1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Luật sư yêu cầu hoãn toà, giám định lại

(Dân trí) - Ngày thứ 10 phiên toà xử Nguyễn Lâm Thái và đồng bọn, các luật sư tiếp tục không đồng tình với quy trình và kết quả của bản giám định giá. Các luật sư bào chữa cũng đưa ra lập luận để chứng minh kết quả bản giám định là vi phạm pháp luật.

Hôm qua, 25/4, phiên xét xử Nguyễn Lâm Thái và đồng phạm tiếp tục với phần tranh luận của các luật sư bào chữa cho bị cáo. 

Luật sư Trương Thị Hòa (bảo vệ cho các bị cáo bưu điện Phú Yên) cho rằng HĐXX nên xem xét về tư cách giám định viên vì tổ giám định của ông Dương Văn Hòa không phải là giám định tư pháp mà là giám định theo vụ việc. Theo pháp lệnh về giám định tư pháp thì phải do bộ tư pháp thành lập, còn tổ giám định này thành lập bởi bộ tài chính theo yêu cầu của cơ quan điều tra. Do vậy luật sư Hòa đề nghị toà xem xét kỹ về vấn đề thẩm định giá. Ngoài ra, việc chia nhỏ và dán nhãn mác những mặt hàng nổi tiếng theo cáo trạng quy kết cũng chưa được ai giám định. Luật sư đặt câu hỏi : “Hàng nổi tiếng đó là hàng nhái hay hàng giả, chúng khác nhau như thế nào thì chưa thấy ai giám định?”.

Luật sư Hoà còn cho rằng các bị cáo cũng bị một ít áp lực và tin tưởng vào công văn thẩm định giá của Bộ Tài chính vì ai cũng biết đây là trung tâm cao nhất về thẩm định giá nên hoàn toàn có cơ sở để tin đó là giá đúng. Kết lại phần tranh luận của mình, luật sư Hòa yêu cầu HĐXX miễn trách nhiệm hình sự theo điều 25 BLHS khi hành vi của các bị cáo không còn nguy hiểm cho xã hội.

Luật sư bào chữa cho Lâm Minh Thủy, Dương Văn Thuần (tỉnh Vĩnh Long) và Bùi Văn Minh, Nguyễn Thị Thu Quyên (tỉnh Trà Vinh) yêu cầu HĐXX phải xác định thiệt hại để làm cơ sở xét xử và phải nên xem xét lại tư cách, trình độ của các giám định viên.

Luật sư này nói: “Ông Dương Văn Hòa đã nói một điều “dũng cảm” là kết luận giám định chỉ có giá trị tham khảo”. Cũng theo luật sư thì 4/5 căn cứ của kết luận thẩm định giá đã hết hiệu lực thì làm sao đủ cơ sở pháp lý.

Việc xác định giá của các mặt hàng chỉ ở hai địa phương là Hà Nội và TPHCM thì không thể khách quan được vì còn phải tính chi phí vận chuyển. Luật sư này ví dụ: Giá xăng được chính phủ quy định là chuẩn nhưng ở Hà Nội khác, Lào Cai khác...

Chưa hết, nếu không tính VAT vào thiệt hại, Vĩnh Long và Trà Vinh sẽ được miễn trách nhiệm hình sự do thiệt hại dưới một tỉ. Từ đó, luật sư này kiến nghị phải áp dụng nguyên tắc có lợi cho các bị cáo bằng cách giám định lại. Ngoài ra, việc cơ quan điều tra đã thực hiện quy trình ngược khi yêu cầu các bị cáo nộp tiền bồi thường trước khi có kết luận về thiệt hại là hoàn toàn không khách quan.

Qua đó luật sư cho rằng: “Bản chất của hình phạt là răn đe và giáo dục vì thế chỉ cần xử lý hành chính là đã đủ. Vụ án này chưa đầy đủ cơ sở chứng cứ để xử lý hình sự đối với các bị cáo”.

Luật sư Lưu Văn Tám bào chữa cho Bùi Trọng Khái - nguyên PGĐ Bưu điện An Giang cho rằng việc định tội danh là chưa chính xác. Không thể xác định được rằng việc bán các mặt hàng này với giá cao hay thấp vì chính chuyên viên Nguyễn Thị Thu Lan với tư cách là một chuyên viên cũng không tìm được những mặt hàng tương tự trên thị trường thì làm sao những bưu điện biết giá mà mua.

Theo luật sư, các bị cáo có lỗi nhưng chỉ là lỗi vô ý do quá tự tin. Không có chứng cứ và không thể xác minh được động cơ của các bị cáo. Nếu có thì cũng chỉ là động cơ phục vụ cho công tác của ngành bưu điện. Vì vậy, luật sư yêu cầu hội đồng xem xét về mặt tội danh cho các bị cáo. Đồng thời luật sư này cũng cho rằng việc thẩm định giá đã vi phạm tố tụng nên cần hoãn xử để giám định lại. 

Công Quang

Dòng sự kiện: Xử Nguyễn Lâm Thái