng Phong).
Nhiệm vụ khoa học công nghệ được thực hiện theo phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng khi tổ chức chủ trì có cam kết về sản phẩm với chỉ tiêu chất lượng chủ yếu cần đạt được.
Tổ chức chủ trì có trách nhiệm tổ chức khai thác tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước, tiếp tục đầu tư để thương mại hóa bảo đảm hiệu quả.
Theo nghị quyết, các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công từ thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước là các khoản thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân.
Về hoạt động chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết nêu rõ ngân sách Trung ương được sử dụng để đầu tư, mua sắm, thuê, duy trì, vận hành, bảo trì các nền tảng số, hệ thống thông tin quy mô quốc gia, quy mô vùng để các cơ quan, tổ chức của trung ương, địa phương sử dụng, khai thác chung nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí.
Quốc hội cho biết việc xây dựng nghị quyết này nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết 57 vào thực tiễn; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính; bảo đảm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội.