1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ngày thứ 3 phiên tòa xét xử Nguyễn Lâm Thái và đồng phạm:

“Nếu tòa xử oan thì bị cáo “hứa” sẽ tự tử..."

(Dân trí) - Trong buổi thẩm vấn sáng ngày 11/4, cả 5 bị cáo Vũ Anh, Vũ Công Đại, Vũ Ngọc Hoan, Nguyễn Quang Huy, Phạm Văn Tiến đều đồng loạt thừa nhận mình phạm tội “trốn thuế” nhưng phủ nhận hoàn toàn tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cách lập luận của các bị cáo khi bị thẩm vấn đều rập khuôn nhau. Trước HĐXX, bị cáo Vũ Ngọc Hoan (Giám đốc Công ty TNHH Siêu điện tử HPT) cho biết là bản thân rất ngỡ ngàng khi bị bắt và quy tội “trốn thuế”. Hoan biện minh: “Bị cáo cứ nghĩ mình có mua bán gì đâu mà trốn thuế, có quỵt tiền của ai đâu mà lừa đảo. Xử như vậy là oan cho bị cáo lắm”.

Tuy nhiên, trước tòa cả 7 “ông giám đốc” đều khai nhận không biết gì về các giao dịch làm ăn của “ông tổng Thái” nhưng Thái đưa gì thì ký nấy, nếu không sẽ bị đuổi việc. Riêng Phạm Văn Tiến - nguyên Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ quảng cáo Sao Bắc thì khai nhận công ty mình hoạt động hoàn toàn độc lập, không liên quan đến công ty của Nguyễn Lâm Thái nên không thể gọi công ty Sao Bắc là công ty con.  

“Nếu tòa xử oan thì bị cáo “hứa” sẽ tự tử để gây áp lực” 

Vẫn với “điệp khúc” cũ, tại tòa, Nguyễn Lâm Thái liên tục kêu oan. Trong phần trả lời luật sư bào chữa cho mình, Thái nói: “Em bị oan ức lắm, nhiều lần đã có ý định tự sát trong tù, nhưng thương vợ con nên không làm mà ra toà để chứng minh mình không né trách nhiệm. Thái còn bảo: “Nếu phiên toà này xử không công minh thì sẽ tự tử trong vòng một tháng sau… để làm “chiêu” gây áp lực cho tòa”. 

Phiên tòa buổi sáng, Nguyễn Lâm Thái vẫn với phong cách “tưng tưng”. Bị cáo này đã từ chối trả lời một số câu hỏi của công tố viên cũng như luật sư bào chữa cho mình.

Trong buổi thẩm vấn trước đó, Thái khai nhận đã bị ép cung trong quá trình điều tra, xét hỏi. Sáng nay, vị công tố viên hỏi: “Trong những lần phúc cung thì bị cáo có trình bày việc bị ép cung cho luật sư và đại diện VKS biết không?”. Thái nói: “Bị cáo có nói nhưng họ nói không có gì”.  

Về công văn thẩm định giá, theo cáo trạng Thái đã tự đóng dấu hoả tốc một công văn rồi gửi đến ép 11 bưu điện tỉnh mua những bức phù điêu của một công ty trong “tập đoàn” của Thái nhân dịp SeaGames 22. Tuy nhiên, Thái khai nhận mình tự làm và không sửa chữa gì như quy kết của cáo trạng. Thái cho biết: “Thật ra việc làm này là rất tốt vì nhờ đó mà góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam thông qua các bưu điện. Hơn nữa đây là sản phẩm mang tính trí tuệ cao mà khi thẩm định giá cơ quan chức năng lại chỉ tính phần thiệt hại của các bưu điện mà quên “tính tiền” bản quyền thì… thiệt thòi cho bị cáo quá(!?)”.

Về việc lợi dụng những tấm hình Thái chụp với các vị lãnh đạo cấp cao thì Thái thừa nhận. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Thái với những quan chức này thì Thái nói chỉ là khách hàng thông thường chứ không thân thiết hơn. Trả lời luật sư của mình, Thái nói công văn trên chỉ là hướng dẫn chứ không phải lệnh để buộc các bưu điện phải mua hàng của mình. Thái cho rằng: “Giả sử mình không bán máy móc cho các bưu điện thì nếu lỡ xảy ra sự cố gì thì đau lòng xót xa lắm, nên việc bị cáo bán giá cao một tí cũng chẳng sao”.

Giám định viên đuối lý trước luật sư

Trong phần tranh luận vào chiều nay, các luật sư “dồn dập” đặt các câu hỏi với ông Dương Văn Hòa - Phó ban thanh tra, Tổng cục thuế - Trưởng tổ giám định. Tuy nhiên, rất nhiều lần ông Hòa từ chối các câu hỏi của luật sư.

Luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thái Hòa Bình) hỏi quy trình tổ chức giám định như thế nào? Ông Hòa cho biết chỉ giám định trên cơ sở số lượng và nội dung mà cơ quan cảnh sát điều tra cung cấp. Theo đó, việc xác định giá bán của Nguyễn Lâm Thái, cơ quan giám định căn cứ vào giá bán trên thị trường tại thời điểm xảy ra vụ án.

Luật sư Huỳnh Văn Nông (bào chữa cho Phạm Xuân Cảnh) hỏi: “Các mặt hàng điện tử giảm giá rất nhanh theo thời gian. Vậy mà cơ quan giám định kết luận các mặt hàng mà Thái bán ra từ năm 1999 đến 2004 cùng 1 giá, liệu có ổn không?”, ông Dương Văn Hòa từ chối trả lời.

Luật sư Phạm Tiến Dũng (bào chữa cho Nguyễn Văn Kha, Tạ Quang Vĩnh) hỏi: “Khi tiến hành giám định, cơ quan giám định có căn cứ vào các quy định pháp luật nào không?”. Ông Hòa trả lời lòng vòng. Khi luật sư dẫn ra Nghị định 26 ngày 2/3/05 TTgCP về định giá, giám định có căn cứ không thì ông Hòa lại bảo: “Cái đó luật sư đi hỏi anh Tuyên (Phạm Ngọc Tuyên - Giám định viên)”, sau đó, ông Hòa trả lời là không căn cứ vào NĐ26.

Luật sư Dũng phản pháo: “Các anh tự đề ra phương pháp giám định và không căn căn cứ vào các quy định của pháp luật. Liệu kết quả giám định có đáng để tin cậy không?”.

Trước đó, trả lời luật sư Phan Trung Hoài, ông Hòa thừa nhận cũng chưa hiểu gì về các loại máy camera. Luật sư Dũng “bẻ”: “Anh giám định nhưng anh không hiểu gì về camera, không chuyên sâu. Nếu biết mình không đủ khả năng thì phải thông báo cho cơ quan trưng cầu giám định biết để thay người”. Giám định viên Hòa chống chế: “Để xác định giá cụ thể 1 chiếc camera mà Nguyễn Lâm Thái bán ra cho các bưu điện là bao nhiêu thì chúng tôi cũng bó tay. Nếu các luật sư nào giỏi thì đi giám định”. 

Luật sư Phạm Hữu Tình (Đoàn luật sư Bình Dương) nhấn mạnh: “Theo NĐ 26 thì việc giám định phải tiến hành ngay thời gian và địa điểm xảy ra vụ án. Các anh ngồi ở Bộ công an để giám định là trái với quy định”. 

Luật sư Trương Thị Hòa (bào chữa cho Phạm Hồng Khanh) hỏi giám định viên khi giám định có tính đến chi phí vận chuyển, quảng cáo… Tức là có tính đến giá mềm hay chỉ tính riêng giá thành phẩm thì vị giám định viên này im lặng. Khi luật sư Hòa nhắc lại câu hỏi thì giám định viên trả lời: “Tôi không phải là thanh tra, cơ quan điều tra”. 

Phiên tòa tiếp tục diễn ra phần thẩm vấn vào thứ 2 ngày 14/4.

Công Quang

Dòng sự kiện: Xử Nguyễn Lâm Thái